• Click để copy

Đặc trưng tư duy và tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa, con người Việt Nam

1. Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong nhiều năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm đến tất cả lĩnh vực quan trọng của đất nước. Trong từng lĩnh vực, Tổng Bí thư đã thay mặt Đảng đúc kết những vấn đề lý luận hệ trọng nhất, chỉ đạo sự phát triển của đất nước thời kỳ đổi mới.

Kết quả tổng quát mang ý nghĩa lịch sử và tầm vóc lớn chính là khẳng định theo quan điểm đổi mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Trong các vấn đề được đề cập, vấn đề văn hóa và con người Việt Nam được Tổng Bí thư dành nhiều tâm huyết, sự thấu hiểu và trân trọng. Một thời gian dài với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí đã trực tiếp phụ trách lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và khoa giáo. Song không chỉ có vậy, từ thời tuổi trẻ, đồng chí đã say mê văn hóa, văn học, tích lũy cả tri thức và tình yêu trong lĩnh vực tinh tế và cực kỳ phong phú này.

Yêu văn hóa gắn với yêu con người, vì thế, khi viết về văn hóa dân tộc, Tổng Bí thư khẳng định: “Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy ngàn năm để lại. Chúng ta có trách nhiệm giữ gìn, trân trọng, phát huy, nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với cha ông” (Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr.50).

Đặc trưng tư duy và tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa, con người Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các văn nghệ sĩ, trí thức, đại biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021. Ảnh: TRẦN HUẤN 

2. Với vị trí và cương vị của mình, khi nghiên cứu, suy ngẫm về văn hóa, bao giờ trong tư duy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là sự thống nhất giữa yêu cầu chính trị với đặc trưng văn hóa. Từ đó, những nhận định, đánh giá của Tổng Bí thư đều mang sắc thái riêng, cách diễn đạt riêng, mà có thể gọi là “phong cách Nguyễn Phú Trọng” khi bàn về văn hóa, con người Việt Nam.

Khi tổng kết từ thực tiễn hàng nghìn năm văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư chỉ viết rất gọn: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, tức là nói đến vị trí, vai trò sâu thẳm nhất của văn hóa, tạo nên phẩm giá, bản lĩnh, vẻ đẹp, sức sống vĩnh hằng của dân tộc ta. Hoặc yêu cầu của Tổng Bí thư: “Làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách” vừa khẳng định sứ mệnh của văn hóa là thúc đẩy xây dựng con người về nhân cách, vừa chỉ ra đặc trưng của văn hóa chỉ qua một từ “tự”, nghĩa là văn hóa không giáo huấn, không “dạy dỗ”, mà bằng sức mạnh riêng có của mình, văn hóa giúp con người tự hoàn thiện nhân cách. Đó là sản phẩm của tư duy về văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không thấu hiểu vai trò xã hội của văn hóa trong sự gắn bó hữu cơ với đặc trưng độc đáo của nó, không thể diễn đạt cô đúc như vậy.

Tiếp cận nhanh và kịp thời với sự phát triển chuyển đổi số các lĩnh vực của đời sống đương đại, Tổng Bí thư chỉ ra yêu cầu “xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số”, đồng thời không đặt văn hóa trong thế bị động. Tổng Bí thư nêu ra một luận điểm mới “làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (Sđd, tr.46). Lâu nay, trong lý luận văn hóa của chúng ta hầu như ít đề cập đến chức năng là hệ điều tiết sự phát triển của văn hóa trên mọi lĩnh vực đời sống. Tổng Bí thư bằng tư duy nhạy bén của mình đã mở ra một hướng nghiên cứu mới rất quan trọng trong việc xây dựng, khai thác, phát huy sức mạnh của văn hóa thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Một đặc điểm nổi bật tạo nên phong cách Nguyễn Phú Trọng trong tư duy, lý luận về văn hóa là vận dụng nhuần nhuyễn, triệt để và khoa học phép biện chứng mác-xít. Những cặp phạm trù, những mối quan hệ biện chứng luôn được Tổng Bí thư sử dụng để lý giải, định hướng khi chỉ đạo xây dựng văn hóa. Cùng với việc làm sáng tỏ hơn nội hàm của luận điểm “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của nền văn hóa Việt Nam, Tổng Bí thư nhấn mạnh 4 cặp phạm trù tạo nên “đặc trưng bản chất” của nền văn hóa, đó là: Truyền thống-Hiện đại, Kế thừa-Phát triển, Dân tộc-Quốc tế, Nhân văn-Dân chủ-Khoa học.

