• Click để copy

Cảnh báo sớm thiên tai ở xã cực Nam của Tổ quốc

Xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau được biết đến là cực Nam của Tổ quốc, với 3 mặt giáp biển, nên phần lớn người dân mưu sinh bằng nghề đi biển. Việc quan tâm đến thời tiết, thiên tai được xã ưu tiên đặt lên hàng đầu. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, xã đã tích cực ứng dụng công nghệ để có thể dự báo sớm thiên tai, từ đó thông báo kịp thời đến người dân.

Cách đây hơn 27 năm, ngày 2-11-1997, cơn bão Linda quét qua tỉnh Cà Mau, làm 128 người chết, 1.164 người mất tích và gần 700 người bị thương, làm sập và hư hỏng hơn 160.000 căn nhà. Tổng giá trị thiệt hại về vật chất tại thời điểm đó khoảng 2.700 tỷ đồng. Xã Đất Mũi là một trong những địa phương của Cà Mau chịu thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản do bão Linda, khiến nhiều người dân nơi đây sau hàng chục năm vẫn chưa nguôi nỗi đau mất mát. Có vị trí ở nơi "đầu sóng ngọn gió", những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai vẫn luôn rình rập tại xã Đất Mũi. Tình trạng nước biển dâng năm sau luôn cao hơn năm trước, gây sạt lở và ngập lụt nhiều tuyến đường trên địa bàn xã. 

Cảnh báo sớm thiên tai ở xã cực Nam của Tổ quốc
Trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm được lắp đặt tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. 

Trước thực trạng thời tiết biến đổi phức tạp, xã Đất Mũi đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo. Tham gia một buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai của xã Đất Mũi, chúng tôi thấy, mỗi thành viên trong Ban chỉ đạo đều cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, chăm chú theo dõi và thực hiện các thao tác trên màn hình. Một thành viên trong Ban chỉ đạo truy cập vào trang web undp.thuyloivietnam.vn. Lúc này, trên màn hình ti vi trong phòng họp hiển thị bản đồ Việt Nam, sau đó thành viên này tiếp tục di chuyển con trỏ đến vị trí xã Đất Mũi trên bản đồ để ấn vào và hiện ra nhiều thông số như: Lượng mưa, vận tốc gió, hướng gió, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, thời gian... Thành viên đó đọc to các thông số để cả Ban chỉ đạo cùng nghe, rồi đồng chí Bùi Thanh Thương, Phó chủ tịch UBND xã đưa ra các phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn và phân công công việc cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo. Cuộc họp diễn ra chưa đầy 20 phút. Mọi người nhanh chóng rời vị trí đi triển khai công việc được giao.

 Để chúng tôi hiểu rõ hơn, đồng chí Bùi Thanh Thương giải thích: Năm 2022, xã được lắp đặt trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm từ sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (dự án GCF) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện. Tại trạm có gắn các thiết bị công nghệ đo gió, mưa, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất và cả camera để quan sát xung quanh trạm. Các thông số thời tiết tại địa phương được trạm đo và cập nhật trực tiếp lên trang web undp.thuyloivietnam.vn.

Từ khi xã được lắp đặt trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm, chính quyền địa phương đã có thể nắm bắt sớm và chi tiết hơn về tình hình thời tiết. Cụ thể, khi đèn báo của trạm đổi màu từ xanh sang vàng hoặc đỏ, Ban chỉ đạo lập tức tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai công tác phòng, chống thiên tai. Trong vòng 10 phút, tất cả thành viên trong Ban chỉ đạo có mặt tại trụ sở UBND xã để triển khai công việc. Cán bộ xã sẽ truy cập vào trang web để xem chi tiết về lượng mưa, cấp độ của gió cùng các thông số khác, kết hợp với theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để từ đó đưa ra thông báo kịp thời đến người dân khi có bão cần gia cố nhà cửa, kêu gọi tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Đối với các trường hợp đi công tác không kịp tham gia trực tiếp cuộc họp thì sẽ chủ động theo dõi các thông số thời tiết qua điện thoại cá nhân và nhận nhiệm vụ phân công qua nhóm Zalo của Ban chỉ đạo. 

Ngư dân Nguyễn Minh Tuấn, 42 tuổi, ở xã Đất Mũi chia sẻ: “Từ khi xã được lắp đặt trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm, chúng tôi đi biển yên tâm hẳn. Bởi khi có dấu hiệu thời tiết xấu, chúng tôi được Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai của xã thông báo sớm trên nhóm Zalo của ngư dân, đồng thời được hướng dẫn các phương án bảo vệ an toàn cho người và tài sản. Chúng tôi cũng được chính quyền địa phương hướng dẫn cách xem dự báo thời tiết sao cho chính xác nhất để phục vụ công việc. Ngoài việc theo dõi các bản tin thời tiết trên ti vi, báo, đài, chúng tôi cũng truy cập vào trang web undp.thuyloivietnam.vn để xem cụ thể các thông số thời tiết tại thời điểm hiện tại và dự báo cho những ngày tiếp theo”.

Có thể thấy rằng, việc ứng dụng công nghệ vào công tác phòng, chống thiên tai tại xã Đất Mũi bước đầu đã cho thấy sự hiệu quả. Tuy nhiên, trong điều kiện thiên tai ngày càng khốc liệt, khó lường, chính quyền địa phương và người dân nằm trong vùng nguy cơ cao của lũ quét, sạt lở đất cần chủ động nhận biết nguy cơ, tìm hiểu đánh giá mức độ nguy hiểm ở nơi mình sinh sống, từ đó chuẩn bị các kế hoạch, phương án, trang bị để sơ tán khẩn cấp khi xảy ra tình huống. Người dân cần xác định các vị trí xung yếu khu vực xung quanh nhà mình, những nơi trong nhà cần được gia cố và luôn sẵn sàng để di chuyển nhanh chóng, an toàn nhất.   

Bài và ảnh: LA DUY

Bài liên quan

Tin mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025

Sáng 20-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó thủ tướng chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025.

Xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Ngày 19-5, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 67/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đến hết tháng 7-2025 phải cơ bản hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đến hết tháng 7-2025 phải cơ bản hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia

Sáng 19-5, kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thành trung tâm để chào mừng, phục vụ Triển lãm thành tựu của đất nước dịp 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 / 19-8-2025) và Quốc khánh 2-9 (2-9-1945 / 2-9-2025). Cùng đi có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, TP Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công xây dựng cầu Tứ Liên, Hà Nội
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công xây dựng cầu Tứ Liên, Hà Nội

Sáng 19-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu, từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa, TP Hà Nội.

Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

Sáng 19-5, Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Xử phạt gần 50 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu và mỹ phẩm nhập lậu
Xử phạt gần 50 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu và mỹ phẩm nhập lậu

Ngày 14/5/2025 Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Anh Minh, địa chỉ tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với số tiền 46 triệu đồng về các hành vi vi phạm Buôn bán hàng hóa (mỹ phẩm) giả mạo nhãn hiệu, Kinh doanh hàng hóa (mỹ phẩm) nhập lậu, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm vi phạm trị giá 47 triệu đồng.