• Click để copy

Dẹp nạn “xe dù, bến cóc”: Sao bao năm rồi mà vẫn loay hoay?

Nguyên nhân gốc rễ dẫn đến nạn “xe dù, bến cóc” gây mất trật tự, an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, đồng thời thất thu thuế rất lớn, là do có sự bất bình đẳng trong các quy định về quản lý xe khách tuyến cố định và xe chở khách theo hợp đồng.

Bộ Giao thông vận tải đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ. Góp ý với dự thảo nghị định này, nhiều chuyên gia vận tải cho rằng: Nếu không có chế tài chặt chẽ, khoa học để quản lý loại hình xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (đặc biệt là với xe từ 8 chỗ ngồi trở lên); đồng thời “cởi trói” cho xe ô tô vận chuyển hành khách tuyến cố định để bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa hai loại hình vận tải này, thì không thể dẹp vấn nạn xe hợp đồng “trá hình”. Điều đó đồng nghĩa với việc nước ta vẫn còn nạn “xe dù, bến cóc” gây bức xúc xã hội suốt hàng chục năm qua, dù báo chí đã đăng hàng vạn bài viết, phóng sự phát thanh - truyền hình phản ánh và Thủ tướng Chính phủ rất nhiều lần chỉ đạo phải xử lý dứt điểm, các cơ quan chức năng cũng đã tổ chức hàng trăm cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm để bàn cách giải quyết.

Dẹp nạn “xe dù, bến cóc”: Sao bao năm rồi mà vẫn loay hoay?
Trên đường Giải Phóng (Hà Nội) có nhiều nhà xe đăng ký chở khách theo hợp đồng nhưng công khai treo biển, đón-trả khách theo tuyến cố định liên tỉnh. Ảnh: HIẾU TRỌNG 

Nguyên nhân gốc rễ dẫn đến nạn “xe dù, bến cóc” gây mất trật tự, an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, đồng thời thất thu thuế rất lớn, là do có sự bất bình đẳng trong các quy định về quản lý xe khách tuyến cố định và xe chở khách theo hợp đồng. Cùng loại xe ô tô chở khách trên một tuyến, nhưng xe khách tuyến cố định phải đăng ký vào bến xe, mất phí bến bãi, nộp đủ thuế theo số lượng vé bán ra, chịu sự quản lý chặt chẽ của bến xe, phải chạy đúng giờ và đúng đường quy định, không được tự do đón-trả khách... Trong khi đó, xe hợp đồng không phải vào bến xe, được tự do vào nội đô để đón-trả khách, “né” được nhiều loại thuế, phí và ít bị quản lý...

Chính vì thoải mái hoạt động lại thu lãi cao nên đại đa số nhà xe đăng ký kinh doanh xe hợp đồng, rồi hoạt động “trá hình”, “lách luật” chở khách theo tuyến cố định. Còn xe khách đăng ký chạy tuyến cố định thì bị cạnh tranh bất bình đẳng, không lành mạnh, dẫn đến thua lỗ, nhiều nhà xe buộc phải bỏ bến để “chạy dù”.

Thực tế trên diễn ra đã nhiều năm, tạo nên nghịch lý: Bến xe được xây dựng rộng đẹp thì vắng vẻ; nhưng “bến cóc” lại mọc khắp nơi rất lộn xộn, gây ùn tắc giao thông, khiến người dân bức xúc. Bất hợp lý này đã phá vỡ trật tự, văn minh trong lĩnh vực vận tải hành khách đường bộ, làm cho bộ mặt các đô thị nhếch nhác mà hàng chục năm qua vẫn chưa giải quyết được. Điều nguy hại nữa là mặc dù lãnh đạo nước ta đã rất nhiều lần chỉ đạo nhưng “xe dù, bến cóc” vẫn ngang nhiên hoạt động, trở thành vấn nạn nhức nhối kéo dài, khiến người dân nghi ngại, mất niềm tin vào công tác quản lý của chính quyền, ảnh hưởng không nhỏ tới kỷ cương phép nước.

Những năm qua, nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vận tải đường bộ. Trước mỗi lần ban hành, cơ quan chức năng đều khẳng định những quy định mới sẽ giải quyết triệt để tình trạng xe hợp đồng “trá hình” và nạn “xe dù, bến cóc”. Song thực tế không phải như vậy, bởi những quy định chưa đủ chặt chẽ, còn nhiều khe hở tạo điều kiện cho “xe dù” lách luật và các lực lượng chức năng đều kêu “rất khó xử lý”.

Người dân kỳ vọng, Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ đang chuẩn bị ban hành sẽ bịt được những “lỗ hổng” của các văn bản quy phạm pháp luật trước đây, khắc phục triệt để những bất cập là nguyên nhân gốc rễ khiến xe hợp đồng “trá hình” bùng phát và nạn “xe dù, bến cóc”.

Để làm được như vậy, việc soạn thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ phải thật sự chặt chẽ, lắng nghe có chọn lọc các ý kiến đóng góp, không để “lợi ích nhóm” chi phối; luôn đặt lợi ích chung của đất nước, của cộng đồng xã hội lên trên lợi ích của một vài doanh nghiệp vận tải “láu cá” luôn tìm cách ngụy biện “vì sự thuận tiện đi lại của hành khách”. Lý do này mới nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng không thể vì sự thuận tiện của một bộ phận hành khách mà gây ách tắc giao thông, phá vỡ nguyên tắc, trật tự vận tải, gây hại cho cả cộng đồng xã hội. Chưa kể, theo quy định của pháp luật, kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của hàng triệu hành khách và toàn dân.

Đặc biệt, nghị định mới về hoạt động vận tải đường bộ cần quán triệt và triển khai cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về cuộc cách mạng chuyển đổi số và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn, nâng cao hiệu quả quản lý đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam bứt phá trong thời kỳ mới. Theo đó, cần phải có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn so với các văn bản quy phạm pháp luật trước đây về việc triệt để ứng dụng công nghệ số hiện đại vào công tác quản lý kinh doanh vận tải (như các nước tiên tiến đã triển khai) để bảo đảm sự minh bạch, khách quan, khoa học. Đây cũng chính là bí quyết phòng, chống vi phạm, tiêu cực trong lĩnh vực tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ này.

Hy vọng khi Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ đi vào cuộc sống, người dân sẽ không còn thắc mắc: Vì sao đã bao năm rồi mà chúng ta vẫn loay hoay, chưa dẹp được nạn “xe dù, bến cóc”?

HUY QUANG

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.