Đà Nẵng: Quyết liệt các giải pháp chống ngập lụt
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Đà Nẵng liên tiếp xảy ra tình trạng ngập lụt, ngập úng tại các khu dân cư, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Dù địa phương đã triển khai hàng loạt giải pháp để giải quyết tình trạng này nhưng qua vài trận mưa đầu mùa với lưu lượng lớn trong thời gian ngắn vẫn khiến một số tuyến đường nội bộ của Đà Nẵng bị ngập cục bộ. Thực trạng trên cho thấy những bất cập tại đô thị ven biển này và sự cần thiết phải triển khai quyết liệt các giải pháp chống ngập lụt.
Vì sao cứ mưa là ngập?
Tháng 10-2022, Đà Nẵng xảy ra trận ngập lịch sử, toàn thành phố có gần 70.000 nhà dân bị ngập, hàng nghìn ô tô và xe máy hư hỏng, tổng thiệt hại vật chất sau trận mưa lũ lịch sử ấy lên đến gần 1.500 tỷ đồng. Đúng một năm sau, Đà Nẵng lại chịu đợt mưa lớn kéo dài và toàn thành phố xảy ra hàng trăm điểm ngập.
Đợt mưa gần nhất từ ngày 7 đến 20-10-2023, lượng mưa đo được cao nhất tại Đà Nẵng từ 600mm đến gần 800mm, các tuyến đường trung tâm của thành phố như: Hoàng Diệu, Nguyễn Văn Linh, Hùng Vương, Quang Trung, Ngã Ba Huế-Tôn Đức Thắng... lại chìm trong biển nước khiến giao thông ách tắc, người dân vô cùng bất an. Còn tại các khu dân cư, khu vực Khe Cạn (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), khu dân cư ven đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) lại bị ngập sâu trong nước, có chỗ đến 2m. Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Năm, người dân khu dân cư ven đường Mẹ Suốt cho biết: “Mỗi lần mưa lớn là gia đình tôi lại lo lắng. Mỗi lần nghe tin cảnh báo là gia đình phải thu dọn đồ đạc lên cao và đi sơ tán ngay. Giờ chỉ có cách là “chạy theo con nước” trong những trận mưa lớn chứ nói gì đến việc buôn bán, làm ăn”.
Sau đợt mưa ngập giữa tháng 10-2023, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Xây dựng thành phố, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng và các ban quản lý dự án làm rõ nguyên nhân, mổ xẻ những bất cập dẫn tới tình trạng ngập lụt. Theo đó, Sở Xây dựng thành phố cho rằng, tần suất xuất hiện các trận mưa có cường độ lớn ngày càng nhiều, vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có. Hơn nữa, các trận mưa lớn thường xảy ra tại thời điểm điều kiện thủy văn bất lợi, mực nước triều cường cao hơn đáy cửa xả nên hạn chế khả năng tự chảy của cống. Ngoài ra, hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố.
Các tuyến đường chính tại trung tâm TP Đà Nẵng liên tục bị ngập, giao thông đi lại khó khăn. |
Cùng chung nhận định này, TS Lê Hùng, Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho rằng: "Nguyên nhân gây ngập tại Đà Nẵng thời gian qua là việc quá nhiều tuyến đường giao thông như cao tốc, vành đai phía Tây... chưa được xem xét kỹ về vấn đề thoát lũ, dẫn đến số lượng cống bố trí vẫn còn hạn chế, làm cản trở dòng chảy và khiến nhiều khu vực bị ngập sâu. Mặt khác, tại khu vực trung tâm, việc bố trí các cống thoát nước, phân chia lưu vực hứng nước chưa thật sự hợp lý, làm nhiều khu vực quá tải, trong khi thành phố đang có quá ít các trục thoát nước chính thoát ra cửa sông và biển, dẫn đến việc ngập cục bộ ngày càng gia tăng".
