Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện nay có 67 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của 32 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, được phân bố đều khắp trên địa bàn các huyện và thành phố, trong đó có 24 cửa hàng bán lẻ trực thuộc Công ty Xăng dầu Cao Bằng, 43 cửa hàng bán lẻ thuộc các doanh nghiệp tư nhân. Trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, do nguồn cung xăng dầu trên cả nước không ổn định dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng chung, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động không ổn định, có thời gian phải thực hiện thông báo ngừng bán xăng dầu do không nhập được xăng dầu hoặc do chiết khấu thấp, không có chiết khấu, cước thuê xe bồn vận chuyển cao dẫn đến doanh nghiệp không còn tiền để nhập xăng dầu; tuy nhiên thời gian ngừng bán ngắn, không kéo dài, đến khi nhập được xăng dầu để bán thì các cửa hàng hoạt động bình thường. Không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng để chờ tăng giá.
Công chức Đội QLTT số 5, giám sát việc điều chỉnh giá xăng dầu tại địa bàn thành phố Cao Bằng
Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 28/8/2023 của Bộ Công Thương về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân; Công văn số 1936/TCQLTT-CNV ngày 31/8/2023 của Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh ổn định, phục vụ tốt cho sản xuất và tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trực thuộc thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh Cao Bằng, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Cao Bằng, Cục Quản lý thị trường tỉnh và UBND các huyện, thành phố trong công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đến các doanh nghiệp phân phối xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu với các nội dung: Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu. Chủ động đảm bảo và có trách nhiệm cùng với hệ thống doanh nghiệp đầu mối/doanh nghiệp phân phối/Tổng đại lý/Công ty nhượng quyền,…. đảm bảo nguồn cung cấp xăng dầu theo quy định để bán cho người tiêu dùng. Không kinh doanh xăng dầu nhập lậu, xăng dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Không đầu cơ, găm hàng nhằm thu lợi bất chính. Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm các nội dung đã cam kết với cơ quan Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng khác.
Thứ ba, thực hiện niêm yết số điện thoại của Cục trưởng, Đội trưởng, Phó Đội trưởng phụ trách địa bàn tại các doanh nghiệp phân phối xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu để tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân về các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Thứ tư, tăng cường công tác quản lý địa bàn, phân công công chức thực hiện giám sát hoạt động của tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh; chủ động nắm tình hình, phối hợp với các lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công Thương, Khoa học và công nghệ sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng các phương án, kế hoạch để phòng ngừa, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu, các hành vi vi phạm về găm hàng chờ tăng giá, trục lợi trong kinh doanh xăng dầu, ngừng bán hàng không có lý do chính đáng, kinh doanh xăng dầu không đảm bảo chất lượng....
Thứ năm, Đội trưởng các Đội Quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trước Cục trưởng trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm công chức, người lao động buôn lỏng quản lý, bao che, tiếp tay hoặc làm ngơ cho các đối tượng vi phạm.