Đặt nền móng xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học”
Cách đây 80 năm, trong tình thế nước sôi lửa bỏng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã ra đời, trở thành bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng ta.
Đề cương đã trình bày một cách hệ thống các quan niệm, phạm trù, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa Việt Nam. Đề cương thể hiện một tầm nhìn xa, tư duy lý luận sắc bén, khả năng đúc kết thực tiễn sâu sát của một Đảng non trẻ mới có 13 năm lãnh đạo cách mạng. Với những nội dung, tư tưởng, quan điểm đầy sức thuyết phục và tính chiến đấu, Đề cương đã trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết, lôi cuốn, động viên giới trí thức, khoa học, văn học, nghệ thuật tích cực tham gia cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới.
Đến nay một số luận điểm, nguyên tắc, vấn đề cốt lõi của Đề cương vẫn giữ nguyên giá trị, có thể kế thừa, phát huy tác dụng trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, 3 nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa: “dân tộc hoá, đại chúng hoá, khoa học hoá”, chính là những tiền đề lý luận quan trọng để sau này Đảng ta xác định và làm rõ các tính chất, đặc trưng của văn hóa Việt Nam cũng như xác lập hệ giá trị văn hóa "dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học" hiện nay.
Trải qua 80 năm triển khai và kiểm nghiệm trong thực tiễn, có thể thấy sự kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển không ngừng của Đảng ta đối với những giá trị cốt lõi của Đề cương.
Trước hết, Đề cương đưa ra nguyên tắc dân tộc với hàm nghĩa “chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”. Đây là một nguyên tắc đúng đắn và cấp thiết, hoàn toàn phù hợp với ý nguyện của toàn thể dân tộc Việt Nam khi đó. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã nỗ lực không mệt mỏi đấu tranh vì một nền văn hóa độc lập, tự chủ, không lệ thuộc, chống lại sự đồng hóa của phong kiến phương Bắc, sự “khai hóa văn minh”của thực dân Pháp và “chính sách Đại Đông Á” của phát xít Nhật.
Du khách nước ngoài tham quan Hoàng thành Huế trong Quần thể di tích Cố đô Huế-Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: HIỆP DƯƠNG |
Nguyên tắc này chính là cơ sở để Đảng ta sau này phát triển lên thành tính chất dân tộc, đặc trưng dân tộc và hiện nay là giá trị dân tộc của nền văn hóa. Tuy nhiên, đến nay, nội hàm dân tộc còn được mở rộng, đào sâu và phát triển thêm. Bên cạnh việc “chống” các ảnh hưởng tiêu cực, mọi sự nô dịch, đồng hóa của các nền văn hóa bên ngoài, Đảng ta còn chủ trương tiếp thu, dân tộc hóa, “Việt hóa” những ảnh hưởng tốt đẹp của văn hóa thế giới để bồi bổ, làm giàu và nâng tầm cho văn hóa dân tộc. Đây chính là quá trình tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại, biến các giá trị đó thành “của mình”, qua lăng kính dân tộc mình, có chọn lọc và kiểm nghiệm, nhằm “thu nạp”, “thâu hóa” những giá trị tích cực, văn minh, tiến bộ của văn hóa thế giới.
Đảng ta cũng chủ trương, tính chất dân tộc phải dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa dân tộc, trong nỗ lực không ngừng bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống, di sản văn hóa của cha ông, những đặc trưng riêng có của văn hóa Việt Nam. Bản sắc dân tộc được kết tinh trong ý thức dân tộc, tâm hồn dân tộc, tính cách dân tộc, tâm lý dân tộc, di sản văn hóa của dân tộc. Bản sắc dân tộc sẽ tạo nên cốt cách, tinh hoa, “quốc hồn, quốc túy” cho văn hóa Việt Nam, bảo đảm sự trường tồn của dân tộc. Bản sắc văn hóa cũng góp phần tạo nên nội lực, bản lĩnh, sức đề kháng của văn hóa Việt Nam, giúp chúng ta “hòa nhập mà không hòa tan”, đứng vững trong cơn lốc toàn cầu hóa. Bản sắc văn hóa cũng trở thành đối trọng để chống lại sự xâm lăng văn hóa, bá quyền văn hóa trong hội nhập quốc tế hiện nay.
