Đồng bằng sông Cửu Long: Loay hoay kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác
Nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện vẫn chưa có nhà máy xử lý rác thải đạt chuẩn.
Những núi rác ngày một cao, trong khi các địa phương cứ loay hoay với việc kêu gọi đầu tư, xử phạt, thậm chí có nhà máy xử lý rác tiền tỷ nhưng hoạt động không bao lâu lại “đắp chiếu”. Nếu không giải quyết được nghịch lý đang tồn tại thì không lâu nữa, môi trường sẽ không còn đúng nghĩa như các khẩu hiệu “Xanh-sạch-đẹp” về đô thị văn minh hay đạt chuẩn nông thôn mới.
Tồn hàng trăm tấn rác mỗi ngày
Hơn hai tháng qua, người dân ở 3 quận trung tâm của TP Cần Thơ là Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng bức xúc khi sống trong cảnh rác thải tràn ngập khắp nơi. Tại chân cầu Hưng Lợi (Ninh Kiều)-một trong những cửa ngõ ra vào TP Cần Thơ nên lượng phương tiện tham gia giao thông qua lại rất nhiều, đang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn do các xe rác tập kết chiếm gần nửa mặt đường phía dưới chân cầu.
Bãi tập kết rác tại chân cầu Hưng Lợi (TP Cần Thơ) gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ tai nạn giao thông. |
Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, mỗi ngày, lượng rác thải toàn thành phố hơn 700 tấn trong khi việc thu gom, vận chuyển, xử lý còn chậm trễ, bất cập dẫn đến ùn ứ, ô nhiễm môi trường. Ông Lê Thành Danh, ngụ tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ bức xúc: “Những bãi rác nằm lộ thiên trên các trục đường, dưới chân cầu. Mấy tháng qua, gầm cầu Bình Thủy trở thành nơi tập kết rác. Lượng rác ùn ứ nhiều, thời gian chờ vận chuyển đi xử lý kéo dài khiến mùi hôi, nước rỉ rác ngấm vào đất, bốc mùi gây khó chịu cả ngày”.
Tương tự, huyện đảo Kiên Hải và TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cũng loay hoay với bài toán rác thải. Từ tháng 7-2019, UBND TP Phú Quốc đã phát động Chương trình “Ngày vì môi trường Phú Quốc” nhưng đến nay, tình trạng rác thải vẫn đang tràn ngập ở “đảo ngọc”. Rác bủa vây từ trên bờ đến các bãi biển, dưới sông, kênh rạch khiến du khách và người dân ám ảnh. “Phú Quốc là hòn đảo đẹp, nhưng rác thải đang hủy hoại môi trường nơi đây khủng khiếp. Thật buồn khi thấy một nơi cảnh đẹp như vậy chìm trong rác”, du khách người Đức, Nadine nhận xét.
Một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho biết, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt vùng ĐBSCL khoảng 14.000 tấn/ngày, tương đương 5 triệu tấn/năm. Lượng rác cao trong khi toàn vùng ĐBSCL hiện chỉ có hai khu xử lý rác liên tỉnh là khu xử lý rác tại xã Tân Thành (Tân Thạnh, Long An) và nhà máy đốt rác phát điện tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Một số tỉnh như Cà Mau, Bến Tre có nhà máy xử lý rác nhưng công suất rất nhỏ, hầu hết các địa phương khác chỉ áp dụng biện pháp chôn lấp.
Bãi tập kết rác dưới gầm cầu Bình Thủy (TP Cần Thơ) bốc mùi hôi thối khiến người dân xung quanh bức xúc. |
Để xử lý tình trạng này, thời gian qua, các địa phương trong vùng đã “trải thảm” mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác. Thế nhưng đến nay, nhiều địa phương chưa thu hút được dự án vào lĩnh vực này, hoặc các dự án đầu tư xong lại biến thành đống sắt vụn phơi mưa, nắng, “đắp chiếu” nhiều năm. Điển hình như tại Vĩnh Long, trong khi nhu cầu xả thải cao, các bãi rác đang quá tải thì nhà máy xử lý rác công nghệ cao tại huyện Long Hồ do Công ty CP Xây dựng Phương Thảo làm chủ đầu tư, tổng vốn gần 300 tỷ đồng, quy mô công suất 200-300 tấn/ngày đang phải “đắp chiếu”. Nhà máy xử lý rác này khánh thành vào năm 2013, tuy nhiên chỉ hoạt động 1/5 công suất thiết kế nên không đủ chi phí vận hành, trả lương cho công nhân. Cầm cự được khoảng 9 tháng, nhà máy phải ngừng hoạt động.
