Chủ động nguồn lực để ứng phó với dịch bệnh và thảm họa, sự cố khác
Ngày 29-5, tiếp tục chương trình lại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội nghe báo cáo của Đoàn giám sát về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và thảo luận tại hội trường về nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Huy động được 230.000 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19
Theo báo cáo của Đoàn giám sát, đến ngày 31-12-2022, tổng số tiền đã huy động được để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội khoảng 230 nghìn tỷ đồng, trong đó từ ngân sách Nhà nước là hơn 186,4 nghìn tỷ đồng và từ tài trợ, viện trợ khoảng 43,6 nghìn tỷ đồng. Hơn 11,6 nghìn tỷ đồng đã được huy động vào Quỹ Vaccine phòng Covid-19. Tiếp nhận khoảng 259,3 triệu liều vaccine phòng Covid-19, riêng viện trợ của chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng.
Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch và đóng góp sức lực, tiền, hiện vật cùng nhiều khoản đóng góp khác với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.
Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành. Hàng hóa viện trợ, tài trợ đã được phân bổ kịp thời cho các địa phương, đơn vị để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đến ngày 31-12-2022, kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 đã được sử dụng như sau: Hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hơn 87.000 tỷ đồng; thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch (Quân đội, Công an, y tế...) là 4.487 tỷ đồng; mua vaccine phòng Covid-19 là 15.134 tỷ đồng; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 là 4,6 tỷ đồng; mua sắm kit xét nghiệm là 2.593 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm là 5.291 tỷ đồng; chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 là 719 tỷ đồng; sàng lọc, thu dung, cách ly y tế là 89 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở điều trị Covid-19, cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến là 403 tỷ đồng; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình sóng và máy tính cho em, dạy học trực tuyến là 96 tỷ đồng; chi khác khoảng 2.600 tỷ đồng.
Quân đội tham gia tích cực công tác phòng, chống dịch Covid-19
Phát biểu tại phiên họp, các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao những đóng góp, sự hy sinh của đội ngũ tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, Quân đội và lực lượng vũ trang.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, Quân đội là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Ngay từ đầu, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị huy động kịp thời các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể là đã huy động hơn 192.000 lượt cán bộ, chiến sĩ có trình độ chuyên môn đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn phòng, chống dịch để hỗ trợ các địa phương triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch, góp phần kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Lực lượng Quân đội đã tham gia phòng, chống dịch với nhiều công việc khác nhau, như công tác khám, chữa bệnh, tiêm chủng, làm nhiệm vụ cách ly công dân nhập cảnh, tham gia tích cực việc bảo đảm an sinh xã hội. Có những công việc bộ đội chưa từng làm trước đó, nhưng đã tổ chức và hoàn thành tốt, rất tốt, như mai táng, vận chuyển tử thi, tro cốt của nạn nhân Covid-19...
Quân đội, trực tiếp là Bộ đội Biên phòng, cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương và phối hợp rất chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan kiểm soát tốt tuyến biên giới đất liền, trên biển, ngăn chặn triệt để tình trạng xuất-nhập cảnh trái phép, không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới và các đối tượng xấu lợi dụng tổ chức hoạt động chống phá, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, thường xuyên duy trì khoảng 20.000 tổ, chốt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở với khoảng 13.000 lượt cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trực tiếp tham gia.
Các đại biểu nêu ra nhiều bài học kinh nghiệm cần đúc rút trong công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như trong ứng phó thảm họa sau này. Cụ thể là cần có sự đồng bộ, thống nhất trong việc huy động, điều động nhân lực, bao gồm cả lực lượng tư nhân, phân công nhiệm vụ đúng người, đúng việc để mỗi cá nhân tham gia phòng, chống dịch phát huy tốt năng lực, tham gia phòng, chống dịch hiệu quả nhất. Quốc hội đang thảo luận và dự án Luật Phòng thủ dân sự sẽ được thông qua tại kỳ họp này với nhiều quy phạm liên quan tới huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng thủ dân sự, trong đó quy định về việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự là cần thiết để chủ động về nguồn lực, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra thảm họa, sự cố.
Cần có phán xét công tâm sau đại dịch
Bên cạnh phát biểu tôn vinh những kết quả tích cực, những đóng góp, hy sinh lớn lao của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, Quân đội, lực lượng vũ trang và các bộ phận cán bộ khác ở tuyến đầu chống dịch cũng như những đóng góp lặng thầm của đội ngũ cán bộ, người lao động ở tuyến sau, của nhân dân, doanh nhân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế, các đại biểu cũng rất quan tâm tới xử lý sai phạm và thái độ ứng xử của chúng ta với những cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19.
Các đại biểu lên án mạnh mẽ những đối tượng có hành vi trục lợi cá nhân trong lúc cả dân tộc đang oằn mình chống dịch, làm những việc “vừa bất hợp lý, vừa bất hợp pháp”; đề nghị xử lý thật nghiêm những đối tượng này. Quốc hội nên ban hành cơ chế để các cơ quan có thẩm quyền áp dụng luật có phán xét hợp pháp, đồng thời hợp cả tình, hợp cả lý; chặn đứng tình trạng lây lan căn bệnh sợ trách nhiệm, thu mình, giữ mình, đùn đẩy trách nhiệm, né tránh trách nhiệm từ ngành y tế sang các ngành khác sau đại dịch...
Các đại biểu cũng đề nghị có hình thức tôn vinh, khen thưởng cả đội ngũ cán bộ ở tuyến đầu chống dịch và đội ngũ cán bộ phòng dịch, cán bộ gián tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch; thực hiện rốt ráo chính sách hỗ trợ, khen thưởng với những cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ với đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, cán bộ y tế dự phòng và có chính sách hỗ trợ phù hợp với đội ngũ cán bộ làm công tác phục vụ ở tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng...
CHIẾN THẮNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.