• Click để copy

Cơ hội thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc và các nước tham gia BRI

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRF) lần thứ ba tại Bắc Kinh, Trung Quốc, từ ngày 17 đến 20-10.

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được Trung Quốc rất coi trọng, là một trong những sáng kiến đối ngoại hàng đầu do Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân đề xuất và được chỉ đạo xuyên suốt, triển khai đồng bộ, toàn diện và quy mô. Đến nay, sau 10 năm hình thành và triển khai BRI, Trung Quốc đã đạt được những kết quả quan trọng, nhận được sự ủng hộ của quốc tế. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đến hết năm 2022, Trung Quốc đã ký 206 thỏa thuận hợp tác về BRI với 151 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế, triển khai khoảng 3.000 dự án trong nhiều lĩnh vực với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ USD.

Cơ hội thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc và các nước tham gia BRI
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ảnh: TTXVN 

Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ ba với chủ đề “Hợp tác chất lượng cao Vành đai và Con đường, chung tay vì phát triển và thịnh vượng chung” là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương lớn và quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm 2023. Ngoài phiên khai mạc do Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, BRF lần thứ ba gồm 3 phiên họp cấp cao do các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc chủ trì được tổ chức đồng thời về những chủ đề: Kết nối trong một nền kinh tế toàn cầu mở; Con đường tơ lụa xanh hài hòa với thiên nhiên; Kinh tế số-động lực mới của tăng trưởng. Cùng với đó là 6 diễn đàn chuyên đề do các bộ trưởng của Trung Quốc chủ trì, thảo luận về kết nối thương mại, giao lưu nhân dân, giao lưu học giả, con đường tơ lụa sạch, hợp tác địa phương, hợp tác biển.

Trong cả hai lần Trung Quốc tổ chức BRF trước đây vào năm 2017 và 2019, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đều tham dự. Về hợp tác trong khuôn khổ BRF, hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ cấp Chính phủ về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với BRI (tháng 11-2017) và đang phối hợp hoàn thiện kế hoạch hợp tác thúc đẩy thực hiện Bản ghi nhớ này.

Những năm gần đây, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc duy trì xu thế phát triển ổn định, đạt những tiến triển tích cực, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2022. Bước sang năm 2023, hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp giữa hai nước được triển khai tích cực sau dịch Covid-19. Hai bên cũng duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt cả ở kênh Đảng, Nhà nước, giao lưu nhân dân và giữa các cấp, các ngành, địa phương của hai bên.

Thời gian qua, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục có bước phát triển thực chất. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 175,56 tỷ USD và trong 7 tháng năm 2023 đạt 89,1 tỷ USD. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư FDI lớn thứ 6 tại Việt Nam với 3.949 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký hơn 25,8 tỷ USD. Trong 8 tháng năm 2023, đã có 949.000 lượt khách Trung Quốc vào Việt Nam, đứng thứ hai trong số các thị trường khách du lịch vào nước ta.

Chuyến tham dự BRF lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhằm tiếp tục triển khai chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XIII về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương; góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác, liên kết kinh tế và kết nối khu vực. Đây cũng là chuyến công tác Trung Quốc đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị mới, diễn ra vào thời điểm hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008-2023).

Sự có mặt của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại BRF lần thứ ba là minh chứng cho thấy Việt Nam đánh giá cao những đóng góp tích cực của BRI đối với các nỗ lực chung toàn cầu về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy kết nối, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc; đồng thời đánh giá cao cách tiếp cận của Trung Quốc về xây dựng một khuôn khổ hợp tác mở, bao trùm, bình đẳng, cùng có lợi cho tất cả các bên tham gia, hướng tới thúc đẩy hợp tác BRI chất lượng cao, bền vững và lấy người dân làm trung tâm. Thông qua đó cũng tái khẳng định sự coi trọng và nỗ lực của cả Việt Nam và Trung Quốc trong việc tăng cường, củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng sâu sắc, thực chất, đóng góp vào việc củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực.

Chúng ta nhìn nhận và tin tưởng rằng, chuyến tham dự BRF lần thứ ba tại Bắc Kinh của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là cơ hội tốt để Việt Nam thúc đẩy hợp tác sâu rộng, thiết thực hơn nữa với Trung Quốc cũng như các quốc gia tham gia diễn đàn này.

QĐND

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.