Khi nói cần chấn hưng văn hóa, Tổng Bí thư không chỉ nêu riêng rẽ một yêu cầu đó, mà bao giờ cũng đồng thời chỉ ra quan hệ không thể tách rời giữa “đổi mới và chấn hưng” (Sđd, tr.43), giữa “chấn hưng và phát triển” (Sđd, tr.53) và “tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển” (Sđd, tr.44). Đặc trưng tư duy biện chứng này của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là định hướng rất quan trọng đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo văn hóa-một dòng chảy văn hóa đang biến đổi mạnh và phức tạp. Đó chính là cơ sở khoa học để định hướng, điều chỉnh, đánh giá đúng đắn dòng chảy văn hóa đó.

Trong tư duy lý luận về văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có hai cấp độ rõ rệt và quan hệ biện chứng với nhau. Một là, khẳng định những thành tựu, kết quả, đồng thời thẳng thắn, khách quan chỉ ra những hạn chế, yếu kém với mục tiêu cao hơn là nhận rõ xu hướng vận động và phát triển của văn hóa. Hai là, vừa chỉ ra những nhiệm vụ mang tầm chiến lược, vừa nhấn mạnh những vấn đề “nóng”, cấp bách, cần giải quyết trong đời sống văn hóa. Đó là đặc điểm xuyên suốt trong tư duy của Tổng Bí thư khi bàn về văn hóa, khi tổng kết thực tiễn đi tới đúc kết lý luận, nhằm xác định tư tưởng chỉ đạo trong phát triển văn hóa. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều dẫn chứng về đặc trưng này trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Xin lấy một dẫn chứng tiêu biểu.

Tổng Bí thư nêu quan điểm: “Trong quá trình đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt truyền cảm hứng chủ đạo trong bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội” (Sđd, tr.48). Đây là một định hướng mới vừa có ý nghĩa chiến lược vừa mang tính thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển khách quan của văn hóa và hiện đại. Có thời kỳ, người ta khó chấp nhận tính đa dạng của văn hóa, dẫn tới dấu hiệu “đồng phục”.

Lại có thời khuyến khích cái gọi là “tính đa dạng” một cách thiếu định hướng, dẫn tới những biểu hiện “nhố nhăng, phản cảm”, thậm chí “phản văn hóa, vô văn hóa” như Tổng Bí thư chỉ ra. Định hướng và xử lý khoa học, biện chứng giữa tính đa dạng và dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng như gợi mở của Tổng Bí thư là đòi hỏi khách quan, đồng thời là thách thức mới đối với lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và thực hành văn hóa ở nước ta.

Tư duy lý luận văn hóa xét ở góc độ khoa học là tư duy trừu tượng khái quát. Song, đặc trưng của văn hóa, đặc biệt là văn học-nghệ thuật, là tư duy hình tượng. Vì vậy, để thấu hiểu văn hóa, cần sự xử lý hài hòa giữa tư duy khoa học với năng lực cảm thụ, tình yêu và sự trân trọng các sáng tạo văn hóa-văn nghệ. Tư duy lý luận văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ đặc trưng đó. Đồng chí yêu văn học từ thời phổ thông, say mê văn hóa dân gian, thơ ca và nhạc, trân trọng các di sản văn hóa của cha ông.

Tôi nhớ, cách đây 60 năm (năm 1964) cùng với hàng trăm thanh niên ở quê hương, đồng chí đã không cầm được nước mắt khi cảm nhận sự hy sinh, nỗi đau tột cùng và sự kiên cường vô song của đồng bào miền Nam được kể lại chân thực trong tác phẩm “Những lá thư từ tuyến đầu Tổ quốc” từ miền Nam gửi ra miền Bắc. Tôi chứng kiến sự nghẹn ngào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đặt tay lên ngực, nhắc đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết về Bác Hồ: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.

Có lẽ tôi thống kê chưa đầy đủ, trong tác phẩm về văn hóa của mình, Tổng Bí thư đã hơn 20 lần trích dẫn thơ, nhạc và các tác giả nổi tiếng của dân tộc ta. Đặc trưng đó trong tư duy, cảm xúc đã giúp Tổng Bí thư thấu hiểu chiều sâu của văn hóa và làm nên sức thuyết phục trong các quan điểm về văn hóa và con người. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết văn hóa tạo nên nhân cách con người, để con người sống trong “sự phong phú của tâm hồn, tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng” (Sđd, tr.74), chống lại “lối sống thực dụng theo kiểu tất cả vì tiền, lạnh lùng, băng giá, vô lương tâm, vô đạo đức” (Sđd, tr.158).

