• Click để copy

Chuyển từ ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai

Mưa lũ, sạt lở đất liên tiếp xảy ra ở nước ta thời gian qua gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, hạ tầng cơ sở. Thời gian tới, chúng ta cần làm gì để giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra? Ngày 10-8, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai xung quanh vấn đề này.

Mưa, lũ, sạt lở đất ngày càng diễn biến khó lường

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, những ngày qua, mưa lũ, sạt lở đất xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước gây thiệt hại nặng về người, tài sản và hạ tầng cơ sở. Đồng chí đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Đồng chí Phạm Đức Luận: Từ cuối tháng 7, đặc biệt từ ngày 2-8 đến nay, mưa, lũ, sạt lở đất xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước đã gây tổn thất rất nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân. Riêng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, 12 người chết, 3 người mất tích, 5 người bị thương. Mưa lũ, sạt lở đất làm 59 ngôi nhà sập, 676 nhà bị hư hại; 803ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 163 công trình thủy lợi, nước sạch, kè, 19 điểm trường học, 1 cơ sở y tế bị sạt lở, hư hỏng. Đặc biệt, về giao thông, có 224 điểm sạt lở trên các tuyến Quốc lộ 4H, 279D, 32, 6, 70; 229 điểm sạt lở trên các tuyến tỉnh lộ, giao thông địa phương. Hiện nay, Quốc lộ 279D, Quốc lộ 32 trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Yên Bái chưa thông xe toàn bộ. Về điện lực, 51 cột điện bị gãy đổ, trong đó có 3 cột điện 35KV gây mất điện diện rộng tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Hiện các địa phương đã và đang tiếp tục khẩn trương, nỗ lực huy động nhân lực, phương tiện để khắc phục hậu quả thiên tai.

Những ngày qua, chính quyền các địa phương, lực lượng vũ trang, đặc biệt lực lượng Quân đội đóng quân tại các địa phương đều rất tích cực tham gia vào công tác giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. 

Chuyển từ ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai
Đồng chí Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai. Ảnh: NGUYỄN KIỂM

 PV: Nhìn ra thế giới và các nước trong khu vực, đặc biệt là ở Trung Quốc, tình hình mưa lũ cũng diễn biến rất phức tạp. Phải chăng tình hình khí hậu năm nay có gì bất thường, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Đức Luận: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, cùng với thông tin chúng tôi nắm được thì thấy rõ rằng, do tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai ngày càng bất thường, dị thường, cực đoan, khó đoán định, khó dự báo. Ví dụ vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm nay, tại Trung Quốc, 33 người đã thiệt mạng và 18 người vẫn mất tích sau trận mưa lớn nhất lịch sử ở Bắc Kinh, thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Chúng ta không thể hình dung được mức độ tàn phá do thiên tai gây ra. Chính vì vậy, dứt khoát chúng ta phải chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, hành động sớm để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Để làm được điều này, chúng ta phải nâng cao khả năng sức chống chịu của hạ tầng cơ sở, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống thiên tai. Ví dụ, hệ thống đê biển mới chỉ chống bão được cấp 9, cấp 10 thì phải khẩn trương đầu tư, nâng cấp để nâng cao hơn khả năng chống chịu đối với những trận bão thường xuyên hiện nay mạnh trên cấp 10, đặc biệt một số nơi trọng điểm phải tính đến giải pháp chống chịu với siêu bão.

Chuyển từ ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Mù Cang Chải hỗ trợ người dân xã Khao Mang di dời nhà và tài sản ra khỏi vị trí có nguy cơ sạt lở lúc 17 giờ ngày 10-8. Ảnh: Hồng Sáng 

 Đầu tư nhiều hơn cho hệ thống đo mưa

PV: Đâu là những khó khăn, thách thức lớn nhất đối với việc phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Đức Luận: Thách thức lớn nhất ở Việt Nam là lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra ở vùng miền núi với địa hình chia cắt, độ dốc lớn, người dân lại ở phân tán nên việc triển khai công tác ứng phó gặp rất nhiều khó khăn. Địa hình chia cắt, khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất làm hỏng đường có khi phải vài ngày mới tiếp cận được. Khó khăn, thách thức nữa chính là nhận thức của người dân khi thiên tai xảy ra vẫn còn chủ quan, thậm chí coi thường. Nhiều trường hợp lũ quét, sạt lở đất đã xảy ra gây thiệt hại về người là do chủ quan, cố qua suối, qua ngầm, tràn khi nước lớn, nước chảy xiết, bất thường... Vấn đề nhận thức, sự chủ quan của người dân thì cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng đã cảnh báo rất nhiều, đặc biệt mỗi mùa mưa lũ. Tuy nhiên, sự thay đổi không thể một sớm một chiều được mà chúng ta phải kiên trì để làm thay đổi nhận thức của người dân trong phòng ngừa, ứng phó thiên tai.      

