Chăn nuôi lợn và bài toán phát triển bền vững
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi ở nước ta phát triển khá mạnh, trong đó có chăn nuôi lợn, góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ngành chăn nuôi nói chung, trong đó có chăn nuôi lợn nói riêng vẫn tồn tại không ít khó khăn, thách thức có thể tác động đến sự phát triển bền vững.
Từ chăn nuôi nông hộ chuyển sang chăn nuôi trang trại
Giá trị tăng trưởng ngành chăn nuôi năm 2023 của Việt Nam đạt 5,72%, doanh thu hơn 33 tỷ USD toàn ngành, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và hơn 5% vào GDP của nền kinh tế đất nước. Trong đó, chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chăn nuôi chủ lực, chiếm hơn 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.
Hiện tổng số lợn của cả nước khoảng 25,5 triệu con, tăng khoảng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2023, chăn nuôi lợn phát triển ổn định trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang chăn nuôi bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp, chăn nuôi trang trại theo chuỗi, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và việc ứng dụng công nghệ tiên tiến ngày càng được đẩy mạnh. Chính những nỗ lực, kết quả này đưa Việt Nam trở thành quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 trên thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng. Hiện cơ cấu đàn vật nuôi của nước ta: Lợn chiếm 60-64%; gia cầm chiếm 28-29%; còn lại trâu, bò, cừu, dê chiếm 9%. Trong khi đó, cơ cấu sản lượng thịt của thế giới, thịt lợn chiếm 41%; gia cầm chiếm 37%; thịt trâu, bò chiếm 22%. Như vậy, cơ cấu tiêu dùng thịt lợn của Việt Nam cao hơn trung bình của thế giới khoảng 20 điểm phần trăm.
Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cùng với tăng trưởng về tổng đàn, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cũng có sự gia tăng. Năm 2023, sản lượng thịt hơi xuất chuồng của cả nước đạt hơn 4,8 triệu tấn, tăng 6,7% so với năm 2022. Từ đầu năm 2024 đến nay, sản lượng thịt lợn đạt khoảng 2,5-2,7 triệu tấn (tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023).
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến: Thịt lợn đang giữ vai trò lớn trong tiêu dùng hằng ngày của người dân. Trong rổ thực phẩm, thịt lợn chiếm 65% chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Hiện giá thịt lợn đang ở mức khá cao, đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi và doanh nghiệp sau thời gian bị thua lỗ. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn hiện cũng đặt ra yêu cầu bảo đảm tăng trưởng, duy trì nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường, giúp người chăn nuôi, doanh nghiệp có lãi, song cũng cần có những giải pháp kịp thời để giá thịt lợn chỉ tăng ở mức hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng, tránh tác động bất lợi tới chỉ số CPI.
Trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. |
Còn không ít thách thức
Với sản lượng thịt hơi như hiện nay, rõ ràng chăn nuôi lợn vẫn giữ vai trò quan trọng trong ngành chăn nuôi Việt Nam, góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Vậy chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào để phát triển bền vững?
Theo ông Phạm Kim Đăng, chăn nuôi lợn đang có những xu thế mới và những xu thế này sẽ tác động đến ngành chăn nuôi của Việt Nam nếu muốn phát triển bền vững. Khó khăn thứ nhất tác động tới ngành chăn nuôi lợn là một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hiện nay, như: Dịch tả lợn châu Phi, tiêu chảy cấp, bệnh lợn tai xanh... vẫn diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng dịch tả lợn châu Phi bùng phát năm 2019 ở Việt Nam, số lợn chết và tiêu hủy lên đến gần 6 triệu con, gây thiệt hại về kinh tế khoảng 13.200 tỷ đồng. Thế nhưng sau vài năm kiểm soát khá tốt dịch bệnh này, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch tả lợn châu Phi lại đang có chiều hướng diễn biến rất phức tạp, nguy cơ bùng phát, lây lan mạnh. Một trong những nguyên nhân khiến dịch đang diễn biến phức tạp là do sự lơ là, chủ quan trong công tác tiêm phòng vaccine. Khó khăn thứ hai chính là yêu cầu về giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi để bảo vệ môi trường. Chất thải, nước thải trong chăn nuôi phải được xử lý bằng công nghệ, kỹ thuật để giảm thiểu tác động đến môi trường. Chất thải, nước thải sau khi xử lý sẽ là nguồn nguyên liệu tái tạo cho các hoạt động sản xuất khác như: Phân bón, khí đốt, thức ăn để nuôi cá... Giải quyết được vấn đề này sẽ giúp gia tăng giá trị cho chăn nuôi lợn. Để biến thách thức, khó khăn này thành cơ hội đem lại giá trị gia tăng kinh tế trong chăn nuôi lợn, ngành chăn nuôi phải sớm triển khai xây dựng và thiết lập các quy trình vừa bảo đảm an toàn sinh học, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm, đồng thời phải chăn nuôi theo hướng giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, để làm được điều đó, đòi hỏi ngành chăn nuôi phải có những khoản đầu tư lớn. Khó khăn thứ ba là việc hạn chế và không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi nhằm ngăn ngừa, giảm nguy cơ kháng kháng sinh đối với con người, song vẫn phải bảo vệ được đàn lợn, vật nuôi.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: "Để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm lây lan, bùng phát thì việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là hết sức cần thiết. Cùng với đó, việc tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine là điều kiện đặc biệt quan trọng để bảo vệ đàn lợn, giảm nguy cơ gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi".
Để chăn nuôi lợn phát triển bền vững, đáp ứng nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, đòi hỏi ngành chăn nuôi phải sớm giải quyết được những khó khăn, thách thức trên, đồng thời giải quyết những thách thức khác như: Con giống, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ứng dụng khoa học-công nghệ... giúp giảm sự phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài, tạo sự chủ động và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.