Chuyến thăm mở ra chương mới trong quan hệ Ai Cập - Thổ Nhĩ Kỳ
Gần một thập kỷ duy trì mối quan hệ đầy rạn nứt và căng thẳng, ngày 14-2 được coi là dấu mốc lịch sử, mở ra chương mới trong quan hệ Ai Cập -Thổ Nhĩ Kỳ, với chuyến thăm cấp nhà nước tới Cairo của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Theo Daily Sabah, phát biểu với giới truyền thông ngay trước thềm chuyến thăm, Tổng thống Erdogan cho biết hai bên sẽ thảo luận về "mọi nỗ lực" nhằm ngăn chặn "đổ máu" ở dải Gaza. Còn theo Anadolu, cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo cũng sẽ tập trung vào các vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, năng lượng và quốc phòng.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tới Ai Cập kể từ năm 2012. Hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 2013, sau khi ông Abdel Fattah el-Sisi, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập, lật đổ chính quyền Tổng thống Mohamed Morsi-một đồng minh thân thiết của Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của phong trào Anh em Hồi giáo bị cấm hoạt động ở Ai Cập.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (bên phải) và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi. Ảnh: ANADOLU |
Trải qua nhiều sóng gió, mối quan hệ giữa hai bên bắt đầu có dấu hiệu tan băng kể từ năm 2021, khi một phái đoàn ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đến thăm Ai Cập để thảo luận về việc bình thường hóa quan hệ song phương. Nhân dịp dự World Cup 2022 do Qatar đăng cai tổ chức, hai nhà lãnh đạo đã có cái bắt tay hữu nghị mang tính hòa giải. Đến tháng 7-2023, Cairo và Ankara chính thức bổ nhiệm đại sứ tại thủ đô của nhau lần đầu tiên sau một thập kỷ.
Suốt một thời gian dài, bất chấp mối quan hệ rạn nứt, hoạt động thương mại giữa hai bên vẫn tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là đối tác thương mại lớn thứ năm của Ai Cập. Thương mại song phương hiện đạt 10 tỷ USD và hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD trong 5 năm tới.
Với việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao, hợp tác quốc phòng, an ninh song phương cũng sẽ được thúc đẩy, trong bối cảnh cả Cairo và Ankara đều đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực quốc phòng. Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã nổi lên như một cường quốc sản xuất vũ khí, với các sản phẩm máy bay không người lái (UAV), máy bay chiến đấu không người lái (UCAV), tàu chiến...
Ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Erdogan, Ngoại trưởng Hakan Fidan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất một thỏa thuận cung cấp UAV cho Ai Cập. Với việc năng lực quốc phòng được củng cố, Cairo dường như sẽ bớt áp lực từ cuộc nội chiến đang diễn ra ở nước láng giềng Sudan, vốn được coi là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia của Ai Cập. Về phần mình, nỗ lực hòa giải với Cairo phần nào cho thấy tham vọng của Ankara muốn nâng cao vị thế trong các dự án khí đốt ở phía Đông Địa Trung Hải, nơi Cairo có ảnh hưởng đáng kể.
Chuyến thăm Ai Cập của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan diễn ra vào thời điểm chiến sự Israel-Hamas đang đẩy hàng triệu người dân Gaza lâm vào thảm cảnh nhân đạo, đồng thời kéo theo bạo lực và xung đột lan rộng trong khu vực, bao gồm Lebanon, Syria, Bắc Iraq và Biển Đỏ. Chính bởi lẽ đó, một trong những nội dung thảo luận trọng tâm trong chuyến thăm của ông Erdogan là nỗ lực hòa giải chung cho các cuộc xung đột ở Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đều là các quốc gia có tiếng nói quan trọng trong khu vực nhờ năng lực quân sự hùng hậu và dân số đông đảo. Hai bên chia sẻ lập trường chung về giải pháp hai nhà nước, các hoạt động viện trợ nhân đạo cho người dân Gaza và nỗ lực tái thiết ở Gaza sau khi xung đột kết thúc.
Anadolu nhận định, mối quan hệ nồng ấm giữa Cairo và Akara có thể tạo ra sức mạnh cân bằng trong khu vực vùng Vịnh và châu Phi, tác động tích cực tới sự ổn định của các quốc gia như Libya, Sudan và Ethiopia. Ngoài ra, việc khôi phục quan hệ với Cairo-kết hợp với những nỗ lực nối lại quan hệ giữa Ankara và Athens-có thể góp phần tác động tích cực đến xung đột ở Đông Địa Trung Hải.
HÀ PHƯƠNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.