Chuyên gia lên tiếng về 08 dự án BOT, PPP giao thông
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông nhấn mạnh: “Tôi cho rằng Nhà nước không nên bỏ rơi các dự án này. Vấn đề giờ là Nhà nước phải đánh giá lại khoản tiền sát với thực tế để trả cho nhà đầu tư…"
Chính phủ có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho 08 dự án PPP, BOT giao thông đã đưa vào khai thác, do không được thu phí hoặc doanh thu sụt giảm quá lớn, nhà đầu tư nguy cơ lâm vào phá sản. Trong đó có phương án chấm dứt hợp đồng trước hạn, thanh toán chi phí hợp pháp cho nhà đầu tư.
Trạm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh Dân trí.
Đối với 08 dự án BOT giao thông có nhiều bất cập mà Chính phủ trình Quốc hội xử lý, bên cạnh phương án Nhà nước mua lại, chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, có thể nghiên cứu thêm phương án hỗ trợ tín dụng, giãn nợ cho dự án này.
PGS.TS Trần Chủng-Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam (VASRI) cho biết, hoàn toàn đồng tình với quan điểm của đại biểu Quốc hội, cần phải xem xét lại đúng sai, nguyên nhân từ đâu đặc biệt các dự án đã có ý kiến của các cơ quan là Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước nêu ra các vấn đề liên tổng mức đầu tư, phương án đặt trạm, phương án thu phí, hiệu quả đầu tư của dự án.
“Khi đã xác định rõ các yếu tố đảm bảo hoặc yếu tố khác làm ảnh hưởng thì phải đánh giá qua đó yêu cầu các bên liên quan là doanh nghiệp đầu tư, cơ quan có thẩm quyền là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hay địa phương và đặc biệt các ngân hàng cho vay phải cùng ngồi lại xác định trách nhiệm và nghĩa vụ khi đã đề xuất, ký kết hợp đồng, thẩm định cho vay và phải chia sẻ rủi ro, đừng đẩy doanh nghiệp vào đường cùng”, ông Chủng nói.
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông phân tích: Khi dự án BOT bị thất bại, giải pháp đưa ra thường là các bên tham gia dự án gồm Nhà nước, nhà đầu tư và ngân hàng phải chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, ngân hàng không ký hợp đồng với Nhà nước mà đứng sau nhà đầu tư, nên còn lại Nhà nước và nhà đầu tư.
“Tôi cho rằng Nhà nước không nên bỏ rơi các dự án này và không mua cũng không được. Vấn đề giờ là Nhà nước phải đánh giá lại khoản tiền sát với thực tế để trả cho nhà đầu tư…”, ông Đức nêu ý kiến.
Cũng có ý kiến nêu thêm phương án để Nhà nước không phải bỏ toàn bộ số tiền lớn ra mua lại, mà có thể họp, thỏa thuận phương án hỗ trợ tín dụng, giãn nợ cho dự án đang gặp vướng mắc này…
Ảnh minh họa internet.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng chỉ rõ, đối với dự án BOT, ngay cả khi doanh nghiệp đang thua lỗ thì dự án vẫn tiếp tục hoạt động và xã hội vẫn tiếp tục hưởng lợi. Trong khi doanh nghiệp và ngân hàng rủi ro, cần làm rõ cơ chế chia sẻ của Nhà nước.
“Nếu xác định đây là vấn đề quốc phòng, an ninh, dân sinh thì cần tăng vốn cho ngân hàng để cấp tín dụng tiếp cho dự án BOT, tháo gỡ khó khăn trước mắt. Đồng thời, cần tăng cường năng lực của doanh nghiệp BOT cũng như năng lực của ngân hàng, phải có chính sách chung, hợp tác để thu hút các nguồn vốn. Bộ GTVT cần đứng ra làm trọng tài, họp với ngân hàng và doanh nghiệp để có chiến lược riêng cho BOT và triển khai Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư…”, ông Nhưỡng đề xuất.
Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân thì, việc đánh giá những bất cập không khó: Đầu tiên cần xem xét kỹ các dự án BOT có thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký hay không, có đúng chủ trương, quy định của pháp luật và Bộ GTVT đã thực hiện đúng các cam kết với Chính phủ, Quốc hội không? Tiếp đó, xem xét việc trước khi cấp tín dụng, các ngân hàng cũng đã thẩm định, đánh giá tính khả thi của dự án, do vậy các ngân hàng cũng cần có trách nhiệm chung tay xử lý các vướng mắc bất cập cho các dự án BOT này.
Ông Vân đề nghị, với 08 dự án BOT giao thông được Chính phủ đề xuất phương án mua lại, trên cơ sở khảo sát đánh giá thực tế, cần phân loại các dự án để có phương án xử lý phù hợp. Thứ nhất, đối với những dự án có cơ sở chặt chẽ, vướng mắc hoàn toàn xuất phát từ phía Nhà nước thì có thể xem xét giải quyết bằng nhiều giải pháp trong bao gồm cả việc mua lại.
Thứ hai, những dự án khác có thể khắc phục hậu quả, như cho nhà đầu tư kéo dài thời gian khai thác (thu phí). Ngoài ra, có thể áp dụng chính sách hỗ trợ tín dụng, để các ngân hàng khoanh, giãn nợ cho nhà đầu tư. Đây là những giải pháp nằm trong thẩm quyền Bộ GTVT, Chính phủ và các ngân hàng.
Theo tờ trình mới nhất của Bộ GTVT, để giải quyết triệt để bất cập tại các trạm BOT chỉ còn cách Nhà nước bỏ 13.115 tỷ đồng mua lại. Với số tiền bỏ ra tương đối lớn, một số ý kiến chuyên gia và Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần giải quyết dứt điểm thể hiện tinh thần sòng phẳng, công bằng trong hoạt động đối tác công tư, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân và tôn trọng pháp luật khi hợp đồng các bên đã ký.
Công Huy (t/h)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.