Doanh nghiệp, người dân nghĩ gì về việc tăng giá điện?
Điện là hàng hóa đặc biệt thiết yếu mà mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt đều cần. Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng giá điện gần đây đang khiến nhiều doanh nghiệp và người dân không khỏi lo lắng, băn khoăn.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, EVN đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27-4-2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4-5-2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Mặc dù việc điều chỉnh giá điện bán lẻ tăng như vừa rồi được cho là thấp hơn nhiều so với kịch bản được EVN xây dựng và trình Bộ Công Thương xem xét trước đó, nhưng cũng sẽ tác động trực tiếp tới doanh nghiệp, đặc biệt đối với một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện, cũng như người dân.
Sức ép đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh
Giá điện và giá xăng là giá đầu vào của hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sản xuất đang rất khó khăn, giá nguyên liệu tăng cao, chi phí xăng dầu tăng trong khi sức mua trên thị trường chưa như mong đợi...
Căn Villa dưới dạng Homestay của anh Đỗ Văn Tạo (đang cho thuê ở Hạ Long, Quảng Ninh) hằng tháng đều tiêu tốn từ 20-25 triệu đồng tiền điện. |
Sau khi EVN công bố tăng giá điện, anh Đỗ Văn Tạo (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) luôn “đau đầu” vì hóa đơn tiền điện những tháng gần đây đều xấp xỉ 30 triệu đồng. Trong số ba hóa đơn anh Tạo phải thanh toán, giá điện lại được chia thành điện kinh doanh là căn villa cho thuê và phòng khám, dao động khoảng 20-25 triệu đồng/tháng; còn đối với hóa đơn điện gia đình thì dao động từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng.
“Giá điện đột ngột tăng vào thời điểm này đã khiến phòng khám giảm 30% doanh thu, còn villa phải xác định hòa vốn đến khi hết mùa hè”, anh Đỗ Văn Tạo nói.
Theo anh Tạo, việc điều chỉnh giá dịch vụ để cân bằng chi phí và hạch toán có lãi là việc bắt buộc phải làm nếu không muốn mình rơi vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên, việc này rất khó khi cơ chế cạnh tranh thị trường đang quá khốc liệt. Bài toán lời - lãi hiện anh chưa dám nghĩ tới mà chỉ tập trung làm sao để tối ưu năng lượng, tiết kiệm điện và giảm chi phí thanh toán điện hằng tháng.
Anh Trần Quang Hưng (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) phải chi trả hơn 3 triệu đồng tiền điện, tăng đáng kể so với thời điểm chưa tăng giá điện. |
Sử dụng mặt bằng gần chợ Noong Bua (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) để vừa mở cửa hàng tạp hóa vừa làm chỗ ở cho cả nhà, anh Trần Quang Hưng cho biết hai tháng qua, anh thường trả hơn 3 triệu đồng tiền điện, tăng đáng kể so với thời điểm chưa tăng giá điện. Trong bối cảnh sức mua của người dân không tăng, anh phải chịu mức chênh lệch tiền điện bởi không thể tăng giá hàng hóa.
“Cửa hàng của tôi vận hành theo mô hình siêu thị mini. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh tạp hóa như tôi đều lấy hàng từ một đầu mối. Vì vậy nếu tự mình tăng giá bán thì đồng nghĩa với dần mất khách hàng”, anh Trần Quang Hưng cho hay.
Tối ưu hóa chi phí cũng là bài toán khó chưa có câu trả lời của nhiều doanh nghiệp khi giá điện tăng lên 3%. Họ đều lo lắng vì khi giá điện tăng sẽ xuất hiện hiệu ứng “tát nước” khiến chi phí đầu vào tăng trong bối cảnh đơn hàng đang có chiều hướng giảm rất nhiều.
Doanh nghiệp của ông Nguyễn Tiến Dũng (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đang hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu vật liệu xây dựng, sắt thép nên việc tiêu thụ khá nhiều điện trong sản xuất. “Hết quý II vừa qua, đơn hàng của doanh nghiệp đã giảm đến 40% chưa kể mỗi tháng tiền điện phải thanh toán cho một nhà máy là hơn 300 triệu đồng. Tăng giá điện trong thời điểm này tạo ra một thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Giá thành sản phẩm của doanh nghiệp ông Nguyễn Tiến Dũng hiện được tính trên cơ sở của giá điện cũ. Có thể thấy, việc tăng giá thành của bất kỳ một chi phí nào thì cũng đồng nghĩa tạo ra thêm một khó khăn cho doanh nghiệp phải gánh trên vai.
Máy móc siêu âm tại phòng khám cũng tiêu hao rất nhiều điện nhưng anh Tạo vẫn không thể nâng giá khám bệnh cho bệnh nhân, vẫn giữ nguyên ở mức ban đầu, chấp nhận rủi ro giảm 30% doanh thu. |
Tương tự như doanh nghiệp của ông Dũng, cơ sở sản xuất chế biến nông sản sạch của anh Nguyễn Nam Tiến (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cũng rơi vào tình trạng kinh doanh ảm đạm, các đơn hàng chưa có dấu hiệu khởi sắc trong 6 tháng đầu năm 2023. “Chúng tôi hiện đang duy trì sản xuất ở mức cầm cự, lợi nhuận là điều quá xa xỉ”, anh Tiến cho hay.