Vì sao doanh nghiệp không mặn mà đầu tư?
Theo dự báo của GIZ, tổng lượng chất thải rắn đô thị đến năm 2030 của vùng ĐBSCL có thể đạt 7 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng 300.000 tấn chất thải nguy hại. Do đó, yêu cầu xử lý chất thải rắn đang là vấn đề các địa phương quan tâm nhất hiện nay. Tuy nhiên, điều khó khăn là tỷ lệ thu gom rác thải tại mỗi địa phương khác nhau, bình quân chỉ đạt 40%, tập trung ở khu vực nội ô đô thị. Khối lượng rác tại các địa phương thu gom được không đồng đều, có nơi đạt đến hàng nghìn tấn/ngày nhưng có nơi chỉ 100-200 tấn/ngày. Ở các địa phương có lượng rác thải thu gom được ít, rất khó kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư nhà máy xử lý rác.
Lý giải nguyên nhân không mặn mà đầu tư nhà máy xử lý rác ở ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất là nguồn rác đầu vào không bảo đảm nhu cầu vận hành nhà máy. Việc tìm kiếm hợp đồng xử lý rác công nghiệp để bù đắp lượng rác thiếu hụt cũng không khả thi.
Rác thải được tập kết ngay trên đường 30-4 (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). |
Chia sẻ khó khăn trong thu hút đầu tư xử lý rác thải, bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội (HĐND tỉnh Tiền Giang) cho biết, Tiền Giang rất quan tâm thu hút đầu tư nhà máy xử lý chất thải, song sự chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt giữa các bộ: Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi đầu tư. Minh chứng là dự án xây dựng nhà máy đốt rác tại bãi rác xã Long Chánh (thị xã Gò Công) công suất 200 tấn/ngày dù đã được phê duyệt của UBND tỉnh Tiền Giang nhưng dự án phải dừng triển khai do vướng quy định của Bộ Xây dựng về các tiêu chí: Diện tích, khoảng cách đối với khu dân cư, quy hoạch sử dụng đất...”.
Ngoài vướng mắc về vốn đầu tư, cơ sở pháp lý, các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư trong việc thu gom, xử lý rác thải thì tại một số cơ quan, đơn vị và cá nhân ở các địa phương chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm, còn lơ là, chưa quyết tâm trong việc giải quyết vấn đề rác thải. Điển hình là tại Bạc Liêu, đến nay, đã có 3 nhà đầu tư nộp hồ sơ đấu thầu, dự kiến địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác cũng tại khu vực bãi rác Tân Tạo. Tuy nhiên, tiến độ xúc tiến để tìm ra nhà thầu đến nay vẫn quá chậm. Ngoài ra, theo kế hoạch, sẽ có hai nhà máy xử lý rác cấp huyện phân chia theo cụm là nhà máy xử lý rác của Đông Hải-Giá Rai và Phước Long-Hồng Dân. Nhưng đến nay, Đông Hải-Giá Rai vẫn loay hoay ở giai đoạn khảo sát địa điểm giáp ranh để đặt nhà máy, chưa có nhà đầu tư; còn Phước Long-Hồng Dân gần như chưa có động thái gì.
Là doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác hiện đại ở TP Cần Thơ, ông Trần Hoàng Anh, Giám đốc điều hành Nhà máy xử lý rác EB cho biết, rác thải ở nước ta rất tạp, không được phân loại. Dù là công nghệ cao cấp thế nào cũng không thể xử lý, đốt nổi lượng lớn rác tạp này. Hiến kế cho ĐBSCL, ông Hoàng Anh cho rằng, các địa phương cần xem xét liên kết xây dựng khu xử lý quy mô khoảng 50ha để thu gom xử lý chất thải rắn cho các thành phố, thị xã trong cự ly vận chuyển tối đa 40km. Giải pháp này nhằm đáp ứng đủ công suất hoạt động của nhà máy. Ngoài ra, vấn đề cần xử lý là phân loại rác thải từ cơ sở. Đây là vấn đề mấu chốt giúp giải quyết được tình trạng rác thải ùn ứ như hiện nay. Bên cạnh đó, để dự án xử lý rác hấp dẫn nhà đầu tư thì việc xây dựng chi phí cho xử lý rác cần phải có tính toán mức hợp lý hơn, ông Hoàng Anh nhấn mạnh.
Bài và ảnh: THÚY AN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.