Đại biểu Quốc hội: Cần có chế tài bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ tư, sáng 2-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Việc sửa đổi luật là phù hợp, cần thiết
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi lẽ, theo các đại biểu, hiện nay trên thế giới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã bao trùm lên mọi lĩnh vực, mọi mặt của đời sống xã hội với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử, nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới ra đời và phát triển. Vì vậy, đòi hỏi phải có cách tiếp cận phù hợp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam.
Mặt khác, nhiều quy định của luật đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế cũng như các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Việc sửa đổi luật lần này vừa khắc phục những bất cập của luật hiện hành, thực thi Hiến pháp năm 2013, đồng thời xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với các luật được Quốc hội ban hành từ năm 2011 đến nay nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật…
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Trong ảnh: Các đại biểu thảo luận tại tổ 12 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Bình Dương và TP Hải Phòng. Ảnh: VPQH |
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Triệu Thị Huyền (Đoàn Yên Bái) đồng tình với việc sửa đổi Luật Bảo vệ người tiêu dùng, nhằm khắc phục những hạn chế, mâu thuẫn và chồng chéo phát sinh sau 12 năm triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Việc sửa đổi luật, theo đại biểu cũng nhằm tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng trong việc bảo vệ người tiêu dùng.
Cùng với đó, đại biểu cũng cho rằng, việc sửa đổi luật cũng rất phù hợp với sự vận động, phát triển, cơ chế kinh tế thị trường cũng như sự phát triển của xã hội, sự tác động của dịch Covid-19 và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến hoạt động mua sắm, kinh doanh đã vượt qua khỏi hoạt động truyền thống.
Bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng thế nào?
Đại biểu Triệu Thị Huyền bày tỏ quan tâm đến việc bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng. Theo đại biểu, trong dự luật quy định, trong trường hợp thông tin bị tấn công và làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin phải thông báo cho cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ khi phát hiện ra sự cố.
“Tôi cho rằng ngay lúc này, người tiêu dùng cũng cần biết được thông tin của mình đang có nguy cơ bị rò rỉ, lộ lọt. Do đó, tôi đề nghị ban soạn thảo cần có nghiên cứu, bổ sung về cơ chế, hình thức để thông báo cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin với người tiêu dùng, để người tiêu dùng có phương án chủ động trong việc phòng ngừa các sự cố có thể xảy ra”, đại biểu nói.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình): Cần có chế tài bảo vệ người tiêu dùng giao dịch trên môi trường mạng. Ảnh: VPQH |
Cần có chế tài bảo vệ người tiêu dùng giao dịch trên môi trường mạng
Một số ý kiến đề nghị xem xét bổ sung quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch mua bán trên sàn thương mại điện tử, mua bán qua mạng cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) nhắc lại Điều 15 của dự luật quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật.
Nữ đại biểu cho rằng, trên thực tế hiện nay, đa số các giao dịch mua bán được thực hiện trên môi trường mạng, nhiều hàng hóa trên mạng so với thực tế rất khác nhau, nhiều người mua hàng bị lừa, nhận được những mặt hàng không giống như đã thỏa thuận trên mạng. Tuy thế, khi người tiêu dùng nhận được hàng không bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chất lượng mẫu mã vẫn không thực hiện được yêu cầu bồi thường. Thậm chí có những người bán hàng thoát khỏi giao dịch, gây bức xúc trong dư luận.
“Trong khi đó, chế tài xử lý hiện nay đối với những trường hợp này lại chưa có hoặc không kiểm soát được”, đại biểu nói và đề nghị dự thảo luật nên có quy định chặt chẽ, chi tiết hơn về vấn đề này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trong tình hình hiện nay.
Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) đề nghị rà soát lại những phương thức, cách thức giao dịch khác, đặc biệt là trách nhiệm của bên thứ ba có liên quan trong xu hướng giao dịch thương mại điện tử ngày càng phổ biến.
Đại biểu bày tỏ mong muốn các quy định về hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được quy định cụ thể và rõ ràng hơn trong bối cảnh ngày càng nhiều giao dịch có yếu tố nước ngoài, nhiều hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam cũng sử dụng các sản phẩm này…
NGUYỄN THẢO – CHIẾN THẮNG
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.