• Click để copy

Đào tạo nhân lực - Thách thức lớn của ngành nông nghiệp

Từ hơn 10 năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Nông nghiệp phát triển đã đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế đất nước, song, bên cạnh các thành tựu, vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập: Tỷ lệ, chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp được đào tạo vẫn còn thấp, nhiều trường nông, lâm, thủy sản vẫn khó tuyển sinh. Điều này đã và đang đặt ra thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp.

Sinh viên ngành nông nghiệp giảm

Theo ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cả nước có khoảng 50 cơ sở đào tạo đại học với các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi. Tính đến năm 2022, các cơ sở đào tạo của Bộ NN-PTNT đã đào tạo 38 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; 39 ngành đào tạo thạc sĩ, 97 ngành đại học, 112 ngành cao đẳng, 122 ngành trung cấp.

 Bằng các nguồn kinh phí khác nhau, các cơ sở đào tạo đã đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, nhờ đó chất lượng đào tạo, bồi dưỡng từng bước được cải thiện, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, góp phần quan trọng cho việc hoàn thiện chính sách quản lý, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, góp phần đưa Việt Nam có vị trí cao trong số những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp còn bộc lộ một số tồn tại, thách thức như: Tỷ lệ lao động ngắn hạn, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên được đào tạo hiện chiếm tỷ lệ thấp dưới 5%; tỷ lệ học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản giảm hơn 30% so với giai đoạn 2011-2015. Điều này đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học-công nghệ và sản xuất, chế biến, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp; đặc biệt là mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa ngành NN-PTNT, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Ngô Hồng Giang cho rằng, một phần do thu nhập của lao động trong ngành nông, lâm và thủy sản thấp, chỉ bằng 50% so với các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa ảnh hưởng đến tâm lý đề cao những ngành phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, một số trường chưa chủ động đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Người học các ngành nông nghiệp chủ yếu là con em nông dân sinh sống ở nông thôn, miền núi, vùng khó khăn. Cùng với đó, điều kiện làm việc trong ngành lại vất vả, thu nhập của lao động làm việc trong ngành nông nghiệp thấp so với các ngành nghề khác, vị thế cũng kém hấp dẫn so với các ngành khác.

Đào tạo nhân lực - Thách thức lớn của ngành nông nghiệp
 Thu hoạch lúa Đông Xuân ở tỉnh Hải Dương. Ảnh: NGUYỄN KIỂM 

Ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia về nông nghiệp cho rằng, lao động trong nông nghiệp rủi ro hơn các ngành nghề khác trong khi môi trường làm việc lại ít được giao tiếp xã hội. Cùng đào tạo bậc đại học với 4 năm nhưng mức lương chỉ bằng khoảng 50-55% so với các ngành nghề khác khi đi làm... Những lý do này khiến nông nghiệp khó thu hút được người học.

Chị Đinh Phương Hồng, Giám đốc nhân sự khu vực miền Bắc, Công ty TNHH JAPFA COMFEED Việt Nam, cho biết: "Dẫu nhu cầu tuyển dụng của Công ty khá nhiều, mỗi tháng cần khoảng 70-80 lao động có chuyên môn về chăn nuôi, thú y, chế biến... làm việc tại các trang trại, nhưng do nhân lực thiếu hụt nên thực tế chúng tôi chỉ tuyển được khoảng 20-40 người/tháng".

Hợp tác đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc gắn học với hành, từ năm học 2017-2018 đến nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hợp tác, đưa gần 6.000 sinh viên đến hơn 250 doanh nghiệp, viện nghiên cứu để thực tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Hợp tác đào tạo trong đó có trường đại học với doanh nghiệp là sự sống còn để nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm giữa đào tạo với sử dụng. Cũng từ sự hợp tác này mà chất lượng đào tạo của trường được nâng lên, sát với yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động. Tuy nhiên, đôi khi sự hợp tác của một số doanh nghiệp với nhà trường chưa chặt chẽ, chưa sát với thực tiễn.

Đánh giá về vai trò của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đối với ngành NN-PTNT, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Đây vừa là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của ngành, vừa là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các trường, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp nông nghiệp.

Để đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông-lâm-ngư nghiệp, Bộ NN-PTNT đề ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030. Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ tuyển sinh bình quân hằng năm: 200 nghiên cứu sinh; 2.500 học viên cao học; 20.000 sinh viên đại học; 8.000 sinh viên cao đẳng, 20.000 học sinh trung cấp và 40.000 học sinh sơ cấp. 
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Để đạt được các mục tiêu này, thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp, sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Đồng thời, triển khai thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và phối hợp thực hiện các chương trình dự án có liên quan của Bộ NN-PTNT. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực NN-PTNT. Bên cạnh đó, nghiên cứu và mở rộng mô hình thí điểm đào tạo nhân lực nông nghiệp trình độ trung cấp trong các trường cao đẳng của Bộ NN-PTNT theo mô hình Nhật Bản dành cho học sinh học xong trung học cơ sở...

Về giải pháp thu hút, khuyến khích người vào học các trường, ngành nông nghiệp, ông Hoàng Trọng Thủy cho rằng, thời gian tới, Đảng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người học nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) như đối với ngành sư phạm hiện nay. Đối với các trường, học viện nông, lâm, thủy sản, để nâng chất lượng đào tạo và có sức hấp dẫn, thu hút người học, trước tiên phải đổi mới chương trình dạy học, học đi đôi với thực hành. Đồng thời quan tâm, chú trọng liên kết với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản lớn để đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, gắn đào tạo với sử dụng, tuyển dụng lao động...

Với những giải pháp Bộ NN-PTNT đã và đang tích cực triển khai thực hiện, hy vọng “cơn khát” trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ sớm được giải quyết trong thời gian tới, đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng: Xanh, sinh thái, thông minh và bền vững.

NGUYỄN KIỂM

Bài liên quan

Tin mới

Bão số 4: Quảng Bình kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, đảng viên không chấp hành di dời
Bão số 4: Quảng Bình kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, đảng viên không chấp hành di dời

Ngày 19-9, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm đã ký công điện về việc di dời người dân đến nơi an toàn để ứng phó với bão số 4 và mưa lớn.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó bão số 4
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó bão số 4

Trước diễn biến của bão số 4, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai các phương án phòng, chống và ứng phó.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV

Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Quốc hội Liên bang Nga Valentina Matvienko, ngày 18-9, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV bằng hình thức phát biểu ghi hình.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thăm cấp Nhà nước tới Cuba
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Từ ngày 21-27/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và sau đó sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cuba.

Khẩn trương di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp
Khẩn trương di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện ngay các giải pháp để di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp, thuộc diện phải phá dỡ theo quy định.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bão lũ
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bão lũ

Ngày 18-9, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết sẽ cung ứng bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bị bão lũ.