• Click để copy

Canada điều chỉnh chính sách an ninh đối với Bắc Cực

Mới đây, chính quyền Thủ tướng Canada Justin Trudeau công bố chính sách an ninh dài 37 trang, nêu chi tiết các kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự và ngoại giao tại Bắc Cực.

Đối với Canada, Bắc Cực có vị trí cực kỳ quan trọng trong chiến lược quân sự của nước này. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly, Canada sở hữu diện tích tại khu vực Bắc Cực lớn thứ hai trên thế giới sau Nga, nhưng hiện diện của nước này tại đây nếu so về mặt dân số, quân sự và cơ sở hạ tầng lại ít hơn nhiều so với Moscow. Chính vì vậy, khi tình hình địa chính trị ở Bắc Cực thay đổi nhanh chóng, Canada cần hành động.

Tháng 12-2024, Canada công bố chính sách an ninh nêu chi tiết các kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự và ngoại giao tại Bắc Cực, nhằm mục đích chống lại những thách thức an ninh trong khu vực từ Nga và Trung Quốc. Theo tạp chí The National Interest, chiến lược Bắc Cực mới của Canada nêu bật hoạt động gia tăng gần đây của Nga dọc theo rìa không phận Bắc Mỹ. Nước này coi việc Nga thử nghiệm vũ khí và triển khai các hệ thống tên lửa ở Bắc Cực có khả năng tấn công Bắc Mỹ và châu Âu là “rất đáng lo ngại”. Bên cạnh đó, Canada cũng cáo buộc Trung Quốc thường xuyên triển khai các tàu được trang bị khả năng nghiên cứu để thu thập dữ liệu, phục vụ mục đích quân sự và dân sự ở Bắc Cực. Trong cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Melanie Joly đã tuyên bố: “Các rào chắn ngăn ngừa xung đột (giữa Trung Quốc, Nga và Canada) đang ngày càng chịu sức ép to lớn. Bắc Cực không còn là khu vực có căng thẳng thấp nữa”.

Canada điều chỉnh chính sách an ninh đối với Bắc Cực
Tàu tuần tra HMCS Harry DeWolf của Canada hoạt động tại khu vực Eo biển Davis, tháng 8-2023. Ảnh: The Hill Times 

Nhằm củng cố vị thế của mình tại Bắc Cực, trong chính sách an ninh mới, Canada dự kiến sẽ thành lập các lãnh sự quán tại Anchorage (Alaska), Nuuk (Greenland), đồng thời sẽ chỉ định một đại sứ để chỉ đạo, điều phối các chính sách và hành động của Canada trong khu vực. Bên cạnh đó, nước này cũng sẽ triển khai thêm các tàu tuần tra, khu trục hạm, tàu phá băng, tàu ngầm và nhiều máy bay, thiết bị không người lái tới Bắc Cực.

Trong bối cảnh địa chính trị thay đổi nhanh chóng được đánh dấu bằng những thách thức mới, khu vực Bắc Cực trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia. Nơi đây có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, chưa được khai thác, với trữ lượng rất lớn dầu mỏ, khí đốt, niken, bạch kim, đất hiếm... Biến đổi khí hậu và băng tan nhanh chóng khiến Bắc Cực trở nên dễ tiếp cận hơn, thu hút hoạt động thăm dò tài nguyên, mở ra các tuyến đường hàng hải chiến lược mới. Chính vì vậy, Bắc Cực đã trở thành tâm điểm tranh giành ảnh hưởng giữa các siêu cường thế giới.

Với Canada, những tiềm năng tại Bắc Cực không chỉ hứa hẹn mang lại lợi ích kinh tế to lớn mà còn giúp nước này củng cố vị thế chiến lược tại khu vực. Đây chính là động lực thúc đẩy Chính phủ Canada điều chỉnh chính sách an ninh. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu quốc tế, nguyên nhân sâu xa khiến chính quyền của Thủ tướng Trudeau phải điều chỉnh chính sách là do chủ quyền và lợi ích quốc gia của Canada tại Bắc Cực đang bị đe dọa, bởi sự gia tăng ảnh hưởng của các cường quốc. Trong chính sách mới, chính quyền Canada khẳng định thực tế an ninh và chính trị đang thay đổi trong khu vực buộc nước này phải có một cách tiếp cận mới để thúc đẩy lợi ích quốc gia và bảo đảm một Bắc Cực ổn định, thịnh vượng và an toàn.

