Dự luật biên giới của Mỹ “gặp khó” tại Thượng viện
Theo Reuters, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer tiết lộ, cơ quan này sẽ thúc đẩy việc tổ chức một cuộc bỏ phiếu ngay trong tuần này để thông qua Dự luật Biên giới. Như mô tả của ông Schumer, đây sẽ là dự luật biên giới mạnh mẽ nhất và toàn diện nhất mà nước Mỹ từng chứng kiến trong một thế hệ.
“Tôi hy vọng Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ có thể hợp tác cùng nhau để thông qua Dự luật Biên giới lưỡng đảng trong tuần này”, ông Schumer nêu rõ trong bức thư gửi các thượng nghị sĩ.
Cũng theo ông Schumer, nếu trở thành luật, dự luật này sẽ giúp cải cách luật tị nạn của Mỹ, đồng thời tạo điều kiện để nước này bổ sung hàng nghìn nhân viên tuần tra biên giới và đầu tư vào công nghệ để chống buôn lậu ma túy...
Nhìn chung, nếu được thông qua, dự luật nói trên sẽ khiến việc xin tị nạn tại Mỹ trở nên khó khăn hơn và cũng cho phép gia tăng việc trục xuất những người vượt biên trái phép vào Mỹ. Ngoài ra, theo văn kiện này, Tổng thống Mỹ có quyền cho đóng cửa biên giới nếu lượng người di cư vào Mỹ đạt đến một mức nhất định.
![]() |
Đoàn người di cư từ Mexico vượt qua biên giới để vào bang Texas, Mỹ. Ảnh: ABC News |
Trước đó, dù trải qua nhiều tháng đàm phán căng thẳng nhưng dự luật này vẫn bị chặn lại tại Thượng viện trong cuộc bỏ phiếu vào đầu tháng 2 năm nay với 49 phiếu thuận và 50 phiếu chống.
Trong khi các lãnh đạo Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát gọi dự luật nói trên mang động cơ chính trị, Nhà Trắng lại thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với dự luật này. Theo tờ The New York Times, mới đây, Nhà Trắng đã công bố bản tóm tắt các cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, trong đó ông Biden thúc giục hai nhân vật này “hành động nhanh chóng” để thông qua Đạo luật Biên giới, từ đó giúp nước Mỹ trở nên an toàn hơn.
Để vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện trước khi chuyển tới Hạ viện xem xét phê chuẩn, dự luật cần ít nhất 60/100 phiếu thuận. Mặc dù Đảng Dân chủ đang kiểm soát Thượng viện với 51 ghế, song theo nhận định của các nhà phân tích, dự luật này khó có thể được thông qua trong cuộc bỏ phiếu sắp tới tại Thượng viện do sự phản đối của phần lớn nghị sĩ Đảng Cộng hòa.
Nỗ lực thông qua Đạo luật Biên giới được thúc đẩy trong bối cảnh số người di cư bị bắt khi vượt biên giới giữa Mỹ và Mexico đã tăng lên mức kỷ lục kể từ năm 2021. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ, mặc dù số người vượt biên giới để vào nước này đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây nhưng số lượng trung bình mỗi ngày trong tháng 3-2024 đã vượt con số 6.000 người.
Thêm vào đó, an ninh biên giới đang nổi lên là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump. Bằng chứng là cuối tháng 2 vừa qua, cả ông Biden và ông Trump đều có chuyến thăm tới khu vực biên giới phía Nam để phục vụ cho chiến dịch vận động tranh cử.
Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy, nhiều khả năng nhập cư và an ninh biên giới sẽ là vấn đề tác động lớn tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do Reuters-Ipsos công bố hồi đầu năm, người dân Mỹ đang ngày càng lo ngại về vấn đề nhập cư. Trong đó, 17% số người được hỏi coi đây là vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ phải đối mặt hiện nay. Thống kê do hãng tin CNN đưa ra hồi tháng 4 cho biết, có tới 76% cử tri ở xứ cờ hoa cho rằng vấn đề nhập cư sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
ANH VŨ
Tin mới
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.