DIỄN ĐÀN AN NINH LƯƠNG THỰC: GS Võ Tòng Xuân: "Không nên bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu gạo"
Sau Ấn Độ, UAE cũng vừa thông báo dừng xuất khẩu gạo. Nga cũng chính thức rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây sụt giảm sản lượng lúa gạo toàn cầu, thị trường lúa gạo đang nóng lên không ngừng. Nhiều ý kiến nhận định đây là cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Cơ hội ra sao và ngành lúa gạo Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cần làm gì để nâng tầm hạt gạo, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam. |
Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, mới đây có thêm Nga và UAE cũng cấm xuất khẩu đã khiến giá gạo trên thị trường thế giới tăng nhanh. Có ý kiến lo ngại, bối cảnh các nước đang cấm xuất khẩu gạo hoặc hạn chế xuất khẩu, lượng gạo dư thừa của chúng ta không đủ để xuất khẩu, trong khi vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Giáo sư có nhận định gì về cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam lúc này?
GS Võ Tòng Xuân: Bối cảnh hiện nay cho thấy, nguồn cung về lương thực sẽ ngày càng hiếm đi, Ấn Độ không đủ để xuất khẩu nữa, Thái Lan cũng giảm lượng gạo xuất khẩu của họ, bên cạnh đó còn giảm lượng đường do mía của Thái Lan cũng bị thiệt hại rất nặng. Do đó thời gian tới, không chỉ giá gạo tăng mà giá đường cũng sẽ tăng.
Trong khi đó Trung Quốc thì luôn thiếu gạo, tương tự như một số quốc gia khác như: Philippines, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile đều đang tranh mua gạo Việt với số lượng tăng 40% đến vài chục lần. Do đó chúng ta có thể đẩy mạnh sản xuất lúa, tăng lượng gạo xuất khẩu.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, các đối tác nhập khẩu đang chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua gạo. Họ tự trả giá cao hơn 20-40 USD/1 tấn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này.
Với lượng gạo hiện nay chúng ta đang có, cộng với lượng lúa sắp gặt tới đây, đồng thời tăng cường thêm lúa vụ 3, Việt Nam sẽ có đủ gạo cung cấp cho thị trường xuất khẩu gạo thế giới.
PV: Nhận định đây là thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu gạo của Việt Nam, phía Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có dự định tăng diện tích trồng lúa vụ Thu Đông 2023 thêm 50.000ha tại Đồng bằng sông Cửu Long. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?
GS Võ Tòng Xuân: Tôi nhất trí với chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo, bởi đây là một cơ hội rất tốt cho hạt gạo Việt Nam chúng ta, trước viễn cảnh các nước ở khu vực châu Á đều bị ảnh hưởng bởi El Nino và biến đổi khí hậu, hầu như nước nào cũng bị ảnh hưởng giảm sản lượng lúa gạo, trừ Việt Nam.
Kể từ khi có Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy hoạch lại vùng trồng lúa để tăng cường các vùng luôn luôn có nước ngọt. Tức là các vùng tiếp giáp với Campuchia, gồm phía Bắc của Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An... có thể trồng được khoảng 1,5 triệu ha lúa. Đây là những vùng không bao giờ thiếu nước ngọt, nước mặn không lên đó được, nên có thể coi đây là vùng an ninh lương thực của quốc gia.
Còn ở các vùng khác về phía biển, chúng ta không trồng lúa vào mùa hạn, vừa tốn kém nước ngọt - vốn đã ít ỏi trong mùa khô, lại vừa hiệu quả không cao. Theo đó mùa mưa tập trung trồng lúa rất tốt, hết mưa thì cho nước mặn vào để nuôi tôm, cá, dành nước ngọt cho vùng an ninh lương thực. Riêng ở vùng giữa, hiện nay nông dân vẫn trồng 3 vụ lúa, một số nơi chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, nhưng khi cần trồng lúa vụ 3 thì vẫn có thêm đất để trồng.