Lý giải cho tình trạng gia tăng ngập lụt ở Đà Nẵng, kỹ sư Nguyễn Văn Chung, nguyên Phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng nêu vấn đề, hệ thống thoát nước của Đà Nẵng chắp vá, có những cống, mương thoát nước được xây dựng từ thời Pháp, Mỹ bằng gạch vòm, hệ thống cống ở nhiều khu vực lõi trung tâm thành phố vẫn chưa được làm lại. Bên cạnh đó, một số công trình xây dựng mới xử lý chưa phù hợp, chưa triệt để. Thêm vào đó, mặt phủ của TP Đà Nẵng đã bị bê tông hóa với mật độ quá cao, trong khi các hồ điều tiết chứa nước trên địa bàn quá nhỏ. Ngoài ra, công tác duy tu, bảo dưỡng chưa tốt, công nghệ quản lý hệ thống cống ngầm quá lạc hậu...
Giải pháp khắc phục ngập úng trước mắt và lâu dài
Qua phân tích nguyên nhân ngập lụt tại Đà Nẵng từ các chuyên gia, các nhà khoa học cho thấy rõ thực tế nguyên nhân ngập lụt là do quá trình đô thị hóa phát triển ở vùng thoát lũ, vùng trữ nước, trong khi đó hạ tầng thoát nước đầu tư không theo kịp với tốc độ. Trước mắt, TP Đà Nẵng đã đưa ra những giải pháp bước đầu để giải quyết tình trạng ngập lụt khi mưa lớn và cần phải triển khai đồng bộ hơn nữa các giải pháp lâu dài để phát triển kinh tế-xã hội, tạo sự yên tâm cho người dân.
Trao đổi về bài toán ngập lụt đô thị trên diện rộng, TS Lê Hùng cho biết: “TP Đà Nẵng cần sớm hoàn thành cắm mốc ranh giới hành lang thoát lũ cho các lưu vực sông trên địa bàn, xem xét, đánh giá, thẩm định, thẩm tra kỹ các công trình giao thông gây cản trở dòng chảy lũ; đồng thời, đánh giá chuẩn xác hơn các đồ án thiết kế quá trình thẩm định, thẩm tra những dự án thoát nước Đà Nẵng cần mở rộng. Cần bố trí thêm nhiều cửa xả ra các sông như ở vị trí đường Hà Khê ra biển, cầu Đa Cô, cửa xả đoạn từ cầu Trần Thị Lý đến công viên Châu Á và phân vùng thoát nước theo các lưu vực cho hợp lý. Một giải pháp phi công trình cũng vô cùng quan trọng là xây dựng bản đồ ngập lụt đô thị ứng với 3-5 cấp độ mưa, bản đồ hướng di chuyển tránh các điểm ngập; tập huấn, phổ biến cho từng hộ dân tải các phần mềm dự báo thời tiết để từ đó chủ động ứng phó”.
Theo ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, hiện tại, các cơ quan chức năng đang tập trung vào các giải pháp trước mắt là nâng cao năng lực hệ thống thoát nước để đưa nước mưa trên bề mặt xuống đường cống nhanh nhất; xử lý vấn đề nghẽn tại các hố thu, rác bít miệng cống. Thành phố đang triển khai đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước, dự kiến đến tháng 12-2023 sẽ triển khai đánh giá các hệ thống thoát nước hiện hữu và đề xuất các giải pháp căn cơ để xử lý tình trạng này. UBND TP Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên và những đơn vị tổ chức lập quy hoạch phân khu, trong đó phải ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa.
Liên quan đến giải pháp chủ động ứng phó với tình trạng ngập lụt tại TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu UBND các quận, huyện; Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cùng các chủ đầu tư (đối với các dự án, công trình chưa bàn giao hạng mục thoát nước) chủ động triển khai quyết liệt công tác ra quân khơi thông cửa thu, mương thu nước và nạo vét cống rãnh trong mùa mưa lũ, tránh hình thức dẫn đến không có kết quả cụ thể. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị xem đây là nhiệm vụ chính trị phải được quan tâm triển khai thường xuyên, liên tục; đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, bảo đảm sự hoạt động hiệu quả của hệ thống thoát nước, không để tái diễn tình trạng trám lấp cửa thu sau khi được khơi thông, nạo vét.
Bài và ảnh: KIM NGÂN
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.