• Click để copy

Đưa Luật Nhà giáo vào cuộc sống cần đồng bộ, khoa học

Vừa qua, Quốc hội khóa XV chính thức thông qua Luật Nhà giáo với 9 chương, 42 điều, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có đạo luật riêng quy định đầy đủ vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ, chế độ, chính sách dành cho nhà giáo. Để luật thực sự đi vào cuộc sống, cần sự vào cuộc đồng bộ, kiên trì của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành giáo dục và chính quyền các cấp.

Luật Nhà giáo nâng cao vị thế, uy tín nhà giáo

Luật Nhà giáo được thông qua không chỉ đánh dấu một dấu mốc đặc biệt về chính sách mà còn mở ra kỳ vọng lớn lao về việc kiến tạo môi trường phát triển bền vững cho hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước, nhằm cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tôn vinh, chăm lo, bảo vệ và phát triển đội ngũ nhà giáo-lực lượng then chốt của sự nghiệp giáo dục.

Đưa Luật Nhà giáo vào cuộc sống cần đồng bộ, khoa học
Trường Tiểu học Vạn Xuân (xã Hoài Đức, TP Hà Nội) tổ chức Cuộc thi tìm kiếm nhà vô địch tiếng Anh năm học 2024-2025.

So với những quy định hiện hành trước đây, Luật Nhà giáo năm 2025 có 5 điểm mới nổi bật. Nói rõ hơn về vấn đề này, theo đồng chí Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Luật Nhà giáo khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo; lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp; có chính sách hỗ trợ, thu hút và đãi ngộ tốt hơn đối với nhà giáo; chuẩn hóa và phát triển đội ngũ để nâng cao chất lượng giáo dục; tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục và quyền chủ động cho ngành giáo dục. “Nhà giáo là những “viên chức đặc biệt” và “người lao động đặc biệt” được bảo đảm các quyền trong hoạt động nghề nghiệp tương xứng với vị thế của mình, trong đó có quyền được tôn trọng, bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm; đồng thời, phải thực hiện nghĩa vụ xứng đáng với danh xưng cao quý người thầy, trong đó có nghĩa vụ giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự, nhân phẩm, đạo đức nhà giáo, mẫu mực, nêu gương trong hoạt động nghề nghiệp và ứng xử trong quan hệ xã hội”, đồng chí Vũ Minh Đức chia sẻ.

Lãnh đạo sở GD-ĐT nhiều địa phương cho rằng, điểm nhấn đáng chú ý trong Luật Nhà giáo năm 2025 là việc giao thẩm quyền cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” về chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là giải quyết bài toán thừa, thiếu đội ngũ; chủ động điều phối, hoạch định các kế hoạch phát triển đội ngũ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trong tương lai.

Đánh giá cao Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Nhà giáo, ông Carlos Vargas, Trưởng bộ phận Phát triển nhà giáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Chủ tịch Tổ thư ký Nhóm công tác quốc tế về nhà giáo vì mục tiêu giáo dục 2030 cho rằng, đây là một khung pháp lý toàn diện, lần đầu tiên ghi nhận rõ ràng vai trò thiết yếu của đội ngũ nhà giáo trong hệ thống giáo dục, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để bảo vệ và phát triển nghề giáo trong tương lai. “Luật Nhà giáo có ý nghĩa đặc biệt sâu rộng, tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo phát triển nghề nghiệp; bảo đảm giáo viên được hỗ trợ cần thiết để nâng cao năng lực chuyên môn; đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc bố trí thời gian và nguồn lực tài chính để triển khai chính sách một cách hiệu quả, nhất quán”, ông Carlos Vargas nhấn mạnh.

Đưa Luật Nhà giáo vào cuộc sống cần đồng bộ, khoa học
Trường Tiểu học Vạn Xuân (xã Hoài Đức, TP Hà Nội) tổ chức tổng kết năm học 2024-2025. 

Bảo đảm tốt hơn cho nhà giáo khi luật có hiệu lực

Để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật Nhà giáo kể từ ngày 1-1-2026, Bộ GD-ĐT đang tham mưu, trình Chính phủ ban hành 3 nghị định và ban hành theo thẩm quyền 12 thông tư. Trong đó, 3 nghị định gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà giáo; Nghị định quy định chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo; Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức ngành giáo dục. 12 thông tư quy định về chuẩn nghề nghiệp, chế độ làm việc, thẩm quyền tuyển dụng, chức danh tương đương, quy tắc ứng xử của nhà giáo.

Việc hoàn thành số lượng văn bản các nghị định, thông tư nêu trên trong thời hạn 6 tháng đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với Bộ GD-ĐT khi nguồn lực đội ngũ hạn chế. Mặt khác, sự thay đổi trong hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, quản lý đội ngũ viên chức... tác động lớn đến các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, đòi hỏi quá trình xây dựng các văn bản dưới luật phải liên tục cập nhật, bảo đảm tính đồng bộ, mang tính cách mạng, vượt trội, đón đầu những xu hướng phát triển của thời đại trong kỷ nguyên mới.

