Đề xuất chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản cao kỷ lục
Trong đề xuất ngân sách cho tài khóa 2024 (bắt đầu từ tháng 4-2024), Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề nghị hơn 7 nghìn tỷ yen (49 tỷ USD) cho chi tiêu quốc phòng. Nếu được thông qua, đây sẽ là khoản chi tiêu quốc phòng lớn nhất của nước này từ trước đến nay.
Kyodo News ngày 8-8 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay, động thái này phù hợp với Chiến lược an ninh quốc gia sửa đổi của Nhật Bản nhằm tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng hằng năm. Sự gia tăng chi tiêu này phản ánh nỗ lực của Tokyo trong giải quyết các thách thức an ninh ngày càng tăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nguồn tin cũng cho hay, trong đề xuất chi tiêu quốc phòng có khoản chi cho việc trang bị tên lửa tầm xa tự chế nhằm tăng cường khả năng phản công của Nhật Bản trước các cuộc tấn công của kẻ thù. Tokyo đặt mục tiêu mở rộng tầm bắn của tên lửa dẫn đường đất đối hạm Type-12 của Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản lên 1.000km so với 100km ở hiện tại, đồng thời phát triển vũ khí lượn tốc độ cao để bảo vệ các quần đảo xa xôi ở phía Tây Nam nước này.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ dành ngân sách cho việc đóng hai tàu khu trục được trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis do Mỹ phát triển. Theo dự kiến, các tàu khu trục này sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2028 như một giải pháp thay thế cho kế hoạch triển khai hai khẩu đội phòng thủ tên lửa Aegis Ashore trên đất liền ở Nhật Bản vốn đã bị hủy bỏ.
![]() |
Các thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sau cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ, Anh và Australia ở Funabashi (Nhật Bản), ngày 8-1. Ảnh: AFP |
Trong 30 năm qua, Nhật Bản đã duy trì ngân sách quốc phòng hằng năm bằng khoảng 1% GDP. Con số này thấp hơn mức chuẩn 2% của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thậm chí còn thấp hơn so với các đối tác trong khu vực như Hàn Quốc, Ấn Độ-những quốc gia có mức chi tiêu quốc phòng trung bình khoảng 2,5% GDP trong cùng thời kỳ.
Nhiều thập kỷ chi tiêu thấp đã khiến Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có cơ sở hạ tầng vật chất cũ kỹ, dự trữ đạn dược thấp, năng lực tiếp nhiên liệu, đổ bộ đường biển và không vận kém, cũng như lực lượng nhân sự quá mỏng do các vấn đề tuyển dụng và đãi ngộ. Giới phân tích quân sự nhận định, Tokyo cũng cần đầu tư mạnh mẽ để nâng cao năng lực tác chiến không gian mạng và đặc biệt, đầu tư xây dựng và tái cấu trúc các cơ sở công nghiệp quốc phòng trong nước để thúc đẩy năng lực sản xuất và xuất khẩu vũ khí của quốc gia này.
Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản đã công bố 3 văn kiện quan trọng về quốc phòng gồm: Chiến lược an ninh quốc gia sửa đổi, Chiến lược quốc phòng và Kế hoạch xây dựng quốc phòng. Trong Chiến lược an ninh quốc gia sửa đổi, quyết định tăng cường khả năng phản công của Nhật Bản đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh thời hậu chiến theo Hiến pháp của quốc gia này vốn chỉ tập trung vào phòng vệ.
Cùng với đó, Tokyo vạch ra lộ trình tăng ngân sách quốc phòng hằng năm đạt mức 2% GDP vào năm 2027-một con số có thể đưa quốc gia Đông Bắc Á này đứng vào top 3 nước có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới. Dường như lộ trình đó đang nỗ lực được triển khai, bởi nếu như trong năm tài khóa 2022, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản mới đạt 5,4 nghìn tỷ yen, thì con số này đã tăng lên 6,8 nghìn tỷ yen trong năm 2023 và dự kiến hơn 7 nghìn tỷ yen trong năm 2024.
Trong một diễn biến khác, Đài Truyền hình Nhật Bản NHK đưa tin, Thỏa thuận tiếp cận đối ứng-một thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và Australia sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 13-8, trong bối cảnh Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Australia tiến hành tổ chức các cuộc tập trận chung tại mỗi nước.
Thỏa thuận bao gồm các vấn đề như xử lý vũ khí đạn dược và quyền tài phán trong trường hợp xảy ra sự cố hoặc tai nạn. Đây là thỏa thuận đầu tiên thuộc loại này của Nhật Bản có hiệu lực, ngoài một thỏa thuận về tình trạng lực lượng mà Tokyo đã ký với Washington từ trước đó.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa tuyên bố việc Thỏa thuận tiếp cận đối ứng Nhật Bản-Australia được đưa vào thực thi cho thấy mối quan hệ gắn bó giữa hai quốc gia, đồng thời kỳ vọng thỏa thuận này là nền tảng thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh song phương, giúp bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
HÀ PHƯƠNG
Tin mới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó tổng thư ký thứ nhất Đảng Đại hội Dân tộc Phi
Ngày 20-5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó tổng thư ký thứ nhất Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền của Nam Phi, Nomvula Mokonyane đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.
Việt Nam - UNESCO: Chia sẻ các giá trị chung về văn hóa phục vụ phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới
Ngày 20-5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).
Bảo đảm cơ chế chính sách cho Trung tâm tài chính quốc tế mang tính đặc thù, vượt trội, hấp dẫn
Sáng 20-5, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
Sáng 20-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó thủ tướng chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025.
Xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Ngày 19-5, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 67/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đến hết tháng 7-2025 phải cơ bản hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia
Sáng 19-5, kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thành trung tâm để chào mừng, phục vụ Triển lãm thành tựu của đất nước dịp 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 / 19-8-2025) và Quốc khánh 2-9 (2-9-1945 / 2-9-2025). Cùng đi có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, TP Hà Nội.