Tuần qua, cả thế giới chung một mối lo đó là đảm bảo an ninh lương thực do sự xoay chuyển khó đoán từ xuất khẩu sang tích trữ của một số cường quốc xuất khẩu nông sản, những tác động của El Nino đến sản lượng lương thực.
Câu chuyện bắt đầu nóng lên khi Ấn Độ dừng xuất khẩu một số loại gạo thường. Sau đó đến Nga rút khỏi Thỏa thuận sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, đã đẩy giá lương thực thế giới bắt đầu tăng lên. An ninh lương thực toàn cầu càng thêm bấp bênh và có nguy cơ đẩy nhiều người vào cảnh thiếu đói.
Thỏa thuận sáng kiến ngũ cốc Biển Đen vốn được coi là phao cứu sinh đối với an ninh lương thực toàn cầu bị đổ vỡ đã gây ra một đòn giáng mạnh vào thị trường lương thực thế giới. Giá một số loại lương thực chủ chốt với người dân toàn cầu đã bật tăng.
Điểm lại tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam, từ năm 1989 chúng ta đã xuất khẩu gạo. Và từ đó đến nay chúng ta có 3 lần cấm xuất khẩu gạo đó là năm 1997 vì hiện tượng El Nino; năm 2008 khi khủng hoảng lương thực khu vực thế giới và một lần cấm là năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện. Theo tôi, những lần cấm xuất khẩu gạo như vậy chúng ta chưa tính toán chặt chẽ. Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo đã có những hệ lụy đối với doanh nghiệp và cả người nông dân. Vì thế, lần này, tôi nghĩ Chính phủ cần tính toán kỹ để không phải mắc sai lầm như năm 2008.
7 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 5 triệu tấn gạo, đạt giá trị kim ngạch gần 2,6 tỷ USD, tăng gần 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức trong bối cảnh biến động. Xuất khẩu được lợi về giá và thị trường nhưng Việt Nam không thể quên chú trọng vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như chuẩn bị nguồn hàng gối đầu để gia tăng kim ngạch khi được lợi về giá.
Với đặc thù sản xuất 1 năm 3 vụ lúa và cứ 3 tháng sẽ có 1 vụ lúa, vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam không đáng lo ngại. |
Riêng về vấn đề an ninh lương thực, Việt Nam không chỉ "nắm trong tay dạ dày" của 100 triệu dân, mà còn là nguồn cung lương thực cho nhiều quốc gia khác. Khi Việt Nam chủ động lên các kịch bản an ninh lương thực quốc gia đồng nghĩa chúng ta không chỉ đang bảo vệ mình, mà còn đang nỗ lực gìn giữ chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Với đặc thù sản xuất 1 năm 3 vụ lúa và cứ 3 tháng sẽ có 1 vụ lúa, theo tôi nghĩ vấn đề an ninh lương thực không đáng lo ngại. Minh chứng là dù vụ lúa hè thu chịu những tác động ngày càng rõ rệt của El Nino, nhưng ngành chức năng đã chủ động đẩy khung lịch thời vụ sớm hơn, tập trung vào cơ cấu giống lúa trung, ngắn ngày để né được hạn mặn, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng vẫn có thể đảm bảo hơn 10 triệu tấn thóc. Tính chung sản lượng cả nước trong năm nay là 43 triệu tấn thóc đủ đảm bảo an ninh lương thực trong nhiều kịch bản.
Trước xu thế tích trữ lương thực trên thế giới, Việt Nam cũng đã chủ động với công tác này. Tổng cục Dự trữ nhà nước đã lên phương án mức dự trữ tồn kho lớn nhất từ trước đến nay, có thể đáp ứng các nhu cầu đột biến trong nhiều trường hợp thiên tai, dịch bệnh.
THÚY AN (ghi)