Để hiện thực hóa mục tiêu, Canada dự kiến sẽ tập trung vào 4 biện pháp: Tăng cường chia sẻ thông tin với chính quyền, người dân địa phương về vấn đề an ninh, chủ quyền, mối đe dọa can thiệp của nước ngoài ở khu vực Bắc Cực; tăng cường kiến trúc an ninh khu vực bằng cách khởi xướng một cuộc đối thoại an ninh Bắc Cực với các quốc gia có cùng chí hướng trong khu vực; đẩy mạnh nghiên cứu; giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ ở Bắc Cực bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Vào tháng 9-2024, Canada đã khởi động các cuộc đàm phán với Mỹ nhằm làm rõ ranh giới hàng hải tại đáy biển Beaufort, khu vực nổi tiếng với trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên khổng lồ. Bên cạnh đó, Ottawa cũng đang trong quá trình hoàn tất việc thực hiện thỏa thuận giải quyết tranh chấp biên giới với Đan Mạch về đảo Hans (đảo Tartupaluk) ở Bắc Cực.

Không giống như Nam Cực được quản lý bởi Hiệp ước Nam Cực năm 1959, Bắc Cực không có hiệp ước tương tự để bảo đảm các hoạt động hòa bình. Những năm gần đây, khu vực này ngày càng nóng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Động thái điều chỉnh chiến lược an ninh của Canada hay việc Mỹ công bố chiến lược mới về Bắc Cực năm 2024 là minh chứng rõ ràng cho thấy sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đối với khu vực này. Việc các quốc gia tăng cường hiện diện quân sự cũng tạo ra rủi ro về yêu sách lãnh thổ và làm tăng nguy cơ xung đột tiềm tàng, đe dọa sự ổn định của khu vực.

BẢO CHÂU

Bài liên quan

Tin mới

Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra
Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra

Tại Toạ đàm với chủ đề "Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra" do Báo Tiền phong tổ chức ngày 2/4/2025 đại diện bộ ngành, cơ quan quản lý cho rằng thực trạng buôn lậu thuốc lá nói chung và thuốc lá mới nói riêng vẫn không ngừng gia tăng, mặc dù lệnh cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ Nghị quyết 173/2024/QH15.

Thủ tướng Phạm Minh Chính viếng đồng chí Khamtay Siphandone
Thủ tướng Phạm Minh Chính viếng đồng chí Khamtay Siphandone

Sáng 4-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tới Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Hà Nội viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Bản tin nông sản hôm nay (4-4): Giá cà phê, hồ tiêu duy trì ổn định
Bản tin nông sản hôm nay (4-4): Giá cà phê, hồ tiêu duy trì ổn định

Bản tin nông sản hôm nay (4-4): Giá cà phê, hồ tiêu trong nước duy trì ổn định, giá lúa gạo tăng nhẹ.

Thuế 46% của Mỹ - tác động và giải pháp ứng phó
Thuế 46% của Mỹ - tác động và giải pháp ứng phó

Ngày 2-4-2025 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố biểu thuế đối kháng có hiệu lực từ ngày 9-4-2025, theo đó thuế suất đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lên đến 46% - chỉ thấp hơn mức 49%, 48% mà Mỹ áp đặt lên Campuchia và Lào.

Mỹ áp thuế đối ứng 46%: Các doanh nghiệp trong nước cần làm gì?
Mỹ áp thuế đối ứng 46%: Các doanh nghiệp trong nước cần làm gì?

Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước nhiều giải pháp để giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại toàn cầu.

Người nộp thuế có thể hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động
Người nộp thuế có thể hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động

Ngày 3-4, tại cuộc họp báo quý I của Bộ Tài chính, ông Mai Sơn, Phó cục trưởng Cục Thuế cho biết, ngành thuế đã xây dựng và hoàn thành quy trình, ứng dụng hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động toàn trình đối với người nộp thuế.