Bên cạnh đó, để khẳng định và lan tỏa giá trị dân tộc, trong bối cảnh hiện nay, cùng với quá trình dân tộc hóa, Đảng ta cũng chú trọng đến quá trình quốc tế hóa, tức là mang các giá trị văn hóa dân tộc quảng bá ra thế giới, thâm nhập vào các nền văn hóa khác. Khi văn hóa dân tộc phát triển ở trình độ cao, phát triển đến mức đủ sức chinh phục, cuốn hút các cộng đồng khác, thì văn hóa dân tộc đã mang tính quốc tế. Văn hóa càng có bản sắc dân tộc đậm nét thì càng được quốc tế hóa tương ứng. Ngược lại, càng được quốc tế hóa mạnh mẽ, thì càng làm giàu, củng cố bản sắc văn hóa dân tộc. Hàn Quốc là bài học rất thành công trong vấn đề này qua làn sóng Hallyu. Có như vậy, chúng ta mới không chỉ “nhận” mà còn “cho”, có những đóng góp vào bức tranh chung của văn hóa nhân loại.
Đề cương cũng đề ra rất xác đáng nguyên tắc đại chúng, với ý nghĩa “chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa rời quần chúng”. Trong thời điểm đó, đây là một nguyên tắc vô cùng mới và tiến bộ. Lần đầu tiên trong lịch sử văn hóa dân tộc, quần chúng nhân dân lao động được xác định vừa là đối tượng, vừa là chủ thể chính của văn hóa. Trong nền giáo dục phong kiến Nho giáo trước đó cũng như Tây học sau này, trong xã hội Việt Nam chỉ có một bộ phận nhỏ có điều kiện tiếp thu học vấn và sáng tạo văn hóa. Nguyên tắc đại chúng đã góp phần đưa văn hóa Việt Nam xích gần hơn với quảng đại quần chúng, văn hóa-nghệ thuật không còn là đặc quyền, đặc lợi của thiểu số, mà trở thành tài sản chung của toàn dân. Nguyên tắc này đã giúp Việt Nam từ một nước có trên 90% dân số mù chữ, chữ viết kém phát triển trở thành một nước có nền văn hóa mới, tiến bộ với những thành tựu chưa từng có trong lịch sử.
Trong quá trình đấu tranh cách mạng, nguyên tắc đại chúng ngày càng được Đảng ta phát triển, hoàn thiện. Đại chúng được hiểu là quảng đại quần chúng, quần chúng nhân dân. Ngay từ năm 1957, trong thư gửi Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, đồng chí Trường Chinh thay mặt Trung ương Đảng đã diễn giải rõ hơn: “Văn nghệ có tính dân tộc, khoa học, đại chúng, hay nói một cách khác, có tính chất dân tộc, hiện thực, nhân dân”. Đây cũng là một chân lý vĩnh hằng, bởi vì văn hóa bao giờ cũng là sản phẩm sáng tạo của cả một dân tộc. Thêm nữa, nền văn hóa Việt Nam chỉ có thể “đậm đà bản sắc dân tộc” khi nó được nuôi dưỡng trong bầu khí quyển của văn hóa toàn dân, nhất là văn hóa dân gian, văn hóa các tộc người.
Đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, tính chất nhân dân đã được Đảng ta phát triển lên thành đặc trưng dân chủ của nền văn hóa. Dân chủ thể hiện là nền văn hóa của dân, do dân và vì dân. Người dân được trao toàn quyền sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, đóng vai trò chủ thể chính trong vận động và phát triển văn hóa.
Trong bối cảnh hiện nay, Đảng ta cũng chủ trương bên cạnh việc quan tâm phát triển văn hóa đại chúng nhằm bảo đảm phổ cập văn hóa cho toàn dân và quyền bình đẳng về văn hóa thì cũng cần chú trọng phát triển văn hóa tinh hoa. Văn hóa tinh hoa là văn hóa của tầng lớp ưu tú trong xã hội, đúc kết tinh hoa của đại chúng, đại biểu cho trí tuệ của đại chúng, sáng tạo nên văn hóa bác học, văn hóa đỉnh cao. Tuy chiếm số ít, nhưng đây mới là bộ phận tạo ra những bước ngoặt về tư tưởng, học thuật, khoa học. Nếu giới trí thức tinh hoa bị suy thoái thì dân tộc rất dễ bị diệt vong về mặt tinh thần và đất nước khó có thể có những đột phá trên con đường phát triển.
Ngoài hai nguyên tắc trên, Đề cương cũng đề ra nguyên tắc khoa học với hàm nghĩa “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”. Khoa học còn là đấu tranh chống lại mọi hình thức lạc hậu, thần bí, phản khoa học, cản trở sự phát triển của văn hóa, đặt mọi vấn đề của văn hóa trên cơ sở khoa học, đề cao tư tưởng, học thuật, phát triển các ngành khoa học.
