• Click để copy

Điện Biên: Thay đổi tư duy của người dân trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo

Giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi luôn là “bài toán khó”, nhất là tình trạng tái nghèo vẫn diễn ra ở nhiều địa phương do các nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, để “giải bài toán khó” này, nhiều năm qua các cấp, ngành của tỉnh Điện Biên đã từng bước gỡ “rào cản” trong tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên, giúp người dân vượt qua nghèo đói.

Cái khó “bó” cái khôn?

Ngay từ sáng sớm, chị Lò Thị Thủy, xã Mường Tùng, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) đã tất bật cho đàn lợn ăn. Công việc chăn nuôi tuy vất vả, bận rộn từ sáng đến tối, song với chị làm nhiều thành quen, giờ nếu không làm chị lại thấy khó chịu. Chị Thủy cho biết, trước kia gia đình chị cũng từng luẩn quẩn trong đói nghèo nhiều năm liền. Nhà 5 miệng ăn, cả năm chỉ trông vào hơn 1.000m2 ruộng. “Giật gấu vá vai” từ mùa này sang mùa khác. Điều khiến anh chị trăn trở nhất là mỗi lần con xin tiền đóng học phí mà không có. Nhiều lần vợ chồng tính toán phải làm gì đó, nhưng nghĩ đến việc không có tiền, anh chị lại thôi.

Thế rồi, cơ hội thoát nghèo cũng đến với gia đình chị. Là hội viên phụ nữ, chị Thủy được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, khi bàn với chồng, chị nhận được sự phản đối gay gắt với lý do: Vay rồi lấy gì trả? Nhiều lần sau đó, cán bộ xã, bản kiên trì đến nhà vận động. “Mưa dầm thấm lâu”, chồng chị Thủy cũng hiểu ra và quyết định vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế.

Điện Biên: Thay đổi tư duy của người dân trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo
Cán bộ xã Mường Tùng, huyện Mường Chà tuyên truyền nâng cao nhận thức về các chương trình xóa đói, giảm nghèo cho người dân. 

Dưới sự hướng dẫn của cán bộ địa phương, anh chị đầu tư nuôi lợn thịt. Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay gia đình chị Thủy đã xây dựng được khu vực chăn nuôi với quy mô hơn 30 con lợn thịt, ao cá và hàng trăm con gia cầm các loại. Mô hình chăn nuôi của chị mỗi năm mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng.

“Tôi nghĩ, làm giàu thì có thể khó, nhưng thoát nghèo thì nếu quyết tâm là được. Bây giờ các chương trình hỗ trợ, vay vốn rất nhiều. Nếu có nghị lực, ý chí thì thoát nghèo không khó. Mình không biết thì học, tìm hiểu ở những mô hình chăn nuôi thành công, chịu khó nghe đài, đọc sách báo, tham gia các khóa học do xã, huyện tổ chức thì sẽ có kinh nghiệm hơn”, chị Thủy tâm sự.

Chia sẻ về những khó khăn ở quê hương mình, ông Lò Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Mường Tùng tâm sự: Công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương nhiều năm gặp khó cũng do tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa làm đã sợ hỏng, sợ vay mượn không trả được. Hoặc nghèo về tư duy làm ăn, vay tiền rồi không biết đầu tư vào việc gì… của người dân. Một số chương trình, dự án đầu tư về địa phương, hỗ trợ toàn bộ giống, kỹ thuật song nhiều người không mặn mà cũng bởi tâm lý này.

Điện Biên: Thay đổi tư duy của người dân trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo
Cán bộ cùng nhân dân xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ cùng người dân trồng quế. 

Thế nhưng, sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đã xuất hiện nhiều mô hình, điểm sáng. Câu hỏi “liệu cái khó có bó cái khôn?” đã được trả lời bằng việc hàng nghìn hộ nghèo tự tin bước ra khỏi danh sách hộ nghèo mỗi năm. Cùng với lý lẽ này và thực tế thấy rằng, rõ ràng ý thức của người nghèo có ý nghĩa quyết định đến công tác giảm nghèo. Bởi trên thực tế, hiện nay Đảng, Nhà nước và địa phương đã và đang triển khai rất nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, với quyết tâm “cả nước chung tay vì người nghèo”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Khơi thông tư duy

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên được Trung ương giao tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 2.063 tỷ đồng. HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Từ cấp tỉnh, đến huyện, xã đều thành lập Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm tới từng thành viên.

Xác định rõ yếu tố “then chốt”, lợi thế của địa phương, UBND tỉnh đã ban hành riêng một kế hoạch truyền thông về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, chú trọng truyền thông cho nhóm đối tượng hưởng lợi từ chương trình như: Người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên các địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp.

Điện Biên: Thay đổi tư duy của người dân trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 (Quân khu 2) cùng cán bộ xã Si Pa Phìn tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân huyện Nậm Pồ, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. 
Điện Biên: Thay đổi tư duy của người dân trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 (Quân khu 2) hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc. 

Bên cạnh giúp người dân tiếp cận, hiểu hơn về các chương trình, mục tiêu hỗ trợ giảm nghèo cụ thể, các địa phương trong tỉnh đã hướng mạnh vào tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; tập trung đầu tư vào con người, nâng cao năng lực phát triển của người dân; vận động người dân vùng khó khăn, biên giới hiểu rõ về trách nhiệm của bản thân trong công cuộc giảm nghèo; nhân rộng các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.

Cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của hộ nghèo, các đối tượng yếu thế, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh đã giảm rõ rệt. Đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 25,68% (giảm 4,6% so với năm 2022), đạt hơn 116% so với kế hoạch. Trong đó, tại các huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,73% so với năm 2022, đạt hơn 122% kế hoạch. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong cả giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên phấn đấu mỗi năm giảm từ 4% trở lên tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều; trong đó, các huyện nghèo giảm trung bình từ 5,5% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 5% trở lên. Năm 2025, phấn đấu tỉnh có 2 huyện thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 18,9%.

Bài và ảnh: THÙY BIÊN

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.