Đổi thay trên tuyến đường Trường Sơn Đông
Sau 17 năm thi công, hơn 530km đường Trường Sơn Đông đã bàn giao, đưa vào khai thác. Đường Trường Sơn Đông có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược phòng thủ quốc gia, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn 7 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Bên cạnh đó, tuyến đường thông đến đâu, mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn mới đến đó.
Giao thông thuận lợi, mở cơ hội thu hút đầu tư
Những ngày đầu năm mới 2024, đi trên tuyến đường chiến lược Trường Sơn Đông do Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Ban Quản lý dự án 46 (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) làm đại diện chủ đầu tư, chúng tôi thấy gương mặt của cán bộ và nhân dân trên địa bàn hiện rõ niềm vui. Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Hiện trường (Ban Quản lý dự án 46) thông tin: “Đường Trường Sơn Đông đoạn qua tỉnh Đắk Lắk có tổng chiều dài 126,2km, đi qua 10 xã của các huyện: M’Đrắk, Lắk và Krông Bông, được triển khai xây dựng từ năm 2007. Đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng 51,6km, trong đó, hoàn thành 20,6/20,7km đi qua 6 xã đặc biệt khó khăn của huyện M’Đrắk, gồm: Cư Prao, Ea H’Mlay, Ea Lai, Krông Jing, Krông Á và Cư San”.
Thảm bê tông nhựa nóng đường Trường Sơn Đông qua xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: LÊ HIẾU |
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hòa Quang Trường, Chủ tịch UBND xã Krông Á cho hay: Đường Trường Sơn Đông đoạn qua xã Krông Á hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2012. Trong 12 năm qua, đường Trường Sơn Đông trở thành tuyến huyết mạch, bảo đảm việc đi lại, lưu thông hàng hóa, phát triển thương mại, dịch vụ cho hơn 4.000 người dân, nối liền 5/7 thôn của xã. Hiện nay, trụ sở làm việc của xã, các trường học, công ty đều được đầu tư dọc đường Trường Sơn Đông. Điều đặc biệt đối với xã Krông Á cũng như huyện M’Đrắk là sau khi đường Trường Sơn Đông thông tuyến, đấu nối với Quốc lộ 19C và cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, sẽ nối thông với các tỉnh: Phú Yên, Lâm Đồng, Khánh Hòa, mở ra cơ hội rất lớn trong thu hút đầu tư, lưu thông hàng hóa, phát triển thương mại, dịch vụ. Nhờ có đường Trường Sơn Đông mà năm 2023, xã Krông Á đạt các tiêu chí về giao thông, thương mại, dịch vụ và hoàn thành 12/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Nói về hiệu quả của đường Trường Sơn Đông, anh Nguyễn Văn Vịnh, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 2, xã Krông Á, cho biết: “Trước đây, việc đi lại khó khăn, từ khi có đường Trường Sơn Đông, việc vận chuyển nông sản của bà con rất thuận lợi, xe tải, thương lái vào tận nương rẫy để thu mua nông sản”. Gia đình anh Vịnh có 3ha mía, mỗi năm cho sản lượng hơn 240 tấn, khi chưa có đường Trường Sơn Đông, việc tiêu thụ mía rất khó khăn, trừ chi phí vận chuyển, thu nhập còn lại của gia đình không đáng kể. Bây giờ, việc mua bán, vận chuyển thuận lợi, từ 3ha mía, gia đình anh thu được hơn 300 triệu đồng/năm. Anh Vịnh cùng nhiều hộ nông dân khác ở xã Krông Á đã thoát nghèo.
Đồng chí Ra Lan Von Ga, Bí thư Huyện ủy M’Đrắk khẳng định: Đường Trường Sơn Đông thực sự mở ra cơ hội cho huyện M’Đrắk phát triển, phá thế cô lập cho 6 xã nơi tuyến đường đi qua, thu hút đầu tư, tạo thuận tiện trong việc đi lại và tiêu thụ nông sản cho hàng chục nghìn hộ dân, phân bổ lại dân cư, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, nhất là lĩnh vực thương mại và dịch vụ.
Nỗ lực về đích đúng hẹn
Theo Đại tá Trịnh Quang Thái, Giám đốc Ban Quản lý dự án 46, đường Trường Sơn Đông là trục giao thông chiến lược quan trọng, chạy giữa Quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh, kết nối 10 quốc lộ trục ngang trong khu vực 7 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và Lâm Đồng. Đường Trường Sơn Đông thuộc danh mục các quốc lộ chính yếu khu vực miền Trung-Tây Nguyên theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Dự án được Bộ Quốc phòng phê duyệt tại Quyết định số 131/QĐ-BQP ngày 23-1-2006 và hai lần phê duyệt bổ sung điều chỉnh vào các năm 2011, 2020, có tổng chiều dài 666,79km; trong đó xây mới 609,02km, tận dụng 57,77km đường hiện hữu, với tổng mức đầu tư hơn 10.015 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nay là ngân sách nhà nước. Đến nay, sau 17 năm kể từ thời điểm khởi công xây dựng, dự án đã hoàn thành được 90% khối lượng công việc; nghiệm thu, bàn giao cho Bộ Giao thông vận tải quản lý, bảo trì, khai thác 530,12km, nối thông liên tục từ Quảng Nam đến phía Bắc tỉnh Đắk Lắk và đoạn tuyến của tỉnh Lâm Đồng...
Hiện nay, việc thi công các gói thầu còn lại trên tuyến đường đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch, một số gói thầu phải tạm dừng thi công do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và giải quyết thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng. Đến nay, có 276 hộ bàn giao mặt bằng bảo đảm thi công 9,336km; còn 480 hộ dân chưa lập được phương án bồi thường giải phóng mặt bằng để thi công 21,264km, do những vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất và phê duyệt đơn giá đất.
Trước những vướng mắc này, mới đây, đồng chí Nguyễn Ngọc Pháp, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Bông cam kết với Ban Quản lý dự án 46: Chỉ đạo UBND các xã, trung tâm phát triển quỹ đất, phòng tài nguyên và môi trường hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Lâu nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn các xã: Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao nằm ở thế cô lập. Khi có đường Trường Sơn Đông, sau này kết nối với cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột sẽ thông thương sang các tỉnh: Lâm Đồng, Khánh Hòa, kết nối với khu vực Nam miền Trung, mở ra cơ hội rất lớn để Krông Bông bứt phá, phát triển toàn diện. Vì vậy, đường Trường Sơn Đông sớm thông tuyến thì địa phương và người dân trên địa bàn sẽ sớm được hưởng những nguồn lợi do tuyến đường mang lại.
KIỀU BÌNH ĐỊNH
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.