Cuộc đua gay cấn
Hôm nay (19-11), cử tri Malaysia đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 nhằm chọn ra lực lượng chính trị để chèo lái đất nước trong vòng 5 năm tới. Những diễn biến trên chính trường Malaysia thời gian qua khiến cuộc tổng tuyển cử lần này được đánh giá là gay cấn nhất trong lịch sử quốc gia Đông Nam Á.
Trên thực tế, cuộc tổng tuyển cử hôm nay được tổ chức trước thời hạn bởi theo luật định, nhiệm kỳ Hạ viện khóa 14 của Malaysia kéo dài 5 năm, tức là tới tháng 7-2023 và cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 sẽ được tổ chức trước tháng 9-2023. Thế nhưng, với việc Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob tuyên bố giải tán Hạ viện hôm 10-10 vừa qua, Malaysia buộc phải tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 60 ngày kể từ thời điểm cơ quan lập pháp này bị giải tán.
Trong cuộc tổng tuyển cử vốn được ví là “mẹ của tất cả các cuộc bầu cử” này tại Malaysia, 945 ứng viên đến từ 3 liên minh chính trị chính (tập hợp của nhiều đảng phái) và hàng chục chính đảng cùng 108 ứng viên độc lập-con số cao kỷ lục trong lịch sử bầu cử tại Malaysia-cùng nhau cạnh tranh 222 ghế tại Hạ viện.
![]() |
Những lá cờ tranh cử của các đảng phái chính trị tại Malaysia được trang trí trên cầu tại Gugusan Manjoi, Tambun - Ipoh - Malaysia. Ảnh: TTXVN |
Chế độ bầu cử của Malaysia thực hiện theo nguyên tắc “người về nhất sẽ trúng cử”, tức là người giành số phiếu cao nhất sẽ trúng cử mà không nhất thiết phải đạt một số lượng phiếu nhất định và các đảng hoặc liên minh chính trị cần giành ít nhất 112 ghế để chiếm thế đa số, từ đó giành quyền đứng ra thành lập chính phủ mới.
Cho dù có tới hơn 1.000 ứng viên tham gia chạy đua giành 222 ghế tại Hạ viện Malaysia nhưng cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 được xem là cuộc đua tam mã giữa Liên minh Mặt trận quốc gia (BN), Liên minh Dân tộc (PN) và Liên minh Hy vọng (PH). PH, BN và PN là 3 liên minh chính trị có nhiều ứng viên tham gia chạy đua nhất với số lượng tương ứng lần lượt là 206, 178 và 149.
Trong gần hai tuần vừa qua, các chiến dịch vận động tranh cử đều tập trung vào những vấn đề sát sườn đối với người dân Malaysia, như: Cơ hội việc làm, chi phí sinh hoạt cùng giá cả hàng hóa tăng cao hay xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực.
Tuy nhiên, xét cho cùng, điều người dân Malaysia quan tâm nhất lúc này chính là sự ổn định chính trị, vốn trực tiếp tác động đến phúc lợi của họ. Sở dĩ nói như vậy là bởi người dân quốc gia Đông Nam Á này đã phải chịu không ít ảnh hưởng từ bất ổn chính trị xuất phát từ sự chia rẽ trong nội bộ các liên minh cầm quyền với hệ lụy là lần đầu tiên trong lịch sử, chiếc ghế Thủ tướng Malaysia đã 3 lần đổi chủ chỉ trong vòng 4 năm qua.
Trước khi thất bại trước PH trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 hồi năm 2018 mà một phần nguyên nhân được cho là vì bê bối liên quan tới Quỹ đầu tư 1MDB do chính phủ thời ông Najib Razak thành lập và điều hành, BN-với lực lượng nòng cốt là Đảng Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO-chính đảng lớn nhất và lâu đời nhất tại Malaysia) của ông Ismail-đã có bề dày truyền thống với tư cách liên tục là lực lượng cầm quyền trong hơn 60 năm kể từ khi Malaysia giành độc lập vào năm 1957. Những mâu thuẫn nội bộ khiến chính phủ của PH sụp đổ trong một thời gian ngắn sau đó đã đưa UMNO từng bước trở lại với tư cách là một phần của liên minh cầm quyền mới.
Quyết định của ông Ismail giải tán Hạ viện để mở đường cho cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn được xem là bước đi chiến lược nhằm tận dụng đà thắng lợi của BN từ các cuộc bầu cử địa phương gần đây, cũng như thành tích mà chính phủ liên minh của ông đạt được trong hơn một năm cầm quyền vừa qua.
Còn nhớ ông Ismail tiếp quản “ghế nóng” hồi tháng 8 năm ngoái giữa lúc tranh chấp đảng phái đang ở giai đoạn cao trào và dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Malaysia. Thế nhưng, việc nhanh chóng ký được Biên bản ghi nhớ (MOU) với liên minh đối lập lớn nhất là PH-đánh dấu một sự kiện lịch sử chưa từng có trên chính trường Malaysia-đã giúp gác lại những bất đồng chính trị, tạo điều kiện để chính phủ liên minh của ông Ismail có “không gian” tập trung vào việc khôi phục kinh tế. Nhờ đó, nền kinh tế Malaysia ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5% trong quý I, rồi tăng lên 8,9% trong quý II và 14,2% trong quý III-2022.
Mặc dù BN bước vào cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 với lợi thế nhất định như vậy, song cũng cần lưu ý rằng, có tới hơn 21 triệu cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu, tăng gần 6 triệu người so với cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 hồi năm 2018 mà một phần nguyên nhân là do luật hạ độ tuổi cử tri từ 21 xuống 18 tuổi bắt đầu được áp dụng. Đó là chưa kể số lượng cử tri trẻ tuổi đăng ký tham gia bỏ phiếu chiếm khoảng 27%.
Đây là những con số được nhìn nhận có khả năng “làm thay đổi cuộc chơi”. Bloomberg dẫn kết quả khảo sát trước thềm bầu cử của Trung tâm Merdeka-một hãng phân tích dư luận tại Malaysia cho thấy, tỷ lệ ủng hộ đối với BN và PH là khá sít sao trong khi có tới 31% cử tri vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho đảng hay liên minh chính trị nào. Tất cả điều này khiến cuộc chạy đua hôm nay trở nên càng khó đoán định, thậm chí không loại trừ khả năng không có đảng hoặc liên minh chính trị nào giành đủ 112 ghế, mà thay vào đó sẽ phải liên minh để đứng ra thành lập chính phủ mới.
Cho dù cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 tại Malaysia có gay cấn thế nào đi chăng nữa thì điều cốt lõi vẫn là các đảng và liên minh chính trị cần đề cao lợi ích quốc gia-dân tộc, hướng tới thành lập một chính phủ cầm quyền mới và ổn định. Bởi, bảo đảm ổn định chính trị và thịnh vượng kinh tế vì hạnh phúc của người dân là quan trọng nhất đối với một quốc gia vững mạnh, như khẳng định của Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah Ri'ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah.
HOÀNG VŨ
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.