Góp ý vào xây dựng các nghị định, thông tư để Luật Nhà giáo đi vào cuộc sống, đồng chí Trần Lưu Hoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội đề nghị: “Hiện nay, các sở GD-ĐT đã thực hiện việc tuyển dụng đội ngũ nhà giáo. Do đó, khi ban hành các thông tư hướng dẫn, ban soạn thảo cần mô tả cụ thể về thực hành sư phạm cùng tiêu chí rõ ràng để các địa phương có thể áp dụng với điều kiện của từng địa phương, tránh những cách hiểu chung chung”.

Đề xuất các chính sách cụ thể để phát triển đội ngũ nhà giáo trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, theo PGS, TS Phạm Mạnh Hà (Đại học Bách khoa Hà Nội), cần quy định trong các thông tư chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo, nhân viên, trong đó xác định rõ tiêu chuẩn về chuẩn năng lực số và khả năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) là yêu cầu bắt buộc; đồng thời xây dựng nội dung bồi dưỡng này trong các chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho toàn bộ nhân sự ngành giáo dục, bao gồm cả giảng viên và nhân viên hỗ trợ. “Bên cạnh đó, cần xây dựng một khung đánh giá hiệu suất thực chất, linh hoạt, lấy sự đổi mới, sáng tạo và đóng góp thực tiễn làm trọng tâm, thay vì chỉ dựa vào thâm niên hay các chỉ số hành chính. Khung này cần được áp dụng đồng bộ cho cả nhân sự hỗ trợ nhằm tạo lộ trình phát triển công bằng, minh bạch”, PGS, TS Phạm Mạnh Hà nói. 

Để sớm đưa Luật Nhà giáo vào cuộc sống, đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: “Chúng ta đang muốn một nền giáo dục tạo ra sự thay đổi cho đất nước thì không thể không phát triển lực lượng nhà giáo. Vì vậy, trong quá trình xây dựng luật này, tinh thần mà chúng tôi theo đuổi là xây dựng luật để phát triển lực lượng nhà giáo. Làm điều gì để phát triển lực lượng nhà giáo thì chúng tôi kiên quyết làm, cố gắng làm đạt kết quả tốt nhất”.

Bài và ảnh: DUY THÀNH

Tin mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng

Chiều 21-7, trong chuyến làm việc tại tỉnh An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Ngành Kiểm sát nhân dân góp phần kiến tạo xã hội kỷ cương, công bằng, dân chủ, văn minh
Tổng Bí thư Tô Lâm: Ngành Kiểm sát nhân dân góp phần kiến tạo xã hội kỷ cương, công bằng, dân chủ, văn minh

Sáng 21-7, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân (26-7-1960 / 26-7-2025), đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ VII.

Venezuela gửi lời chia buồn đến Việt Nam sau vụ chìm tàu ở Vịnh Hạ Long
Venezuela gửi lời chia buồn đến Việt Nam sau vụ chìm tàu ở Vịnh Hạ Long

Chính phủ Venezuela vừa gửi lời chia buồn sâu sắc đến Việt Nam trước thảm kịch chìm tàu du lịch Wonder Sea (tàu Vịnh Xanh) trên vịnh Hạ Long, khiến 34 người thiệt mạng.

Xung đột Hamas-Israel: Hamas cân nhắc khả năng rút khỏi đàm phán
Xung đột Hamas-Israel: Hamas cân nhắc khả năng rút khỏi đàm phán

Ngày 20-7, truyền thông khu vực dẫn các nguồn tin cho biết Phong trào Hamas đang cân nhắc khả năng gia hạn thời gian đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza vào cuối tuần này, hoặc nhóm này sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán tại Qatar và chỉ quay lại nếu các đề xuất về một thỏa thuận toàn diện được đưa ra.

Thuế quan của Mỹ: Washington để ngỏ việc duy trì mức thuế cơ bản 10%
Thuế quan của Mỹ: Washington để ngỏ việc duy trì mức thuế cơ bản 10%

Ngày 20-7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết nước này vẫn có ý định áp dụng thuế quan cơ bản 10% đối với nhiều quốc gia nhỏ hơn, bất chấp những gợi ý gần đây rằng mức thuế này có thể cao hơn.

Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp ứng phó bão Wipha
Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp ứng phó bão Wipha

Sáng 21-7 (theo giờ địa phương), Trung tâm Khí tượng Trung ương Trung Quốc tiếp tục phát đi cảnh báo màu cam - mức cao thứ 2 trong thang cảnh báo bão gồm 4 cấp, về cơn bão Wipha.