Đằng sau sự hình thành một thế hệ khủng bố mới ở lục địa đen
Trong một bài viết mới đây, trang mạng Ahram Online (Ai Cập) cho rằng, một thế hệ khủng bố mới đang dần hình thành ở châu Phi.
Bài viết nhấn mạnh biến đổi khí hậu hiện là một thách thức an ninh chiến lược đối với các nỗ lực chống khủng bố tại châu Phi.
Bài viết dẫn báo cáo mới nhất của Tổ chức giám sát chống chủ nghĩa cực đoan Al-Azhar (AOCE) có trụ sở tại Cairo (Ai Cập) cho rằng, biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ xảy ra các hành động khủng bố ở những quốc gia đang phải đối mặt với các thách thức an ninh và tình trạng bất ổn cả về chính trị lẫn kinh tế. Các quốc gia này dễ bị tổn thương trước cái được gọi là "khủng bố khí hậu".
Khung cảnh đổ nát sau vụ đánh bom xe kép nhằm vào trụ sở Bộ Giáo dục Somalia ở thủ đô Mogadishu, tháng 10-2022. Ảnh: Getty Images |
"Tình trạng mất an ninh lương thực do các thảm họa liên quan đến khí hậu-ví dụ như lũ lụt, mưa bão, hạn hán, sa mạc hóa và nhiệt độ tăng-tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức vũ trang gia tăng vị thế và chiêu mộ các tay súng mới từ một thế hệ khốn khổ vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng suy thoái môi trường và các điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Những điều kiện này làm gia tăng tình trạng di cư, khiến các nhóm dân cư này dễ bị chiêu mộ bởi các nhóm chuyên lợi dụng khủng hoảng", trang mạng Ahram Online dẫn báo cáo của AOCE nêu rõ.
Một số nhóm chuyên lợi dụng khủng hoảng phải kể đến, theo báo cáo của AOCE, là phiến quân Boko Haram ở Nigeria và Al-Shabab ở Somalia. Báo cáo của AOCE giải thích rằng gần đây, các tổ chức khủng bố này có xu hướng áp dụng cùng một thủ đoạn, đó là vây hãm khiến những nhóm dân cư dễ bị tổn thương rơi vào cảnh đói kém, buộc phải rời bỏ nhà cửa. Sau đó, người dân buộc phải lựa chọn giữa việc đi xin ăn hoặc gia nhập hàng ngũ của các nhóm khủng bố để có cái ăn.
Trong khi đó, các nỗ lực chống khủng bố tại châu Phi, theo trang mạng Ahram Online, đã suy giảm rõ rệt, đặc biệt là sau khi các lực lượng Pháp rút khỏi Mali vào tháng 8-2022. Báo cáo của AOCE cho rằng việc quân đội một số nước châu Phi "không sẵn sàng" tự mình đối đầu với các tổ chức khủng bố cũng đồng nghĩa tạo điều kiện cho các tổ chức này gia tăng phạm vi ảnh hưởng.
"Các nhóm này thâm nhập vào các xã hội theo cách ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh và ổn định của các quốc gia, khiến họ rơi vào tình trạng bất ổn chính trị, từ đó thúc đẩy sự mở rộng của chủ nghĩa khủng bố và sự trỗi dậy của tất cả các loại tội phạm có tổ chức", báo cáo của AOCE nhấn mạnh.
Cùng với đó, trang mạng Ahram Online nhận định cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng có tác động nhất định tới các nỗ lực chống khủng bố tại châu Phi. Theo báo cáo của AOCE, Nga từng liên tục cung cấp nhiều hỗ trợ về quân sự và tình báo cho các quốc gia châu Phi, ký kết một số thỏa thuận hợp tác quân sự với các nước trong khu vực như Cộng hòa Trung Phi, Mali và Burkina Faso để chống lại các nhóm khủng bố.
Tuy nhiên, chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã buộc Nga phải thu hẹp sự hỗ trợ quân sự dành cho lục địa đen. Với Ukraine, cuộc xung đột với Nga cũng buộc Kiev phải rút các lực lượng đang tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại châu Phi. Động thái của Moscow và Kiev, theo báo cáo AOCE, chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến khoảng trống an ninh tại lục địa đen. "Các tổ chức khủng bố đã lợi dụng cuộc xung đột Nga-Ukraine, biến đổi khí hậu và khủng hoảng lương thực để thu hút, chiêu mộ một thế hệ thanh niên mới ở châu Phi...
AOCE đã kêu gọi các hành động tập thể để cung cấp đủ lương thực cho những khu vực khó khăn ở châu Phi. AOCE cũng hối thúc cộng đồng quốc tế cung cấp hỗ trợ tài chính cần thiết cho các phái bộ gìn giữ hòa bình trên khắp châu Phi để chống lại các tổ chức khủng bố và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của chúng, cũng như ngăn chặn các nỗ lực của chúng trong chiêu mộ thêm thành viên", trang mạng Ahram Online cho biết.
HOÀNG VŨ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.