Chuyến công tác quan trọng của Thủ tướng trong bối cảnh khu vực nhiều biến động và thách thức
Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022, Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị cấp cao liên quan từ ngày 10-13/11/2022 tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia.
Trên nền tảng những đóng góp của Việt Nam cho sự phát triển và thành công của ASEAN với vai trò là một thành viên "tích cực, chủ động và có trách nhiệm", chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị cấp cao liên quan lần này có ý nghĩa quan trọng, trong bối cảnh thế giới và khu vực chứng kiến nhiều biến động, bất ổn, đối mặt nhiều thách thức với những diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Lễ kỷ niệm 45 năm "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen (20/06/1977 - 20/06/2022). Ảnh VGP.
Nối lại đối thoại tiếp sau hơn 02 năm gián đoạn
Các Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực chứng kiến nhiều biến động, bất ổn với những diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường. Đại dịch COVID-19 kéo dài, tình hình Biển Đông, Myanmar, xung đột Nga-Ukraine, bán đảo Triều Tiên diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều hệ lụy đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển.
Kinh tế thế giới có những dấu hiệu phục hồi sau dịch bệnh nhưng chưa bền vững, cơ bản do tắc nghẽn chuỗi cung ứng, dịch chuyển trong phương thức hoạt động của các nền kinh tế và thiếu hụt lao động… Châu Á-Thái Bình Dương nổi lên là khu vực phục hồi nhanh song do chịu nhiều tác động nên kinh tế khu vực cũng chưa thực sự bền vững.
Trong bối cảnh đó, ASEAN đoàn kết, thống nhất trên nhiều vấn đề, đạt được những kết quả tích cực trong tiến trình xây dựng Cộng đồng. Đến nay, ASEAN đã triển khai được 98% các dòng hành động trong Kế hoạch Tổng thể của Trụ cột Chính trị-an ninh, 88,3% trong Trụ cột Kinh tế, 72% trong Trụ cột Văn hóa-Xã hội và triển khai 14/15 sáng kiến thuộc 5 lĩnh vực chiến lược của Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 (MPAC).
Cùng với việc đẩy nhanh hoàn tất đúng hạn các Kế hoạch Tổng thể trên 3 trụ cột Cộng đồng vào năm 2025, ASEAN bắt đầu thảo luận Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 với các định hướng tổng thể là củng cố đoàn kết, tự cường, thích ứng và vai trò trung tâm của ASEAN.
Chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, những xu thế tất yếu hiện nay, cũng ngày càng được quan tâm và đẩy mạnh trong ASEAN. ASEAN đang trao đổi về Chiến lược hợp nhất về cách mạng công nghiệp 4.0, gồm 3 lĩnh vực trọng tâm là (i) quản trị công nghệ và an ninh mạng; (ii) kinh tế số và (iii) chuyển đổi kỹ thuật số trong xã hội.
Tuy nhiên, ASEAN đang gặp phải rất nhiều thách thức cả từ bên trong và bên ngoài, trong đó có vấn đề Myanmar, gia tăng cạnh tranh nước lớn, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai…
Trong bối cảnh đó, các Hội nghị cấp cao lần này đánh dấu sự nối lại các trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa các Lãnh đạo sau hơn hai năm bị gián đoạn do dịch bệnh COVID-19. Đây sẽ là dịp để lãnh đạo các nước trao đổi về các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, kiểm điểm và định hướng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, và thảo luận về nhiều vấn đề chiến lược ở khu vực và thế giới.
Ngày 26/10/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 theo hình thức trực tuyến. Ảnh VGP.
Trong khuôn khổ các Hội nghị cấp cao (HNCC), dự kiến sẽ có hơn 20 hoạt động, với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và 10 đối tác, trong đó có HNCC ASEAN lần thứ 40, HNCC ASEAN lần thứ 41; các HNCC ASEAN+1, ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS).
Dịp này, cũng sẽ diễn ra Đối thoại toàn cầu ASEAN lần thứ 2 với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới, Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á… để trao đổi về các nỗ lực phục hồi kinh tế ở toàn cầu và khu vực.
Dịp này, ASEAN dự kiến thông báo thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) với Mỹ và Ấn Độ. Lãnh đạo các nước cũng dự kiến sẽ thông qua và ghi nhận hơn 100 văn kiện về nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Sự tham gia tích cực, chủ động, trách nhiệm của Việt Nam
Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995 nhân dịp Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 28 được tổ chức tại Brunei. Trong 27 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển và thành công của ASEAN và đóng vai trò là một thành viên "tích cực, chủ động và có trách nhiệm".
Việt Nam đóng vai trò là hạt nhân duy trì và thúc đẩy đoàn kết nội khối, với dấu ấn quan trọng đầu tiên là góp phần thúc đẩy việc gia nhập ASEAN của Lào, Campuchia và Myanmar qua đó hoàn tất ý tưởng ASEAN bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á (giai đoạn 1995-1999), tạo ra sự chuyển biến mới về chất đối với ASEAN và tình hình khu vực.
Kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các nước thành viên đóng góp vào việc xây dựng những định hướng, quyết sách quan trọng của ASEAN, góp phần định hình đường lối phát triển và thành công của khối như: Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2020 và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025; Hiến chương ASEAN (2007); Kế hoạch Tổng thể ASEAN về Phục hồi và Kế hoạch Thực hiện; Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển, cũng như các văn kiện khác trong các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành…
Đặc biệt, trong năm 2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy thành công các mục tiêu đề ra cho năm 2020 theo tinh thần chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng", củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, không chỉ đưa ASEAN vượt qua thách thức chưa từng có nảy sinh từ dịch COVID-19 mà còn giữ vững đà hợp tác và xây dựng Cộng đồng. Vai trò, vị thế và dấu ấn của Việt Nam trong năm Chủ tịch được khẳng định rõ nét, qua đó góp phần nâng cao vai trò và hình ảnh của Việt Nam trong ASEAN và trên trường quốc tế.
Về trụ cột hợp tác chính trị-an ninh, Việt Nam luôn đề cao đoàn kết, thống nhất trong ASEAN, nỗ lực xây dựng và phát huy giá trị các công cụ và cơ chế bảo đảm an ninh khu vực, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử trong khu vực, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN thông qua các cơ chế, diễn đàn do ASEAN chủ trì như (Cấp cao Đông Á-EAS, Diễn đàn khu vực ASEAN- ARF, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng - ADMM+ ...).
Là một nước thành viên có chính sách và cam kết với ASEAN tương đối ổn định và rõ nét, Việt Nam được đánh giá cao là một trong những nước có vai trò quan trọng góp phần củng cố hòa bình, an ninh khu vực, nhất là thông qua nỗ lực cùng các các nước ASEAN giải quyết các thách thức chung của khu vực, trong đó có thúc đẩy và hướng tới một giải pháp hòa bình, dựa trên luật lệ cho những tranh chấp ở Biển Đông hay vấn đề Myanmar…
Về kinh tế, Việt Nam là một trong hai nước có tỉ lệ thực hiện cao nhất các cam kết trong kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (sau Singapore). Việt Nam cũng tích cực tham gia thúc đẩy xây dựng/triển khai các thỏa thuận hợp tác kinh tế nội khối và giữa ASEAN với các Đối tác; đóng góp các sáng kiến hợp tác trên các lĩnh vực như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; thuận lợi thương mại, phát triển thương mại điện tử, tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, thúc đẩy phát triển đồng đều và bền vững.
Về văn hóa-xã hội, Việt Nam chủ trương thúc đẩy và tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác thiết thực hướng tới người dân như phúc lợi xã hội, hỗ trợ các đối tượng yếm thế, giáo dục, y tế, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu… Việt Nam cũng là một trong những nước rất tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về ASEAN trong người dân. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến tăng cường treo cờ ASEAN tại trụ sở các cơ quan hành chính của các nước thành viên và sử dụng ASEAN ca tại các sự kiện chính thức của ASEAN.
Đặc biệt, Việt Nam đảm nhiệm nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19, bối cảnh biến động địa chiến lược phức tạp. Tuy nhiên, phát huy tinh thần chủ đề "Gắn kết và chủ động thích ứng", Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò điều phối, dẫn dắt ASEAN từng bước tháo gỡ khó khăn (thông qua khởi xướng hình thức họp trực tuyến) để tiếp tục duy trì đà hợp tác, thúc đẩy thực hiện thành công nhiệm vụ "kép", vừa duy trì đà xây dựng Cộng đồng, vừa hợp tác chống COVID-19, với nhiều kết quả tích cực, được Cộng đồng quốc tế đánh giá cao, qua đó củng cố đoàn kết, thống nhất, vai trò trung tâm, vị thế và uy tín của ASEAN cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực.
Các sáng kiến về COVID-19 được đề xuất trong năm 2020 tiếp tục được các nước thúc đẩy triển khai và đã trở thành tài sản chung của khu vực, giúp tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của ASEAN; cũng như đẩy nhanh quá trình phục hồi hậu đại dịch, đưa khu vực vào trạng thái "bình thường mới". Việt Nam tiếp tục phối hợp với các nước triển khai các sáng kiến về COVID-19 và thúc đẩy phục hồi.
Củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN
Trên nền tảng đó, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự HNCC ASEAN lần thứ 40, 41 và các HNCC liên quan lần này có ý nghĩa quan trọng.
Tại các Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các bài phát biểu quan trọng, chia sẻ quan điểm, lập trường cũng như các đề xuất của Việt Nam củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh liên kết khu vực, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, và trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực với cách tiếp cận cân bằng và hài hòa.
Với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam khẳng định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đóng góp thực chất cho công việc chung của ASEAN. Đây cũng là dịp để Việt Nam thông tin, chia sẻ về các chính sách, nỗ lực và những thành công trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam sau dịch bệnh.
Việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự HNCC ASEAN thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm cùng các nước thành viên duy trì và củng cố vai trò trung tâm và phát huy trách nhiệm tiếng nói của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và phát triển. Việt Nam luôn nỗ lực góp phần củng cố đoàn kết ASEAN, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra; khẳng định vai trò, hình ảnh và uy tín của ASEAN, đẩy mạnh quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, qua đó đóng góp cho công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN; đồng thời, giữ vững lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề quốc tế và khu vực, Biển Đông; hiện thực hóa ASEAN hướng tới người dân…
Trong khuôn khổ HNCC ASEAN lần thứ 40,41 và các HNCC liên quan, Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu Việt Nam sẽ có các các hoạt động tiếp xúc song phương nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác, bạn bè quốc tế tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Theo Chinhphu.vn
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.