Ngoài quy hoạch và điều kiện thủy lợi, đặc điểm trồng lúa của bà con ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng rất đặc biệt, các nước khác không có. Ở các nước, giống lúa của họ dài ngày, phải bốn tháng mới được thu hoạch nên chỉ trồng được hai vụ lúa. Còn ở Việt Nam, nhờ kỹ thuật bố trí cơ cấu mùa vụ, quy hoạch vùng trồng một vụ, hai vụ, ba vụ, giống lúa có nhiều loại ngắn ngày, chỉ khoảng 90-100 ngày là thu hoạch được nên chúng ta có thể trồng được ba vụ, năng suất cao. Mấy năm nay chúng ta đưa thêm gen ngon cơm vào cây lúa, chất lượng càng tốt hơn nên hoàn toàn yên tâm. Trong khi đó, ở nhiều nước, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán cũng có những diễn biến ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo. Với bối cảnh như trên, tôi thấy rằng đây là thời cơ hiếm có cho hạt gạo Việt Nam nâng lên giá trị cao hơn. Chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội như năm 2008.
PV: Giáo sư vừa nhắc đến thời cơ năm 2008, vậy Giáo sư có thể chia sẻ rõ hơn về câu chuyện xuất khẩu gạo trong thời gian này?
GS Võ Tòng Xuân: Chúng ta có kinh nghiệm rất đau thương về xuất khẩu gạo năm 2008. Cũng cơ hội như thế nhưng chúng ta đã bỏ lỡ, chỉ có Thái Lan một mình một chợ.
Năm 2008 cả thế giới đều bị khủng hoảng về lương thực. Lúa mì, lúa gạo đều bị thất mùa. Khi đó, các nước nhập khẩu gạo lo bấn lên. Philippines là khách hàng nhập khẩu gạo lâu năm của ta, diện tích lúa của họ cũng bị thiệt hại rất nặng. Khi đó, giá gạo đang 350 USD/tấn, chính phủ Philippines bằng lòng mua với giá 800 USD/tấn.
Thế nhưng, khi đó chúng ta tưởng rằng giá gạo sẽ tiếp tục tăng cao hơn, rồi lo sợ thiếu gạo nên cấm xuất khẩu gạo, đánh mất cơ hội. Còn Thái Lan, họ tận dụng cơ hội bán gạo giá cao với 800-900 USD/tấn. Vì thế không phải lúc nào cũng có cơ hội tốt, chúng ta cần phải nắm bắt.
Với thế mạnh về lúa gạo, các chuyên gia nhận định Việt Nam không nên bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu gạo. |
PV: Vậy theo Giáo sư, chúng ta nên tận dụng cơ hội này như thế nào?
GS Võ Tòng Xuân: Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất tốt để gạo Việt vươn xa hơn, giá cao hơn. Nắm lấy cơ hội này, các doanh nghiệp không chỉ bán gạo, mà cần tận dụng cơ hội thuyết phục, ký hợp đồng dài hạn để những năm tới tiếp tục cung cấp gạo cho đối tác. Nắm bắt cơ hội giá lúa gạo hiện nay, các doanh nghiệp nên ký thêm các hợp đồng “tương lai” để xuất khẩu gạo trong năm tới với giá “tương lai” để đảm bảo chắn chắn đầu ra hạt gạo với giá cả hợp lý. Tôi nghĩ các doanh nghiệp nên ký thêm các hợp đồng với đối tác trong năm tới theo kiểu các nước trên thế giới đang bán cà phê, bắp theo giá tương lai. Bán theo giá tương lai, các doanh nghiệp chắc chắn có đầu ra. Các doanh nghiệp khi có đầu ra thì ngồi lại với chính quyền địa phương thuyết phục nông dân khoanh vùng trồng lúa theo đúng quy trình, chất lượng đã ký, từ đó hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nguyên liệu một cách đồng nhất, có thể truy xuất nguồn gốc để cung cấp gạo cho doanh nghiệp.
Như vậy, doanh nghiệp là người đi thương thảo hợp đồng xuất khẩu mang về giá cả hợp lý cho nông dân. Nhà nước có hai nhiệm vụ là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi để đầu tư trang thiết bị và tập hợp nông dân lại để tạo ra nguồn nguyên liệu; nông dân phải đổi mới bằng cách tham gia vào các hợp tác xã và chú trọng vào kỹ thuật canh tác góp phần nâng cao chất lượng hạt lúa. Chúng ta chỉ cần có 100-200 doanh nghiệp, mấy ngàn hợp tác xã như vậy thì nông dân sẽ không còn làm theo cảm tính, theo đám đông. Chúng ta làm theo quy trình chặt chẽ, theo hợp đồng với doanh nghiệp như vậy nông dân mới có thu nhập ổn định cao hơn. Đây là lúc doanh nghiệp, nhà nước và nông dân cần hợp tác chặt chẽ để tăng uy tín, chất lượng gạo Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!
THÚY AN (thực hiện)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.