Đại sứ Lào Khamphao Ernthavanh: Không có chiến thắng nào mà không có sự hy sinh đóng góp của Quân tình nguyện Việt Nam
Trong lịch sử quan hệ quốc tế có nhiều mối quan hệ hợp tác, liên minh, tương trợ lẫn nhau, nhưng quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào là mối quan hệ đặc biệt, có một không hai trên thế giới.
Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, có lịch sử quan hệ lâu đời. Từ giữa thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, sau là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane và các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công xây dựng, vun đắp, quan hệ hai nước phát triển lên tầng bậc mới - quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện. Mối quan hệ đó là tài sản vô giá của hai dân tộc, là nhân tố góp phần vào thắng lợi của cách mạng mỗi nước, là quy luật phát triển chung của hai quốc gia Lào - Việt Nam. Đoàn kết, liên minh chiến đấu Lào - Việt trong chiến đấu chống kẻ thù chung là minh chứng tiêu biểu cho giá trị của mối quan hệ đặc biệt đó.
Vận mệnh đưa hai dân tộc xích lại gần nhau
Năm 1945, Lào và Việt Nam vừa giành được độc lập nhưng đã phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược trở lại của thực dân Pháp. Để bảo vệ thành quả cách mạng của mỗi nước và phát triển quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt (16-10-1945) và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt (30-10-1945).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hoàng thân Souphanouvong bàn kế hoạch phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào, năm 1953. Ảnh tư liệu |
Trên cơ sở đó, Việt Nam cử lực lượng quân sự sang giúp cách mạng Lào kháng chiến. Từ năm 1949, các ban cán sự Đảng phụ trách công tác giúp cách mạng Lào được thành lập ở từng miền của Lào; các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu giúp Lào tổ chức theo hệ thống riêng, lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện. Từ năm 1950, Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào dần được tổ chức thành các đoàn (tương đương trung đoàn), đặt dưới quyền tối cao của Chính phủ kháng chiến Lào, theo đường lối chính trị, quân sự của cách mạng Lào. Ở Trung Lào có Đoàn 280; ở Thượng Lào có các Đoàn 80, 81, 82, 83.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, những hoạt động quân sự liên tục, rộng khắp của liên quân Lào - Việt góp phần mở rộng vùng giải phóng và đẩy quân Pháp dần lâm vào thế bị động, phòng ngự trên chiến trường Đông Dương. Đặc biệt, những chiến thắng của liên quân Lào - Việt trong các chiến dịch ở Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào những năm 1953-1954 đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam giành thắng lợi quyết định ở Điện Biên Phủ (năm 1954), buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva (năm 1954), công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, theo đề nghị của Lào và để phù hợp với tình hình mới, phương thức hợp tác, giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Lào chuyển từ chế độ Cố vấn quân sự sang chế độ Chuyên gia quân sự và Quân tình nguyện. Theo đó, từ năm 1954-1958, Việt Nam cử Đoàn cố vấn quân sự 100 sang giúp cách mạng Lào xây dựng, bảo vệ căn cứ và phát triển lực lượng vũ trang, mở rộng vùng giải phóng.
“Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam không quản gian khó, hy sinh, tích cực giúp đỡ Quân đội và nhân dân Lào trên tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả, trong sáng vô tư, tôn trọng độc lập, chủ quyền, phong tục, tập quán của nhân dân các bộ tộc Lào.
Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh. |
Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam không chỉ trực tiếp phối hợp chiến đấu giúp cách mạng Lào đánh đuổi quân xâm lược, tiêu diệt bè lũ tay sai mà còn trực tiếp tham gia xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, phát triển kinh tế, văn hóa…, tạo lập, mở rộng hệ thống căn cứ kháng chiến trên khắp đất nước Lào. Nhờ thế, cách mạng Lào ngày càng phát triển, lớn mạnh, vững chắc, hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc vào năm 1975.
Từ năm 1976-1989, trước sự chống phá của các thế lực thù địch, thực hiện các hiệp định, hiệp ước giữa hai Chính phủ và hai Bộ Quốc phòng về hợp tác quân sự, quốc phòng, Việt Nam tiếp tục cử Chuyên gia quân sự và Quân tình nguyện sang giúp Lào xây dựng, phát triển lực lượng, củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, đồng thời phối hợp với các lực lượng của Lào chiến đấu đánh bại các âm mưu, hoạt động bạo loạn, lật đổ của các lực lượng phản cách mạng, bảo vệ vững chắc chính quyền nhân dân và chế độ dân chủ nhân dân Lào.
Sát cánh chiến đấu chống kẻ thù chung
Trong 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975) và hơn 10 năm đầu xây dựng, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân (1976-1989), Quân đội nhân dân Việt Nam đã kề vai sát cánh chiến đấu với tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, cùng Quân đội và nhân dân Lào giành nhiều thắng lợi to lớn trên chiến trường, từng bước làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chiến tranh, chống phá chính quyền cách mạng của địch, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Có thể khẳng định, liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam chống kẻ thù chung là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết trong sáng, thủy chung trong hợp tác, quan hệ quốc tế. Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp cách mạng Lào trong đấu tranh giành độc lập cũng như trong xây dựng và bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Lào - Việt, đúng như lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đã khẳng định: “Trên đất nước Lào, không có nơi nào mà không có dấu chân của Quân tình nguyện Việt Nam, không có chiến thắng nào mà không có sự hy sinh đóng góp của Quân tình nguyện Việt Nam”.
Hoàng thân Souphanouvong trao tặng đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam mặt trận miền Tây hai Huân chương Giải phóng. Ảnh tư liệu |
Ghi nhận những cống hiến, đóng góp đó, Đảng, Nhà nước Lào và Quân đội nhân dân Lào đã trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã từng chiến đấu, công tác ở Lào. Nhân dân các dân tộc Lào tin yêu, coi cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam như người thân, ruột thịt trong gia đình mình.
Hiện nay, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng Lào và Việt Nam, nhất là tìm cách chia rẽ tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam, xuyên tạc, bóp méo liên minh chiến đấu đặc biệt Lào - Việt Nam trong chống kẻ thù chung. Để góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào - Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác quân sự, quốc phòng giữa hai Nhà nước và hai Quân đội lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống đoàn kết, liên minh chiến đấu của hai nước trong lịch sử; cùng với đó đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết lịch sử, rút ra những bài học kinh nghiệm quý nhằm kế thừa, phát huy tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu bền chặt giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội hai nước Lào - Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đồng chí Khamphao Ernthavanh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.