Đường sắt đô thị góp phần tạo bộ mặt hiện đại cho giao thông Hà Nội trong tương lai
Tại bất kỳ đô thị hiện đại nào trên thế giới, hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) là một trong những thành phần quan trọng trong mạng lưới giao thông, nhất là trong khu vực nội đô.
Đối với Thủ đô Hà Nội, theo quy hoạch tới năm 2030, các tuyến ĐSĐT được kỳ vọng đáp ứng khoảng 30% nhu cầu đi lại của người dân trong đô thị hạt nhân và 15-25% ở các đô thị vệ tinh. Các tuyến ĐSĐT được gắn kết với xe buýt và các phương thức giao thông công cộng khác không chỉ giúp việc đi lại của người dân dễ dàng hơn, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các khu vực và đô thị nơi tuyến đường đi qua.
Những con số chứng minh chứng sự thay đổi của người dân
Ghi nhận từ đơn vị vận hành ĐSĐT Nhổn - Cầu Giấy cho thấy, sau 15 ngày đi vào hoạt động, tuyến ĐSĐT Nhổn - Cầu Giấy đã phục vụ khoảng 750.000 lượt hành khách. Trong đó, ngày cao điểm nhất là hơn 100.000 lượt và ngày thấp nhất là gần 35.000 lượt.
Điểm đáng chú ý là số lượng khách của tuyến tàu điện Nhổn - Cầu Giấy cao vượt trội so với tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Điều này thể hiện việc người dân Thủ đô đã đi thử và chấp nhận phương thức vận tải hành khách tiện dụng này trong môi trường đô thị ngày càng đông đúc của Hà Nội.
Người dân Hà Nội trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Cầu Giấy. |
Nhiều người dân cho biết, việc di chuyển bằng ĐSĐT vừa văn minh lại giúp “thoát” khỏi cảnh ùn tắc, bởi vậy họ sẽ bỏ hẳn phương tiện cá nhân để sử dụng tàu điện. Một số người dẫn chứng, nếu sinh sống ở khu vực Nhổn thì chỉ cần bước lên tàu điện và 13 phút sau đã có mặt ở đầu đường Đê La Thành. Tuyến tàu điện có thời gian di chuyển nhanh gấp hai lần xe máy, bởi vậy nếu làm việc ở phía Tây Hà Nội thì không có lý do gì để không sử dụng loại hình giao thông công cộng này.
Tại Hội thảo “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó” được tổ chức mới đây, Tiến sĩ Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hanoi Metro chia sẻ, ĐSĐT là bộ phận cấu thành quan trọng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật; là tiền đề cho sự phát triển của giao thông đô thị hiện đại; là điều kiện để phát triển đô thị bền vững.
Theo Tiến sĩ Vũ Hồng Trường, vận tải hành khách công cộng có 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 là giai đoạn để phục vụ người không có phương tiện đi lại; giai đoạn 2 là cạnh tranh với phương tiện cá nhân, điều này đường sắt đô thị đã làm được; giai đoạn cuối là lấy được lòng tin và sự yêu thích người dân.
“Điểm đáng trân quý ở việc nếu sử dụng tàu điện để đi học, đi làm thì cũng đồng nghĩa với việc đóng góp vào hành động bảo vệ môi trường Thủ đô. Cứ 1.000.000 giờ di chuyển bằng ĐSĐT thì sẽ tiết kiệm được 478.000 giờ, giảm 100 tấn khí thải và đem lại giá trị khoảng 30 tỷ đồng”, Tiến sĩ Vũ Hồng Trường đánh giá.
Thực tế, các thành phố trên thế giới có từ 2 triệu dân trở lên đều phải tính đến việc tạo dựng hệ thống ĐSĐT để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ai cũng cảm nhận rất rõ sự cần thiết và phải có loại hình giao thông này trong hệ thống giao thông công cộng của đô thị như Hà Nội.
Các tuyến ĐSĐT Hà Nội đều bị chậm tiến độ và đội vốn. |
Dù đã có kế hoạch và những hoạch định cụ thể, nhưng việc phát triển hệ thống ĐSĐT Hà Nội còn nhiều thách thức. Các dự án ĐSĐT đã triển khai tại Thủ đô đều phải mất tới 10-15 năm mới hoàn thành và đội vốn.
Chẳng hạn, dự án Metro Nhổn khởi công năm 2010. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư trên 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư lên tới 30.000 tỷ đồng, tăng 67% so với dự toán ban đầu. Dù số vốn tăng như vậy, nhưng đến nay mới chỉ có đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy hoàn thành, riêng đoạn đi ngầm và toàn tuyến thì dự kiến phải đến năm 2029 mới đưa vào khai thác.
Vượt khó, hướng tới tương lai 400km giao thông xanh của Thủ đô
Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội chia sẻ, TP Hà Nội mong muốn có ĐSĐT - Metro từ rất nhiều năm trước. Ban đường sắt thành phố đã có rất nhiều thế hệ tham gia cống hiến xây dựng hệ thống ĐSĐT.
Mục tiêu đến năm 2035, Hà Nội phải có hệ thống ĐSĐT gồm 10 tuyến, tổng chiều dài cả đi ngầm lẫn đi nổi khoảng 400km. Đây là con số đáng kể nếu căn cứ vào các dự án ĐSĐT hiện tại.
“May mắn là Hà Nội có quy hoạch về giao thông nói chung và đường sắt nói riêng, cơ bản hướng đến chiến lược rõ ràng, đi theo hướng đô thị xanh, dành không gian cho đi bộ. Việc chuyển đổi từ phương tiện giao thông cá nhân về phương tiện công cộng cần chuyển đổi nhanh, bởi nếu không nhanh sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, cần phải có những cơ chế đột phá. Chúng tôi đang tập trung mời các chuyên gia để đóng góp ý kiến, kêu gọi các nhà đầu tư và tính đến việc khai thác bền vững…”, ông Nguyễn Cao Minh chia sẻ.
TP Hà Nội phấn đấu tới năm 2035 phải có 400km ĐSĐT phục vụ giao thông công cộng. |
Vấn đề đặt ra là, khi triển khai ĐSĐT cần có cơ chế, chính sách đột phá; có tư duy mới, khung pháp lý mới “may đo” riêng để giải quyết các vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất cũng như huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực…
Bài, ảnh: TUẤN SƠN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.