Chuyển từ ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai
Bộ đội hỗ trợ người dân tỉnh Thừa Thiên-Huế khắc phục hậu quả mưa lũ, tháng 10-2022. Ảnh: TTXVN 

PV: Về vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vừa qua, có ý kiến cho rằng nguyên nhân gây sạt lở là do có một phần diện tích rừng phòng hộ đã chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Vậy ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Phạm Đức Luận: Theo tôi thì có nhiều nguyên nhân gây sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, chứ không thể chỉ đánh giá mỗi nguyên nhân do mất rừng ở khu vực này. Ở khu vực này, ta luy dương rất cao, dễ gây mất ổn định khi có mưa lớn, bất thường. Vì thế, chúng ta cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể, kỹ lưỡng hơn thì mới có thể đưa ra kết luận được. Vừa qua, chúng tôi đi kiểm tra tại các tỉnh miền núi phía Bắc, rất nhiều tuyến đường bị sạt lở ta luy dương. Đối với những ta luy dương mặt cắt cao dựng đứng thì nguy cơ sạt lở rất dễ xảy ra khi gặp mưa lớn.

PV: Công tác dự báo mưa rất có ý nghĩa trong việc ứng phó lũ quét, sạt lở đất, nhưng việc này lại không đơn giản. Làm thế nào để nâng cao chất lượng công tác dự báo mưa, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Đức Luận: Việc dự báo lượng mưa chính xác hay khu vực bị sạt lở đất, lũ quét hiện vẫn còn là thách thức đối với không chỉ ở Việt Nam và mà cả trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công tác dự báo được tốt hơn, đặc biệt hệ thống đo mưa, hệ thống trạm quan trắc ngày một tăng dày hơn để có được số liệu dự báo ngày càng chính xác nhằm chủ động ứng phó với loại hình thiên tai lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Cảnh báo sớm và nâng cao nhận thức của người dân

PV: Để phòng, chống thiên tai nói chung, phòng, chống lũ quét, sạt lở đất nói riêng thì cần cả giải pháp đầu tư xây dựng công trình lẫn giải pháp phi công trình như quy hoạch khu dân cư, rừng phòng hộ. Đồng chí đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Đồng chí Phạm Đức Luận: Về mặt nguyên tắc phòng, chống thiên tai, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư xây dựng công trình và phi công trình để mang lại hiệu quả cao. Thế nhưng theo bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, trong đó có bản đồ khu vực có nguy cơ sạt lở đất mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố, với điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay thì không thể có nguồn kinh phí nào có thể đáp ứng nổi để xây dựng tất cả công trình. Cả vùng miền núi phía Bắc và khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, bản đồ về nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất gần như phủ kín, rất lớn. Do đó, chúng ta chỉ có thể tập trung vào công tác cảnh báo sớm và nâng cao nhận thức của người dân ở những khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng tránh. Những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2022, một số tỉnh đã tiến hành di dời các hộ dân tới nơi ở an toàn hơn. Với tập quán sinh sống của bà con thì việc tổ chức di dời không hề dễ dàng. Điều kiện địa hình miền núi chia cắt mạnh, độ dốc cao, chúng ta không thể di dời hết các hộ dân được. Việc tìm một nơi bằng phẳng để di dời dân đồng thời phải tính tới yếu tố sinh kế bền vững là chuyện không hề đơn giản.

PV: Việc trồng rừng, bảo vệ rừng có ý nghĩa như thế nào đối với công tác phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Đức Luận: Vấn đề trồng và bảo vệ rừng hết sức quan trọng trong công tác phòng, chống, ứng phó với lũ quét, sạt lở đất. Trong quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, một trong những giải pháp đầu tiên chúng ta đã tính tới là phải trồng và bảo vệ rừng. Chúng ta có trồng rừng mới giữ được nước, khi có rừng, nước lũ sẽ về từ từ, thảm thực vật từ rừng giảm được xói mòn đất, góp phần giảm lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy, một lần nữa cần nhấn mạnh rằng trồng, bảo vệ rừng có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống lũ quét, sạt lở đất.

PV: Đồng chí có cảnh báo gì về tình hình mưa lũ từ nay đến cuối năm?

Đồng chí Phạm Đức Luận: Hiện là thời điểm mưa lũ chính vụ ở các tỉnh miền Bắc, dự báo sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Nguy cơ cao mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, bão... Chúng ta càng cần phải đề cao cảnh giác, rà soát lại các phương án, kịch bản ứng phó thiên tai đã xây dựng. Các địa phương cần tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, tổ chức kịp thời sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn. Đặc biệt, trong mưa lũ, những khu vực ngập lụt cần phải được hướng dẫn, cảnh báo, thậm chí cấm qua lại các ngầm, thông tin kịp thời về mưa lũ cho người dân chủ động phòng tránh. Tiếp theo những tháng cuối năm (tháng 9, 10, 11) mưa, lũ, bão... sẽ chuyển dần vào các tỉnh khu vực miền Trung, sau thời gian nắng nóng kéo dài, nguy cơ rất cao xảy ra bão lớn, lũ trên diện rộng, kéo dài, sạt lở đất có thể tiếp tục xảy ra. Do vậy, ngay từ bây giờ, các cấp chính quyền cần rà soát lại các phương án để chủ động phòng ngừa và ứng phó kịp thời.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Bài liên quan

Tin mới

Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng

Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.

Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập

Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.

Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12

Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.

Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.

Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên

Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.

Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam

Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.