• Click để copy

Cần giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế hàng hải miền Trung

Vùng duyên hải miền Trung có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế hàng hải. Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Vì vậy, để kinh tế hàng hải phát triển phải triển khai đồng bộ các giải pháp...

Những khó khăn, bất cập

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định kinh tế hàng hải là ngành kinh tế biển được đặt ưu tiên phát triển thứ hai trong thứ tự ưu tiên phát triển 6 ngành kinh tế biển. Kinh tế hàng hải bao gồm các ngành công nghiệp tàu thủy, vận tải biển và dịch vụ khai thác cảng biển, bảo đảm hàng hải, các hoạt động phụ trợ như: Đại lý môi giới, hoa tiêu và hậu cần (logistics). Trong chiến lược phát triển kinh tế biển tổng thể, kinh tế hàng hải đóng vai trò quan trọng với trọng tâm khai thác cảng biển.

Cần giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế hàng hải miền Trung
Dịch vụ bốc dỡ hàng hóa ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) - một phần của hoạt động logistics. 

Trao đổi với chúng tôi, TS Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: “Với vị trí địa lý đặc biệt, vùng duyên hải miền Trung có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế hàng hải, nhưng đồng thời cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức cần giải quyết. Trong đó nổi lên là: Nhiều cảng biển và cơ sở hạ tầng liên quan chưa được đầu tư, nâng cấp đúng mức dẫn đến khả năng kết nối và năng lực vận tải chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kinh tế hàng hải cũng như đời sống người dân ven biển. Bên cạnh đó còn một số bất cập trong chính sách, quy hoạch và quản lý phát triển kinh tế hàng hải...”.

Thực tế, hiện khu vực miền Trung-Tây Nguyên chưa có cảng biển nào xứng tầm, công suất đủ lớn để trở thành trung tâm logistics của khu vực có thể đón được tàu trọng tải lớn vận chuyển hàng container đến trực tiếp các nước trên thế giới. Các cảng biển đã và đang được xây dựng, nâng cấp nhìn chung quy mô còn nhỏ, năng lực hạn chế, công nghệ xếp dỡ chưa hiện đại, năng suất khai thác thấp, chưa phát huy được thế mạnh. Phần lớn cảng mới chỉ phục vụ được nhu cầu xuất, nhập hàng hóa của các địa phương trong vùng. Mặt khác, khả năng kết nối giữa hệ thống đường bộ, đường sắt tới các cảng biển, sân bay, ga đường sắt, các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng còn nhiều hạn chế. Trong vùng chưa có tuyến đường sắt kết nối với cảng biển. Do vậy, việc đưa/rút hàng, thu gom hàng tổng hợp, container qua cảng phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực vận tải bằng đường bộ. Điều này vừa làm tăng chi phí vận tải đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thông qua các cảng biển, vừa tạo áp lực lên mạng lưới giao thông đường bộ.

Theo PGS, TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế-Đại học Đà Nẵng, sự phát triển cơ sở hạ tầng và các công trình phụ trợ khác cho hoạt động logistics trong vùng chưa đáp ứng yêu cầu, kém về chất lượng và thiếu đồng bộ. Ví như hạ tầng cho logistics ở tỉnh Quảng Nam bộc lộ không ít hạn chế: Hệ thống giao thông đã được quy hoạch và tập trung đầu tư, tuy nhiên, một số tuyến đường nhỏ, hẹp và chưa khớp nối đồng bộ, nhất là các tuyến đường trục ngang nối các trục dọc. Hệ thống cảng biển, cảng hàng không tuy đã được đầu tư nhưng nhìn chung quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp logistics hạn chế, dịch vụ đơn lẻ, chưa có sự kết nối giữa các hoạt động để tạo thành một hệ thống.

Cần giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế hàng hải miền Trung
Cảng Chu Lai-Trường Hải hiện đại, có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn. 

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, phát triển bền vững kinh tế biển khu vực miền Trung có ý nghĩa quyết định, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Đối với lĩnh vực kinh tế hàng hải, trọng tâm là khai thác hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển.

Vì vậy, TS Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng đề xuất: Các tỉnh miền Trung cần tập trung phát triển đội tàu vận tải biển theo hướng hiện đại với chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, an toàn, giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng, tăng sức cạnh tranh để chủ động hội nhập trong khu vực và thế giới; phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics để giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế...

Cần giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế hàng hải miền Trung
Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) là cảng biển nước sâu có thể đón tàu trọng tải lớn, thuận lợi để xây dựng hệ thống logistics. 

