Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Tổng giám đốc Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Caroline St-Hilaire
Trong khuôn khổ Hội nghị Ban chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) và Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu, sáng 21-1, tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp bà Caroline St-Hilaire, Tổng giám đốc Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF).
Việt Nam tích cực, chủ động tham gia tất cả các cơ chế trong Tổ chức quốc tế Pháp ngữ
Bày tỏ vui mừng gặp bà Caroline St-Hilaire nhân chuyến thăm Việt Nam và dự các hoạt động của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ do Quốc hội Việt Nam đăng cai và chủ trì tổ chức, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá chuyến thăm thể hiện sự coi trọng và quan tâm của Tổ chức Pháp ngữ cũng như cá nhân Tổng giám đốc đối với vai trò, vị trí của Việt Nam; tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần mở ra các cơ hội mới thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ trong thời gian tới, phù hợp với ưu tiên của hai bên.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà Tổng giám đốc Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Caroline St-Hilaire. Ảnh: LÂM HIỂN |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những đóng góp của bà Caroline St-Hilaire và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ thời gian qua trong việc thúc đẩy đoàn kết, hợp tác vì hòa bình, dân chủ và phát triển trên thế giới và trong không gian Pháp ngữ. Nhấn mạnh, thế giới cũng như không gian Pháp ngữ đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trong đó có tác động của biến đổi khí hậu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu của các nước đang phát triển. Các Nghị viện và nghị sĩ đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực chung nhằm giải quyết các thách thức này, thông qua việc đồng hành cùng các Chính phủ thảo luận, xây dựng, thông qua các đạo luật, các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng Pháp ngữ đồng thời là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Việt Nam luôn ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng Pháp ngữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc tổ chức Diễn đàn tại Cần Thơ chính là hành động cụ thể nằm trong những nỗ lực chung này. "Diễn đàn sẽ là dịp tốt để các đại biểu thảo luận, đề xuất nhiều ý tưởng, biện pháp sáng tạo, chia sẻ những bài học, những kinh nghiệm hay trong xây dựng luật, chính sách phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đối khí hậu", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc tiếp. Ảnh: LÂM HIỂN |
Bà Caroline St-Hilaire bày tỏ vui mừng và cảm ơn sự đón tiếp trọng thị mà Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và Quốc hội Việt Nam dành cho các Nghị sĩ trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ. Đánh giá cao vai trò hết sức quan trọng, sự chủ động tham gia của Việt Nam tại tất cả các cơ chế trong Tổ chức quốc tế Pháp ngữ; đồng thời nhắc lại những đóng góp tích cực của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 diễn ra tại Pháp và cho biết Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ sẽ được tổ chức vào năm sau tại Campuchia.
Bà Caroline St-Hilaire cảm ơn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF) và có sáng kiến tổ chức Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu. Khẳng định các Nghị viện và Nghị sĩ Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, trong đó có Việt Nam đóng vai trò quan trọng nhằm thay đổi những vấn đề các quốc gia đang phải đối mặt như: Biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững.
Tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp
Bày tỏ ấn tượng với các thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, bà Caroline St-Hilaire coi đây là điểm sáng rất quan trọng; cho biết vào tháng 6 năm nay, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ sẽ tổ chức đợt khảo sát kinh tế thương mại tại Bénin (quốc gia ở Tây phi), hy vọng các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Cần Thơ nói riêng sẽ tích cực tham gia đoàn khảo sát và qua đó sẽ ký được nhiều thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác quan trọng.
![]() |
Bà Caroline St-Hilaire, Tổng giám đốc Tổ chức quốc tế Pháp ngữ phát biểu tại cuộc tiếp. Ảnh: LÂM HIỂN |
Nhất trí với những đánh giá của bà Caroline St-Hilaire, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tiếp tục quan tâm, thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, qua đó tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội tăng cường trao đổi hợp tác, học hỏi kinh nghiệm về các lĩnh vực trong hoạt động của Quốc hội, đặc biệt trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, chia sẻ thông tin hợp tác về khoa học.
Cùng với đó, đề nghị Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và cá nhân bà Caroline St-Hilaire tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, các hoạt động hợp tác ba bên, hợp tác Nam-Nam (hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển), đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. “Với những thành tựu to lớn trong nông nghiệp, Việt Nam đã cùng các nước đang phát triển, trong đó có nhiều nước Pháp ngữ ở châu Phi, triển khai hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên một cách hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam mong muốn tiếp tục ưu tiên lĩnh vực hợp tác này, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực trong không gian Pháp ngữ”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
![]() |
Quang cảnh buổi tiếp. Ảnh: LÂM HIỂN |
Mong muốn Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, thúc đẩy khởi nghiệp bằng tiếng Pháp, phát huy vai trò của tiếng Pháp trong phát triển du lịch bền vững, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổ chức quốc tế Pháp ngữ phối hợp với Liên minh Nghị viện Pháp ngữ có các dự án hợp tác cụ thể với Quốc hội Việt Nam, như về xây dựng năng lực cho nghị sĩ trẻ, nghị sĩ nữ…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng rằng Diễn đàn hôm nay và Hội nghị Ban chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ trong các ngày tới sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và Liên minh Nghị viện Pháp ngữ với Việt Nam cũng như giữa các phân ban thành viên Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, qua đó góp phần tăng cường hình ảnh và sự hiện diện của Pháp ngữ tại khu vực châu Á và tại Việt Nam.
VŨ DUNG
Tin mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Thông tấn xã Việt Nam lần thứ 27
Sáng 17-7, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) lần thứ 27, nhiệm kỳ 2025-2030 đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn quốc gia (số 5, Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu.
Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 17-7-2025 về việc tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Văn phòng Quốc hội lần thứ XV
Chiều 16-7, tại Nhà Quốc hội, Đại hội đại biểu Đảng bộ Văn phòng Quốc hội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đã thành công tốt đẹp. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự đại hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tăng trưởng 8,3-8,5% không phải là mục tiêu bất khả thi
Kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, được tổ chức trực tuyến toàn quốc từ Chính phủ tới các tỉnh, thành phố, xã, phường vào sáng 16-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tăng trưởng đạt 8,3-8,5% có nhiều thách thức, nhưng không phải là mục tiêu bất khả thi, không thể không làm.
Thực trạng gian lận và trốn thuế đang diễn biến ngày càng tinh vi và phức tạp
Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Thực trạng gian lận và trốn thuế đang diễn biến ngày càng tinh vi và phức tạp. Các hành vi vi phạm không chỉ dừng lại ở việc kê khai sai lệch, giấu doanh thu hay lập hóa đơn khống đơn thuần, mà đã phát triển thành các thủ đoạn có tổ chức với quy mô lớn, liên quan đến nhiều chủ thể và địa bàn khác nhau.
Cơ cấu lại mô hình hoạt động để mở ra không gian mới cho VNPT
Sau Nghị quyết số 186/NQ-CP của Chính phủ, mới đây, tại Văn bản số 6468/VPCP-ĐMDN, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đồng ý chủ trương sáp nhập VNPT-Vinaphone, VNPT-Media vào Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT. Đây là một trong các động thái đầu tiên trong chiến lược cơ cấu lại mô hình hoạt động mà VNPT đang thực hiện.