Đường sắt đô thị - hiệu quả, văn minh
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) đi vào hoạt động đã cung cấp thêm loại hình vận tải công cộng mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân. Phát triển vận tải công cộng cũng góp phần từng bước giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, hình thành văn hóa tham gia giao thông văn minh, thân thiện.
Là một trong những hành khách thường xuyên sử dụng đường sắt đô thị, anh Ngô Minh Hoàn (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, đi lại hằng ngày trên tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, anh nhận thấy đây là phương tiện giao thông công cộng có nhiều tiện ích, tàu chạy theo đường ray cố định, không có sự chen lấn của các phương tiện khác như ô tô, xe máy nên không chỉ nhanh mà còn an toàn. Việc tiếp cận nhà ga dễ dàng, sử dụng thuận tiện, phù hợp với đại đa số người dân. Tàu Cát Linh-Hà Đông không chạy bằng xăng hay dầu mà bằng điện nên góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt phù hợp sử dụng ở những đô thị đông đúc như Hà Nội.
Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), đơn vị quản lý, vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, hiện nay, mỗi ngày có hơn 30.000 lượt hành khách sử dụng tuyến đường sắt này. Trong đó, 47% hành khách là những người đi làm, 45% là người đi học và 8% cho các mục đích khác. "Nếu như thời gian đầu hành khách đi lại trên tuyến chủ yếu là để trải nghiệm thì hiện tại đã trở thành khách hàng thường xuyên. Tỷ lệ bình quân trong ngày hành khách sử dụng vé tháng chiếm 70%, trong giờ cao điểm chiếm hơn 85%. Điều này thực sự đã góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện trên các hành lang giao thông trong giờ cao điểm, từng bước giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường", ông Vũ Hồng Trường chia sẻ.
Hành khách đi tàu điện trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: KIỀU ANH |
Trong giai đoạn đầu, người dân chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân để tiếp cận các nhà ga của tuyến, nhưng hiện nay, người dân đã chấp nhận đi bộ đến các nhà ga, thậm chí có người đi hơn 2km. Bên cạnh đó, có thể sử dụng xe buýt cũng như các phương tiện công cộng khác để tiếp cận nhà ga. Theo khảo sát của Hanoi Metro, hơn 60% hành khách có xe máy và 18% có ô tô nhưng vẫn sử dụng đường sắt đô thị để đi lại. Phương tiện vận tải công cộng nói chung, đặc biệt với đường sắt đô thị được đánh giá là thân thiện và an toàn. Việc thay đổi thói quen từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông, nhất là tại các thành phố, nơi sử dụng xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu.
Việc sử dụng đường sắt đô thị thường xuyên cũng góp phần hình thành văn hóa giao thông. Trong giai đoạn đầu khi tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông mới đưa vào hoạt động, vẫn còn những hành vi chưa đẹp trên các nhà ga và trên tàu như: Vứt rác bừa bãi, nói chuyện ồn ào, không nhường ghế cho người già, phụ nữ, trẻ em... Đến nay, nhiều hình ảnh đẹp đã được ghi nhận khi hành khách tự giác chấp hành nội quy đi tàu, thái độ thân thiện, niềm nở của nhân viên quản lý, vận hành ở nhà ga. Từ tuyến đường sắt đô thị đầu tiên, hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội sẽ còn mở rộng thêm nữa. Cùng với đó, văn hóa tham gia giao thông cũng từng bước lan tỏa sang các phương tiện công cộng khác.
MẠNH HƯNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.