• Click để copy

Dấu mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Uganda

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống nước Cộng hòa (CH) Uganda Yoweri Kaguta Museveni thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23 đến 25-11.

Là hoạt động trao đổi đoàn cấp nguyên thủ đầu tiên giữa Việt Nam và Uganda, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni mang ý nghĩa lịch sử to lớn, đặt dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt khi hai nước tiến tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (9-2-1973 / 9-2-2023).

Dấu mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Uganda

Tổng thống nước Cộng hòa Uganda Yoweri Kaguta Museveni. 

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các nhà lãnh đạo và nhân dân Uganda. Nước bạn đã thành lập Ủy ban Uganda đoàn kết với Việt Nam; ra Tuyên bố chung với Syria về việc hoàn toàn ủng hộ lập trường của Việt Nam và yêu cầu Mỹ rút toàn bộ quân đội khỏi Việt Nam nhân chuyến thăm Syria của Tổng thống Uganda vào đầu thập niên 1970. Bộ trưởng Ngoại giao Uganda đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 29 năm 1974. Sự ủng hộ của Uganda và các nước bạn bè châu Phi xa xôi là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần to lớn đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc.

Trên nền tảng quan hệ tốt đẹp từ quá khứ, mặc dù vị trí địa lý xa xôi, hiện nay quan hệ Việt Nam và Uganda vẫn được duy trì, phát triển trên nhiều lĩnh vực, như: Chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp. Hai bên tích cực ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc (LHQ). Uganda dành cho Việt Nam những lá phiếu ủng hộ để trở thành thành viên của các cơ quan, tổ chức của LHQ như Hội đồng Nhân quyền LHQ, Ủy ban Luật pháp quốc tế, Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ, Hội đồng Bảo an LHQ...

Với tiềm năng và nỗ lực thúc đẩy giao thương của cả hai nước, hợp tác thương mại, đầu tư đã chứng kiến sự khởi sắc. Kim ngạch thương mại trực tiếp năm 2021 đạt 14,3 triệu USD, tăng 39,8% so với năm 2020. Tính đến tháng 10-2022, Uganda có 3 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, Việt Nam có 2 dự án đầu tư sang Uganda với tổng mức đầu tư 35,5 triệu USD. Hai bên được đánh giá vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác về thương mại, nông nghiệp, giáo dục-đào tạo, thông tin-truyền thông. 

Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản được ký kết giữa hai nước năm 2019 đã tạo cơ sở để hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp đều rất giàu tiềm năng. Những năm qua, Uganda có nhiều mối quan tâm thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với Việt Nam, tích cực cử các đoàn sang làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, thăm thực địa vùng sản xuất cà phê tại Đắk Lắk (năm 2019). Ở Uganda, nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng, thu hút hơn 80% lực lượng lao động, có thế mạnh về chăn nuôi gia súc, đánh bắt cá và công nghiệp chế biến sữa. Đáng chú ý, Uganda đang thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ, ưu tiên phát triển nông nghiệp và các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; thực hiện Tầm nhìn 2040 trở thành nước có thu nhập trung bình; triển khai các chính sách thương mại-đầu tư thông thoáng nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài.  

Trong bối cảnh Uganda cũng như các nước châu Phi khẳng định coi trọng thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, chuyến thăm được trông đợi sẽ tạo tiền đề cho cả hai nước thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên xác định. Tình hình chính trị ổn định, các mục tiêu phát triển rõ ràng cùng những động lực tăng trưởng mạnh mẽ là giá trị chung và cũng là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam và Uganda thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong thời gian tới, tương xứng với tiềm năng của hai nước.

Là quốc gia ở Đông Phi, Uganda đang ngày càng gia tăng vai trò ở khu vực với việc tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ và giải quyết một số cuộc xung đột ở châu Phi. Uganda còn là thành viên của các tổ chức quốc tế đa phương, như: LHQ, Liên minh châu Phi (AU) và là quốc gia thuộc Cộng đồng Đông Phi (EAC), Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA)... 

Có thể thấy, Việt Nam và Uganda cùng chia sẻ mối quan tâm chung là thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế, tăng cường và mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế, gia tăng vai trò và trách nhiệm trong các vấn đề chung của thế giới, trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.

Trong điều kiện môi trường đang rất thuận lợi tạo đà để phát triển quan hệ Việt Nam-Uganda, chuyến thăm của Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni được tin tưởng sẽ tạo động lực mạnh mẽ để hai nước thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, khai thác các tiềm năng hợp tác mà hai bên có thế mạnh, vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trên thế giới.

QĐND

Tin mới

Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin

Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.

Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện

Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.

Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?

Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.

TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng

Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.

Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao

Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.

Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B

Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.