Châu Âu khẩn trương giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở
Gần 10% người dân châu Âu phải đối mặt với gánh nặng chi phí nhà ở quá lớn, nghĩa là họ phải chi hơn 40% thu nhập để thanh toán hóa đơn tiền nhà. 30% người dân lục địa già có nguy cơ rơi vào nghèo đói, trong khi khoảng 900 nghìn người lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Cuộc khủng hoảng nhà đang tác động sâu sắc đến đời sống của người dân châu Âu, đặc biệt ở khu vực thành thị.
Theo thống kê của Eurostat, thu nhập của người dân châu Âu trung bình có tới 1/3 là đổ vào tiền thuê nhà, cộng thêm các chi phí sinh hoạt khác, đây là một gánh nặng đối với người đi thuê nhà tại châu Âu. Trong vòng hơn 10 năm (từ 2010 đến 2023), giá nhà trên khắp lục địa già đã tăng 48% và giá thuê nhà cũng tăng 22%, khiến giấc mơ sở hữu một ngôi nhà ngày càng trở nên xa vời đối với một bộ phận không nhỏ người dân châu Âu.
Tại Đức, giá thuê nhà ở thủ đô Berlin đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010. Các căn hộ mới được cho thuê với giá ít nhất 26 euro/m2 mỗi tháng. Nền kinh tế đầu tàu châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm qua. Hiện Đức thiếu hụt tới 700 nghìn nhà ở. Số nhà xây mới không đủ đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu của những người cần nhà ở nhất, đó là nhóm người có thu nhập thấp.
Tại Anh, câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra. Lãi suất ngân hàng tại Anh đã tăng nhanh chóng trong những tháng gần đây dẫn tới các khoản thế chấp và tiền thuê nhà cũng tăng theo. Trong khi đó, những gói trợ cấp của chính phủ dành cho người có thu nhập thấp gần như đã đóng băng từ năm 2020. Nhiều người đi thuê nhà đứng trước nguy cơ không còn nơi trú ngụ. Bà Sadie James luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ ngôi nhà bà đang thuê tại London sẽ bị lấy lại bất cứ lúc nào. Đối với người phụ nữ 61 tuổi này, giá thuê nhà tăng cao trở thành cơn ác mộng bởi số tiền trợ cấp hằng tháng chỉ đủ để bà thanh toán những hóa đơn thực phẩm và năng lượng cũng đang trên đà tăng nhanh.
Trong khi đó, đối với người dân Pháp, tiền thuê nhà là khoản chi tiêu hằng tháng quan trọng nhất. Tại Pháp có tới 4,15 triệu người gặp khó khăn trong vấn đề nhà ở hoặc sống trong điều kiện nhà ở không bảo đảm. Theo báo cáo của quỹ từ thiện Abbe Pierre Foundation, số người vô gia cư ở nước này đã tăng 140% trong 10 năm qua, lên 300 nghìn người.
Giá bán và giá thuê nhà tại châu Âu liên tục tăng kể từ năm 2014, ngay cả trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Politico |
Các chuyên gia kinh tế nhận định cuộc khủng hoảng bất động sản hiện tại đang là lực cản đối với đà tăng trưởng kinh tế của các nước châu Âu và có nguy cơ gây ra những bất ổn xã hội. Tiến sĩ Marina Stefou, chuyên gia trong lĩnh vực nhân khẩu học và nhà ở Hy Lạp, cho biết: “Sự tồn tại của vấn đề nhà ở, kết hợp với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, có thể dẫn đến tê liệt hoạt động kinh tế và để lại hậu quả tiêu cực đối với đời sống kinh tế-xã hội”.
Trong khi đó, Eurofound-cơ quan nghiên cứu của Liên minh châu Âu (EU) chuyên về chính sách thị trường lao động và xã hội-đã mô tả việc người dân không có khả năng tiếp cận nhà ở giá phải chăng là vấn đề đáng lo ngại trên toàn EU. “Giá nhà quá cao dẫn đến tình trạng vô gia cư, mất an ninh nhà ở, căng thẳng tài chính... Những vấn đề này ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của người dân, thể hiện sự bất bình đẳng về điều kiện sống, đồng thời làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất và hủy hoại môi trường”, báo cáo của Eurofound cho biết.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, ngày 5-3 vừa qua, các bộ trưởng phụ trách vấn đề nhà ở châu Âu đã nhóm họp tại Liège, Bỉ. Tại đây, các bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố Liège kêu gọi thực hiện một thỏa thuận về nhà ở xã hội và ổn định giá nhà tại châu Âu. Thỏa thuận này hướng tới mục tiêu kép là đề xuất các giải pháp cải thiện khả năng tiếp cận nhà ở với giá cả phải chăng cho tất cả mọi công dân EU, thúc đẩy khả năng tiếp cận của các tổ chức nhà ở xã hội với nguồn tài chính dài hạn của châu Âu thông qua Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ủy ban châu Âu (EC).
Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và xã hội châu Âu (EESC) Oliver Ropke cho biết: “Châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng nhà ở và cần có những hành động quyết liệt, kịp thời... Phản ứng của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng này phải đi kèm với nguồn hỗ trợ phù hợp, trong ngắn hạn và dài hạn, để mở đường hướng tới thị trường nhà ở bền vững hơn, giá cả phải chăng và phù hợp hơn cho tất cả mọi người dân”.
Quyền được tiếp cận nhà ở giá cả phải chăng là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế và hội nhập của EU. Nhưng rõ ràng đây là điều mà người dân lục địa già chưa thể có được suốt nhiều năm qua. Các quốc gia châu Âu cần có cách tiếp cận toàn diện và khẩn trương tìm ra giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề nhức nhối này.
HÀ LAN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.