Lý giải về sức đề kháng của doanh nghiệp đang yếu dần, anh Tiến cho biết, lãi suất ngân hàng đã tăng từ 8% lên 10%, chưa kể các chi phí đầu vào cũng trong tình trạng tăng “phi mã”, giá điện lại tăng 3%. Do đó, cơ sở sản xuất không có cách nào khác ngoài chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tối ưu hóa chi phí nhằm ổn định sản xuất và sống sót trên thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá điện luôn tạo “hiệu ứng domino” tăng giá của hầu hết các mặt hàng từ sắt, thép, xi măng cho tới các nhu yếu phẩm... Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, giá điện tăng thì buộc phải tăng giá thành sản phẩm. Nhưng thực tế, hầu hết các doanh nghiệp thời điểm này rất “ngại” tăng giá sản phẩm vì lo ngại sức mua giảm sút, sức cạnh tranh yếu, sản xuất có nguy cơ đình trệ.
Trăn trở từ hộ gia đình
Không chỉ khiến hóa đơn tiền điện của các cơ sở sản xuất “đội lên”, việc tăng giá điện cũng ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt hằng ngày của các gia đình, nhất là khi đời sống người dân đang còn nhiều khó khăn do kinh tế giảm sút. Mặc dù mức tăng không cao, nhưng nhiều người dân cho rằng, mùa hè nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện lớn nên chi phí tiền điện của họ sẽ tăng đáng kể.
Chị Trần Anh Quỳnh (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, sau điều chỉnh tăng giá điện, bình quân mỗi tháng gia đình chị tốn thêm khoảng 35.000 đồng. Số tiền không lớn so với chi tiêu hằng tháng, nhưng nếu các dịch vụ, hàng hóa khác cũng tăng theo giá điện thì chi phí sinh hoạt của gia đình sẽ bị đẩy lên cao và sẽ trở thành gánh nặng không nhỏ. “Tiền điện tăng thì giá hàng hóa cũng lại tăng thêm. Biết làm sao bây giờ”, chị Quỳnh bộc bạch.
Nhiều gia đình sử dụng bóng đèn LED để góp phần tiết kiệm tiêu thụ điện. |
Qua khảo sát, đa phần người dân khi được hỏi đều chấp nhận mức tăng giá điện, nhưng mong muốn các cơ quan chức năng cần có giải pháp nhanh chóng hạn chế tăng giá các hàng hóa, dịch vụ theo kiểu “té nước theo mưa”. Bởi điện là nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày lẫn sản xuất. Các đợt tăng giá điện trước đây đều kéo theo tăng giá các hàng hóa, dịch vụ.
Gia đình anh Đinh Quang Lân (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có 4 người, đang thuê trọ với giá 3,5 triệu đồng/tháng. Phải ở trong không gian chật hẹp, những ngày mới bắt đầu hè gia đình đã phải dùng điều hòa nhiệt độ khoảng 5 tiếng buổi tối và đêm để thoát khỏi cái oi bức. Thời điểm chưa tăng giá điện, tháng nào anh cũng trả tới hơn 1 triệu đồng tiền điện. Bây giờ điện tăng giá thì gia đình buộc phải co kéo, tích cực tiết kiệm sử dụng điện đối với các thiết bị khác trong nhà và “mong” chủ trọ không tăng giá thuê nhà.
Tuy nhiên, giữa những lo lắng trên thì vẫn có những ý kiến cho biết việc tăng giá điện sau 4 năm là động thái thiết yếu để ngành điện có lãi và tin tưởng rằng từ đó ngành điện sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Người tiêu dùng vì thế cần cùng chung tay với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng thời nâng cao ý thức sử dụng điện một cách tiết kiệm, hợp lý. “Tăng giá điện là đánh vào túi tiền của người dân rõ nhất. Hai vợ chồng tôi đều hưu trí. Tiền điện tăng thì chúng tôi trăn trở chứ. Nhưng quyết định đã được áp dụng. Bên cạnh việc phản biện, mỗi gia đình có thể chủ động cắt bớt chi tiêu một cách hợp lý để bù tiền điện tăng”, ông Phạm Văn Nghĩa (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.
EVN thống kê đợt điều chỉnh giá điện lần này có hơn 28 triệu hộ gia đình bị ảnh hưởng. Trong đó, có đến 36% số hộ bị tăng thêm 11.000 đồng/tháng, khoảng 18% số hộ bị tăng thêm hơn 27.000 đồng/tháng…
Về giải pháp ổn định giá điện trong thời gian tới, EVN cho biết, sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí thường xuyên, tiết kiệm điện, huy động tối đa các nguồn điện có giá thành rẻ. Đồng thời, tập đoàn sẽ làm việc với các nhà cung ứng nhiên liệu khí, than… có thể giảm giá bán đầu vào để hạ chi phí sản xuất.
Bài và ảnh: MINH ANH - HỒNG PHÚC
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.