Điều đặc biệt ở Lễ hội Gióng đền Phù Đổng 2024
Lễ hội Gióng đền Phù Đổng đang diễn ra tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch đặc sắc hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10-2024). Đặc biệt, năm nay, Lễ hội Gióng đền Phù Đổng được tổ chức dài ngày hơn mọi năm và có nhiều nét mới hấp dẫn.
Những điểm mới của Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2024
Lễ hội Gióng đền Phù Đổng là hội trận, được vua Lý Công Uẩn cho khởi tạo và tổ chức từ thời Lý; diễn ra từ ngày mồng 6 đến 9-4 (Âm lịch) hằng năm nhằm tái hiện lại các trận đánh oai hùng của Thánh Gióng – người con của làng Phù Đổng đánh giặc ngoại xâm phương Bắc. Lễ hội Gióng đền Phù Đổng được tổ chức tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng và các điểm du lịch có phần lễ và phần hội đan xen nhau cùng nhiều hoạt động văn hóa truyền thống.
Đền Phù Đổng (Đền Gióng) thờ Thánh Gióng, tương truyền được xây trên nền ngôi nhà nơi Thánh Gióng sinh ra. |
Theo đồng chí Nguyễn Văn Tài, Phó chủ tịch UBND xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, khác với mọi năm, Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2024 được tổ chức trong 10 ngày, từ ngày 8-5 đến 17-5 (tức mồng 1-4 đến mồng 10-4, năm Giáp Thìn). Điểm mới của lễ hội năm nay tập trung ở phần hội gồm: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra đa dạng hơn nhằm quảng bá và phát huy giá trị tinh thần của Lễ hội Gióng. Mọi hoạt động được tổ chức trên tinh thần vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm.
Trong đó, phần hội từ ngày 8-5 đến 17-5 (tức mồng 1 đến mồng 10-4, năm Giáp Thìn) với các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống như: Hát tuồng, cải lương, quan họ; hội thi “Tiếng hót chim chào mào”; chung kết hội thi “Tìm hiểu về di tích lịch sử” trên địa bàn huyện. Các hoạt động thể dục thể thao như: Giải chạy “Tinh thần Phù Đổng” năm 2024; thi đấu giải cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, vật dân tộc, tổ chức hội thi nấu cơm, muối cà dâng Đức Thánh Gióng…
Phần lễ diễn ra từ ngày 13-5 đến 16-5 (tức mồng 6 đến mùng 9-4, năm Giáp Thìn) gồm: Lễ tế Thánh tại đền Thượng; ngoại đàn tại sân đền Thượng; rước khám đường; lễ rước cỗ về đền Mẫu; hội trận truyền thống tại Soi Bia.
Bà Nguyễn Thị Dung, sống tại thôn Phù Đổng 3, tham dự Hội thi Nấu cơm cà muối dâng thánh chia sẻ: “Hội năm nay có nhiều hoạt động vui chơi hơn mọi năm. Đặc biệt, hội thi nấu cơm cà lần đầu tiên được tổ chức. Đây là sân chơi bổ ích, thú vị và giúp gắn kết dân làng với nhau cũng như giới thiệu rộng rãi về “đặc sản” của quê hương Thánh Gióng”.
Ban tổ chức lễ hội cũng đang tích cực xúc tiến việc quảng bá du lịch và lễ hội bằng việc khai trương các gian hàng “Chợ quê” trưng bày sản phẩm OCOP, nông sản và xúc tiến quảng bá du lịch Phù Đổng và du lịch Gia Lâm.
Nét văn hóa truyền thống độc đáo
Phần lễ ở Lễ hội Gióng đền Phù Đổng được coi là bảo tàng sống về tín ngưỡng dân gian và nghệ thuật trình diễn, với nhiều trò diễn xướng dân gian được tái hiện như: Hội trận gồm ba trận đánh của Thánh Gióng, các đám rước: Rước khám đường, rước nước, hát Ải Lao... Ông Vương Đình Khen, người dân thôn Phù Dực 2, xã Phù Đổng cho biết: “Hội Gióng là một ngày hội toàn dân đúng nghĩa, với sự tham gia của tất cả các thôn làng, do nhân dân duy trì và thực hành, không hề có sự dàn dựng, tham gia của bất kỳ đạo diễn, diễn viên chuyên nghiệp nào”.
Ông Hiệu chiêng thực hiện nghi thức múa đánh chiêng, chỉ huy đội quân cánh hữu trong đoàn quân Thánh Gióng ra trận. |
Trong hội trận, vai diễn Ông Hiệu được cho là cao cả nhất. Lễ hội đã lựa chọn các Ông Hiệu từ 20-3 (Âm lịch), bao gồm: Ông Hiệu cờ là người thôn Đổng Xuyên; ông Hiệu Trung quân người thôn Phù Đổng; ông Hiệu chiêng người thôn Phù Dực; ông Hiệu trống người thôn Đổng Viên.
Từ khi nhận vai, các Ông Hiệu ở trong dinh riêng, ăn chay và trai giới nghiêm mật; không ai được tiếp xúc, kể cả cha mẹ. Phục vụ riêng một ông Hiệu có sáu người hầu, chỉ sáu người này với thầy dạy mới được nói chuyện. Đội quân của mỗi Ông Hiệu có khoảng trên dưới 40 người luôn theo sát trong những ngày hội.
Ông Nguyễn Văn Huy, thầy dạy lễ nghi cho Ông Hiệu chiêng chia sẻ: Trong hội trận, mỗi Ông Hiệu có ý nghĩa và nhiệm vụ riêng. Ông Hiệu cờ tượng trưng cho uy nghiêm Thánh Gióng, phất cờ lệnh trong các trận đánh. Ông Hiệu trống và Ông Hiệu chiêng luân phiên đánh trống - chiêng thể hiện cho lệnh xuất quân – thu quân nhịp nhàng của đoàn quân Thánh Gióng. Ông Hiệu Trung quân tượng trưng cho quan triều đình Hùng Vương, đánh trống, điều khiển toàn bộ hội trận. Bốn Ông Hiệu tượng trưng cho sức mạnh của Phù Đổng Thiên Vương, là nhân vật trung tâm, là linh hồn của hội Gióng.
“Lễ hội Gióng chính là niềm tự hào của người dân làng Phù Đổng. Khi tái hiện lại trận đánh hào hùng của Thánh Gióng, người tham dự và khách thập phương được hiểu hơn về lịch sử, văn hóa nước ta từ thời xa xưa”, ông Nguyễn Văn Huy cho biết thêm.
Ngoài các Ông Hiệu, hội trận còn có sự tham gia của đội quân Phù Giá 70 người (mỗi thôn 10 người); Xướng Xuất 4 người (chọn trong đội Phù Giá); đoàn Ải Lao 30 người; làng Áo Đỏ 34 em; làng Áo Đen 40 người; Bát Tiên 8 người (thôn đi Hiệu Trung quân). Đến nay, tất cả đều đã sẵn sàng cho những hoạt động hành lễ trong ngày các hội.
Năm 2022, xã Phù Đổng đón quyết định công nhận “Điểm du lịch Phù Đổng”, tạo tiền đề cho việc mở rộng đa dạng những hoạt động trong khuôn khổ lễ hội. Năm 2010, Hội Gióng ở đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm cùng với Hội Gióng đền Sóc, huyện Sóc Sơn đã được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. |
Bài, ảnh: HOÀNG LAM - THÚY NGÂN – HÀ PHƯƠNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.