Phát triển logistics hiện đang được các địa phương ở miền Trung xác định là một trong những ngành dịch vụ xương sống cho thúc đẩy và phát triển nền kinh tế. TS Phan Thị Sông Thương, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ khuyến nghị, việc quy hoạch logistics cần dựa trên tiềm năng, lợi thế, điều kiện cạnh tranh, bảo đảm đúng định hướng và mục tiêu phát triển của từng địa phương đặt trong bối cảnh liên kết vùng và khu vực.

Nội dung quy hoạch cần xác định những định hướng cụ thể, mang tính đột phá, trong đó, quy hoạch kết cấu hạ tầng logistics bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả; đầu tư phát triển cảng cạn/ICD, các trung tâm logistics và cụm logistics ở những vị trí bảo đảm tính kết nối mạng lưới giao thông cảng biển, cảng hàng không, đường sắt, đường bộ với cảng cạn/ICD và các trung tâm logistics. Quy hoạch phát triển logistics cần bảo đảm quy hoạch mang tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kết nối và khoa học-công nghệ. Tập trung nguồn lực đầu tư hình thành một cảng cạn chính để thu hút nguồn hàng đủ lớn, thúc đẩy phát triển logistics toàn vùng.

PGS, TS Bùi Quang Bình cho rằng: Phải điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành logistics tương xứng với sự phát triển kinh tế; quy hoạch hạ tầng và trung tâm logistics phải bảo đảm tính kết nối với các tỉnh trong vùng; phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông trong tổng thể bảo đảm cho hoạt động logistics có thể khai thác nguồn hàng hiệu quả. Cần có những chính sách và cơ chế hỗ trợ cho khu vực tư nhân phát triển hoạt động logistics, đặc biệt là hoạt động chuyên trách về hàng hóa và khu kho vận tập trung.

Đà Nẵng ở vị trí đóng vai trò kết nối giữa các địa phương có biển trong khu vực miền Trung. Do đó, để khai thác động lực phát triển thành phố từ kinh tế biển, trọng tâm là ngành kinh tế hàng hải, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, thành phố cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại theo mô hình đô thị thông minh, đột phá là hạ tầng giao thông kết nối trong nước, quốc tế và hạ tầng chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng phải khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cảng biển Tiên Sa, hoàn thành xây dựng cảng biển Liên Chiểu và các hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt. Qua đó tạo sự năng động về kinh tế gắn với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc gia, quốc tế...

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG

Bài liên quan

Tin mới

Hà Nội: 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030
Hà Nội: 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 185/TB-VP về kết luận của Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp Sở Xây dựng báo cáo về kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển hệ thống xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố.

Đưa 39 công dân Việt Nam bị tạm giữ ở Myanmar về nước an toàn
Đưa 39 công dân Việt Nam bị tạm giữ ở Myanmar về nước an toàn

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, rạng sáng 9-4, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar và Thái Lan, các cơ quan liên quan trong nước và các cơ quan chức năng của Myanmar và Thái Lan, đưa 39 công dân Việt Nam bị tạm giữ do vi phạm quy định xuất nhập cảnh của Myanmar về nước an toàn.

Thời tiết hôm nay (9-4): Miền Bắc tăng nhiệt, miền Nam nắng nóng
Thời tiết hôm nay (9-4): Miền Bắc tăng nhiệt, miền Nam nắng nóng

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo thời tiết hôm nay (9-4), nền nhiệt tại Bắc Bộ tiếp tục tăng; khu vực Trung Bộ, Tây nguyên và Nam Bộ trời nắng, miền Đông Nam Bộ có nắng nóng cục bộ.

Cầu thủ U17 Việt Nam thoải mái trước trận tranh vé World Cup
Cầu thủ U17 Việt Nam thoải mái trước trận tranh vé World Cup

Sáng 9-4 (giờ Việt Nam), tại Saudi Arabia, đội tuyển U17 Việt Nam trở lại sân tập chuẩn bị cho trận đấu cuối vòng bảng tại Giải bóng đá U17 châu Á 2025 gặp U17 Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Tin thể thao (9-4): Arsenal đặt một chân vào bán kết, Bayern Munich gục ngã
Tin thể thao (9-4): Arsenal đặt một chân vào bán kết, Bayern Munich gục ngã

Cập nhật tin thể thao ngày 9-4 với tâm điểm là cuộc đọ sức giữa Arsenal và Real Madrid; Bayern Munich và Inter Milan trong trận lượt đi tứ kết Champions League.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Đại hội đồng IPU-150, thăm chính thức Uzbekistan
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Đại hội đồng IPU-150, thăm chính thức Uzbekistan

Sáng 9-4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã về đến Thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU-150) và thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan theo lời mời của Chủ tịch IPU Tulia Ackson và Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Uzbekistan Tanzila Narbaeva.