• Click để copy

Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Cuộc chiến cần sự phối hợp

Vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại... vẫn đang diễn ra hàng ngày với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó đoán định. Do vậy, trong cuộc chiến chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử nói riêng không chỉ cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan chức năng mà còn cần sự chung tay của doanh nghiệp và người tiêu dùng

Trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, bên cạnh những cơ hội, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Tại Hội nghị “Tập huấn về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử” do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức mới đây, các chuyên gia một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công tác phối hợp trong cuộc chiến này.

Các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử vẫn gia tăng

Năm 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mua sắm online đã trở thành công cụ phổ biến hữu ích đối với người tiêu dùng. Sau giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam bứt phá, đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Số liệu thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, năm 2021, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ đạt từ 13,5-13,7 tỷ USD. Năm 2022 con số này tăng lên 16,4 tỉ USD và dự báo đến 2025 đạt khoảng 38 - 39 tỉ USD.

Đáng chú ý, theo số liệu của VECOM, năm 2022 quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Xét riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt khoảng 7,2%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 6,7% của năm 2021.

“Xu thế mua hàng của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng trong 2-3 năm trở lại đây và những năm tiếp theo với tất cả các mặt hàng, từ tiêu dùng, đồ ăn, nước uống, thời trang, mỹ phẩm... kéo theo dịch vụ hậu cần như chuyển phát, giao hàng cũng phát triển mạnh mẽ. Nhiều công ty chuyển phát lớn có doanh thu phát sinh cao đến 90-95% từ việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa online”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh từng chia sẻ.

Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Cuộc chiến cần sự phối hợp

3 năm trở lại đây, lực lượng QLTT xác định công tác chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử là nhiệm vụ mới, mặt trận mới

Song cũng theo Tổng Cục trưởng, thương mại điện tử đã và đang trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng phổ biến, do vậy, trong khoảng 3 năm trở lại đây, lực lượng QLTT xác định công tác chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử là nhiệm vụ mới, mặt trận mới. Tuy nhiên, công tác này chưa được triển khai, thực hiện bài bản, chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

“Năm 2022 lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về thương mại điện tử. Đây vẫn là con số khá khiêm tốn so với thực tế”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhận định và cho biết, thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương cũng cho thấy, trung bình mỗi năm có đến 1.500 khiếu nại của người tiêu dùng qua đường dây nóng, bằng văn bản liên quan đến việc mua sắm qua thương mại điện tử. Như vậy, mỗi ngày có từ 5-6 khiếu nại, phàn nàn về việc mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; chất lượng dịch vụ của bên bán hàng...

“Nếu không kiểm soát tốt môi trường online, hàng giả, hàng nhái sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng, đến uy tín của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và uy tín của chính các website bán hàng online”, Tổng Cục trưởng dự báo.

Số liệu mới nhất từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế, Bộ Công Thương công bố ngày 17/4 vừa qua cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Cục đã phát hiện có 4.516 gian hàng vi phạm và 13.642 sản phẩm đã được gỡ bỏ.

Cần hơn nữa sự chung tay, phối hợp

Điểm lại một số nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, chuyên gia Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, do đặc thù người bán, người mua không gặp nhau trực tiếp, nên gian lận thương mại gia tăng trên thương mại điện tử. Hay như việc lợi dụng dịch vụ chuyển phát, hàng giả “đi” công khai thay vì chui lủi như trước đây. Hoạt động buôn lậu qua biên giới vào thị trường nội địa rất phức tạp, thay vì qua các đường mòn, lối mở như trước đây, hàng lậu “luồn lách” qua kênh chính ngạch... Các thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý.

“Bên cạnh đó, không ít người tiêu dùng biết là hàng giả, không rõ xuất xứ nhưng vẫn mua hoặc không tố giác. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu của mình...”, ông Nguyễn Hữu Tuấn thông tin và chia sẻ thêm, ngoài ra, nhiều nguyên nhân khác dẫn đến việc gia tăng các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử như: một số cơ quan, lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc; công tác phối hợp, chia sẻ thông tin chưa kịp thời, chưa hiệu quả; hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế nên hiệu quả đấu tranh còn hạn chế. Nguồn lực con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai nhiệm vụ trong tình hình mới, nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng còn hạn chế...

Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Cuộc chiến cần sự phối hợp
Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Cuộc chiến cần sự phối hợp

“Năm 2022 lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về thương mại điện tử

Để công tác phòng, chống hàng giả trên thương mại điện tử đạt hiệu quả cao hơn nữa, theo chia sẻ của các chuyên gia trong Hội nghị “Tập huấn về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử”, cần có sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc cung cấp thông tin, địa bàn hoạt động cũng như những dấu hiệu vi phạm của đối tượng. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng là một trong những điều kiện tiên quyết để triệt phá thành công các vụ việc vi phạm.

Cụ thể, ông Lê Huy Anh - Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, để tăng cường hiệu quả bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng thương mại điện tử cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; cần kiện toàn năng lực của các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi thông qua củng cố nguồn nhân lực và năng lực công nghệ. Trong đó chú trọng công tác đào tạo kiến thức cũng như nâng cao chế độ đãi ngộ cho các cán bộ trực tiếp làm công tác bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; nâng cao hiện quả phối hợp giữa các cơ quan thực thi như công an, bộ đội biên phòng, hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cửa khẩu; tăng cường hiệu quả phối hợp giữa chủ thể quyền với các cơ quan thực thi, chủ sàn thương mại điện tử trong việc cung cấp hàng thật, kỹ năng nhận biết hàng hóa giả mạo, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ để kịp thời phát hiện và xử lý.

Trong khi đó, nhấn mạnh đến công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, phòng, chống hàng giả trên thương mại điện tử, ông Vũ Mạnh Cường - Cục trưởng Cục Thanh tra Kiểm tra Thuế, Tổng cục Thuế khẳng định, để đấu tranh với các hành vi vi phạm nói chung trên nền tảng thương mại điện tử thì sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan là yếu tố tiên quyết, hàng đầu.

“Thời gian qua, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã ký kết Bản Thỏa thuận phối hợp công tác. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để kết nối, chia sẻ các thông tin về website, ứng dụng thương mại điện tử. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an để trao đổi, chia sẻ các dữ liệu liên quan đến thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới... từ đó tăng cường công tác quản lý nhà nước và kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm đối với hoạt động thương mại điện tử”, Cục trưởng Vũ Mạnh Cường dẫn chứng.

Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Cuộc chiến cần sự phối hợp

Người đứng đầu lực lượng QLTT - Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh từng khẳng định, công tác phối hợp giữa các lực lượng là hết sức quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng, chống hàng giả trên thương mại điện tử

Về phía lực lượng QLTT, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cũng từng khẳng định công tác phối hợp giữa các lực lượng là hết sức quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng, chống hàng giả trên thương mại điện tử. Thực tiễn cho thấy thời gian qua với những diễn biến phức tạp của thị trường, dù đã tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhưng hiệu quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Do vậy, nhằm tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, thời gian tới, lực lượng QLTT cả nước tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt là phối hợp với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm.

Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, các cảng cạn (ICD). Rà soát thông tin thanh toán qua các dịch vụ thu hộ (COD) của các đơn vị chuyển phát. Tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị này.

Mặt khác, nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Đáng chú ý, thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ hướng tới xây dựng đội ngũ chuyên trách về thương mại điện tử. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của lực lượng QLTT, tiến hành rà soát, xây dựng cơ cấu tổ chức nằm trong cơ quan Tổng cục QLTT có chức năng chuyên môn về tham mưu, thực thi nhiệm vụ quản lý, giám sát các mô hình, hoạt động kinh doanh gắn với môi trường mạng. Trong trường hợp cần thiết hoặc các vụ việc mang tính chất phức tạp, lực lượng này sẽ phối hợp với đầu mối của các đơn vị liên quan trong việc cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thương mại điện tử.

THEO TẠP CHÍ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.