Đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng xã hội lành mạnh, kỷ cương
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ sáu (đợt 2), Quốc hội dành cả ngày 21-11 để thảo luận về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh
Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Chính phủ đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về trật tự xã hội; tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%, trong đó, nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại.
Trình bày báo cáo về công tác Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, ngành Tòa án đã tổ chức xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm như: Vụ án vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, vụ án xảy ra tại Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao…
Quang cảnh phiên họp. |
Báo cáo trước Quốc hội về công tác ngành Kiểm sát, Viện trưởng Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, toàn ngành tăng cường trách nhiệm công tố, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật; thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm.
Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, thực hiện nghiêm túc kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả hơn, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với nhiều nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Báo cáo nhấn mạnh, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung tội phạm gia tăng về số vụ, số người chết và thiệt hại về tài sản, điều này chứng tỏ công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực còn có mặt chưa đạt yêu cầu.
Hầu hết các loại tội phạm đều tăng, trong đó một số loại tội phạm tăng mạnh, như: Số vụ giết người tăng 12,65%, cướp tài sản tăng 44,4%, cướp giật tăng 17,68%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 61,52%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 67,85%, gây rối trật tự công cộng tăng 80,75%... Điều này không chỉ gây bất an trong nhân dân về trật tự, an toàn xã hội, còn thể hiện sự hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực.
Qua kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp (như các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, AIC, vụ chuyến bay giải cứu…), Ủy ban Tư pháp đề nghị các cơ quan hữu quan đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự trong thời gian tới.
Hoàn thiện thể chế, pháp luật
Để công tác tư pháp đạt được nhiều kết quả hơn, đại biểu Quốc hội đề nghị các báo cáo cần thể hiện nhiều hơn các kiến nghị để hoàn thiện thể chế, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng, những năm qua, báo cáo của hai cơ quan Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát đều nêu khó khăn về biên chế, tài chính chưa bố trí đảm bảo, nhiều áp lực, chưa đảm bảo thực thi nhiệm vụ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết. Do đó, đại biểu bày tỏ sự quan tâm về thực trạng biên chế và nhu cầu vị trí, việc làm, bao gồm cả vị trí, việc làm về chức danh tư pháp và vị trí, việc làm về hành chính, công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu số trong toàn ngành, tình trạng cán bộ ngành tư pháp nghỉ việc...
Đánh giá công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, đã đạt được những kết quả nhất định, một số đại biểu nhấn mạnh đến công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, tiêu cực ngay trong hoạt động tư pháp, đang là vấn đề được Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội rất quan tâm.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đề nghị cần có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội có hiệu lực trên thực tế và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động. Đặc biệt, trong quá trình xử lý những người vi phạm, cần có sự phân loại đối tượng như: Đối tượng chủ mưu, cầm đầu thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh; còn đối với những người vi phạm do thực hiện theo sự chỉ đạo của người đứng đầu, của cấp trên, cần được xem xét, có chính sách khoan hồng...
Tăng cường công tác phòng ngừa
Cuối phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm bày tỏ, với khối lượng công việc các cơ quan chức năng phải giải quyết trong năm 2023 rất lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nên việc còn những tồn tại, hạn chế cũng là điều khó tránh khỏi. Theo Bộ trưởng Bộ Công an, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên có những vấn đề có thể khắc phục được ngay, nhưng có vấn đề cũng cần phải có thời gian. Do đó, Chính phủ và Bộ Công an tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, trật tự, kỷ cương, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc, an toàn cho nhân dân.
Tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải thích về những băn khoăn: Vì sao càng chống, càng đấu tranh quyết liệt với tội phạm, tình trạng vi phạm pháp luật, phạm tội lại càng tăng lên? Theo Viện trưởng, vấn đề này có nhiều nguyên nhân.
“Việc quan tâm, coi trọng và tập trung cho công tác phòng ngừa để có thể chủ động ngăn chặn kịp thời là một trong những giải pháp ngăn chặn tội phạm từ gốc. Các giải pháp mà một số đại biểu Quốc hội đề xuất cũng nêu rõ là phải tăng cường công tác phòng ngừa. Tôi nghĩ rằng, công tác phòng ngừa liên quan đến cả công tác xây dựng pháp luật, cả việc hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội cùng phải tham gia đồng bộ… Có như vậy, công tác đấu tranh của chúng ta sẽ hiệu quả hơn”, Viện trưởng Lê Minh Trí nêu rõ.
Làm rõ thêm một số nội dung trọng tâm các đại biểu quan tâm, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, về xây dựng hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
TTXVN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.