3. Tầm nhìn về văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đại diện cho sự phát triển và thành tựu của Đảng về lý luận văn hóa từ đổi mới đến nay. Phần lớn các bài viết, phát biểu đều từ đổi mới. Vì vậy, các vấn đề cốt lõi về văn hóa thể hiện sự nhất quán và phát triển để tạo thành một hệ thống ngày càng hoàn thiện. Điều nổi bật trong công trình này là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã diễn đạt theo cách riêng của mình và tiếp tục nhấn mạnh, phát triển trên cơ sở tổng kết thực tiễn và dự báo trúng tình hình đang vận động. Theo hướng tư duy đó, Tổng Bí thư đã khẳng định những tư duy bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, làm rõ hơn những thành tựu lý luận của Đảng về văn hóa từ đổi mới, để từ đó nhấn mạnh, đi sâu và phát triển những nội dung mới.

Tiếp tục khẳng định quan điểm cốt lõi, xuyên suốt về phát triển văn hóa gắn chặt với xây dựng con người, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra hai nội dung mới. Một là, vai trò của văn hóa trong thời kỳ quá độ lâu dài, phức tạp ở nước ta đòi hỏi văn hóa phải thấu hiểu, tham gia vào cuộc “đấu tranh với nhau giữa cái mới và cái cũ, cái tốt và cái xấu, cái đúng và cái sai, cái giá trị truyền thống và cái mới du nhập, cái triển vọng và cái quá khứ” khi mà cuộc đấu tranh đó “nhiều khi chưa phân thắng bại. Trận tuyến lại không rõ ràng” (Sđd, tr.64). Hai là, trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, Tổng Bí thư khẳng định, xây dựng văn hóa là “một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cách mạng Việt Nam” (Sđd, tr.54).

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ngày nay, văn hóa còn được coi là một yếu tố có vai trò quyết định sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia, dân tộc” (Sđd, tr.50). Để làm tròn vai trò ngày càng lớn đó, Tổng Bí thư khẳng định: “Văn hóa là một nội dung quan trọng trong đột phá chiến lược và là động lực đột phá tạo ra nguồn lực nội sinh của phát triển bền vững” (Sđd, tr.44). Đó là sự nhấn mạnh và phát triển những quan điểm của Đảng về văn hóa thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII theo “phong cách tư duy” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cũng theo hướng đó, Tổng Bí thư đã có những kết luận mở về một vấn đề hệ trọng của văn hóa Việt Nam đương đại, đó là những gợi mở rất quan trọng có tính định hướng về các hệ giá trị văn hóa, gồm hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị của văn hóa và các chuẩn mực của con người Việt Nam. Trong khi ngoài xã hội đang có những biểu hiện lệch chuẩn, cả loạn chuẩn và các yếu tố ngoại lai-như Tổng Bí thư nhận định - xuất hiện và tác động rất phức tạp đối với sự lựa chọn của một bộ phận quần chúng, thì việc xác định các hệ giá trị trên trở nên cấp thiết.

Tổng Bí thư đã yêu cầu kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị hiện đại” (Sđd, tr.45) khi nghiên cứu, xác định các hệ giá trị trên. Đó là định hướng quan trọng, bởi hệ giá trị bao giờ cũng chứa đựng trong đó cái tốt đẹp, căn cốt, bền vững của quá khứ với cái đang định hình trong hiện tại và có vai trò định hướng trong tương lai.

Trong rất nhiều vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm, thì vấn đề xây dựng và phát triển đội ngũ sáng tạo và hoạt động văn hóa được nhấn mạnh một cách đặc biệt. Điều đó vừa khẳng định sự tin cậy rất chân thành về sự lớn mạnh, bản lĩnh, thủy chung với lý tưởng, gắn bó với Đảng, dân tộc và nhân dân, vừa thể hiện sự lo lắng, băn khoăn về những bất cập chưa được khắc phục trong xây dựng đội ngũ này.

Đảng ta đã nhấn mạnh nhiều lần nhiệm vụ này, Tổng Bí thư đã làm rõ hơn những nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược như “Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ này” (Sđd, tr.62), bảo đảm “sự thống nhất giữa phẩm chất chính trị và năng lực, trình độ chuyên môn, chuyên ngành” (Sđd, tr.43) và “cần những người có tài năng, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh” (Sđd, tr.249)... Đối chiếu với thực tiễn, những yêu cầu đó là một thách thức lớn đối với lĩnh vực văn hóa nói riêng. Đối với toàn bộ cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Cán bộ phải có văn hóa làm gốc” (Sđd, tr.105). Từ quan điểm sâu sắc trên, công trình về văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ dành cho văn hóa mà còn có giá trị lan tỏa trong toàn bộ đời sống xã hội, trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.

Giáo sư, Tiến sĩ ĐINH XUÂN DŨNG

Bài liên quan

Tin mới

Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng

Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.

Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập

Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.

Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12

Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.

Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.

Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên

Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.

Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam

Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.