Đây cũng là nguyên tắc cực kỳ cần thiết và chính xác vào thời điểm đó, góp phần đấu tranh về nhận thức, tư tưởng, đả phá những học thuyết, tông phái sai trái, giúp trang bị cho giới trí thức, văn nghệ sĩ nền tảng lý luận chống lại các xu hướng bảo thủ, triết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm, quá trớn, phong kiến phục cổ, cải lương tư sản, để bảo vệ sự đúng đắn của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.
Sau này, tính chất khoa học của nền văn hóa được Đảng ta diễn giải rõ hơn và vận dụng sáng tạo trong khái niệm tiên tiến. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) khẳng định: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tiên tiến chỉ sự phát triển của nền văn hóa dựa trên thế giới quan khoa học và hệ tư tưởng tiên tiến. Tiên tiến còn hàm nghĩa những giá trị văn minh, hiện đại, tiến bộ...
Hiện nay, giá trị khoa học của nền văn hóa vẫn rất cần được vun đắp, tạo dựng, nhằm tiếp tục loại bỏ những hủ tục, trì trệ, những biểu hiện phản khoa học cản trở sự phát triển. Bên cạnh đó, mặc dù ngày nay khoa học kỹ thuật đã phát triển vượt bậc, trình độ dân trí được nâng cao, nhưng nhiều biểu hiện mê tín dị đoan, hủ tục cũ có cơ trỗi dậy và lan rộng; xuất hiện những hiện tượng mê tín dị đoan mới, các tà giáo, “đạo lạ”, học thuyết phản động... Do vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục đấu tranh, chỉnh đốn, phản bác. Bên cạnh đó, Đảng ta chủ trương cởi mở tiếp thu các thành tựu tiến bộ trong tư tưởng, học thuật, khoa học của thế giới. Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0, văn hóa Việt Nam sẽ không thể phát triển nếu không biết tiếp thu những tư tưởng, thành tựu mới của văn minh nhân loại. Tinh thần khoa học còn góp phần tạo dựng một môi trường nghiên cứu khoa học thực sự tự do, dân chủ, cầu thị. Khoa học trở thành cơ sở cho hoạt động chính trị, phục vụ chính trị, giúp làm chính trị một cách khoa học. Điều đó sẽ giúp chúng ta không sa vào giáo điều, máy móc, góp phần khai phóng trí tuệ, phát huy tinh thần độc lập khoa học.
Cùng với việc kế thừa và phát triển những giá trị cốt lõi của Đề cương, trong điều kiện hiện nay, Đảng ta còn điều chỉnh, bổ sung thêm những giá trị mới phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập. Đó trước hết là giá trị nhân văn của nền văn hóa. Nhân văn thể hiện là nền văn hóa đề cao lòng nhân ái, khoan dung, nghĩa tình, yêu thương con người, coi trọng con người. Nhân văn biểu hiện bản chất của con người, luôn hướng đích đến sự hoàn thiện, đến chân-thiện-mỹ. Tính nhân văn của nền văn hóa là cơ sở để giáo dục, bồi dưỡng nhân tính cho các cá nhân và cộng đồng, hướng tới xây dựng một xã hội hòa bình, ổn định, mang đậm tính người. Nhân văn cũng có nội hàm rộng hơn khái niệm “bác ái” của phương Tây ở chỗ còn hàm ý bảo vệ con người, đề cao nhân quyền, tôn trọng quyền con người.
Văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay là nền văn hóa trọng tình nghĩa, đề cao nhân phẩm, yêu thương con người, yêu thương đồng loại: “thương người như thể thương thân”. Tuy nhiên, trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay, lối sống vị kỷ, vô cảm, chà đạp lên tình nghĩa đang có chiều hướng gia tăng. Do vậy, rất cần củng cố, vun đắp giá trị này nhằm khôi phục lòng nhân ái, nghĩa tình vốn có trong văn hóa Việt Nam. Nhân văn cũng là một khái niệm phổ quát trong văn hóa nhân loại.
Cho đến nay, không ai có thể phủ nhận giá trị lịch sử to lớn của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943 cũng như vai trò tiên phong mở đường, đặt nền móng lý luận và thực tiễn cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Tinh thần chung của Đề cương vẫn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các văn kiện sau này của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, văn nghệ, góp phần định hướng nền văn hóa Việt Nam phát triển và vươn lên những tầm cao mới.
GS, TS TỪ THỊ LOAN - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.