Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc mang lại hiệu quả thiết thực
Phát biểu khi đến thăm Trường Tiểu học thị trấn Tà Lùng (Cao Bằng) trong chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung lần thứ 7, ngày 23-4-2022, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh: Mỗi lần tổ chức, chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung đều mang một ý nghĩa, màu sắc và cách tổ chức riêng, nhưng đều hướng tới mục tiêu chung là đoàn kết, hữu nghị và xây dựng biên giới giữa hai nước hòa bình, cùng phát triển.
Mô hình sáng tạo hiếm thấy ở các nước có chung biên giới trên bộ
Là một trong những trụ cột của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, vai trò quan trọng của hợp tác quốc phòng trong củng cố tin cậy chiến lược luôn được quân đội hai nước nhận thức sâu sắc và hiện thực hóa bằng nhiều cơ chế, hình thức hợp tác, trong đó có hợp tác biên giới mà giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới là một chương trình trọng tâm.
Từ nhận thức đó, sau thành công mang tính chất đột phá của giao lưu lần thứ nhất (3-2014), Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc đã được nâng cấp chủ trì từ cấp Thứ trưởng lên cấp Bộ trưởng (phía Trung Quốc có năm là cấp Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương), đánh dấu bằng sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước gặp nhau tại biên giới chung và duy trì trong suốt những lần giao lưu sau này. Hình ảnh hai vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trang nghiêm làm lễ chào và tô sơn cột mốc biên giới, cùng chơi cầu lông trong sân nhà văn hóa, nói chuyện thân mật với người dân hay bế các cháu thiếu nhi cùng chụp ảnh trước sự cổ vũ của người dân tại địa phương…, đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hai nước. Điều này không chỉ thể hiện quyết tâm trong hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước, cụ thể hóa thỏa thuận và chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, mà còn lan tỏa thông điệp mạnh mẽ về một vùng biên giới Việt – Trung hòa bình, ổn định và phát triển.
Ở mỗi lần giao lưu, cùng với các hoạt động mang tính biểu tượng và thường xuyên như: Lễ chào, tô sơn cột mốc chủ quyền; trồng cây hữu nghị; hội đàm, tọa đàm, khánh thành nhà văn hóa hữu nghị biên giới…, hai bên còn căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: Diễn tập chung tìm kiếm cứu nạn, chống khủng bố, tuần tra chung trên bộ, trên sông. Ngoài ra, trước và trong mỗi chương trình giao lưu, hai bên còn triển khai nhiều hoạt động khác như: Khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tặng học bổng, tặng bò giống cho hộ khó khăn hai bên biên giới. Chỉ tính riêng trong lần giao lưu thứ 7 tại tỉnh Cao Bằng, đã có 5.200 lượt bà con được khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí. Nhiều công trình do quân đội xây tặng đều phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương. Trong đó, nhà văn hóa hữu nghị - công trình được xây dựng trên đất Việt Nam nhưng là ngôi nhà chung của tình hữu nghị, điểm hẹn của những buổi họp mặt, giao lưu văn hóa, thể thao, nâng cao dân trí, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn của người dân hai bên biên giới.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Chi đội quản lý biên giới Hồng Hà (Trung Quốc) gặp gỡ trao đổi thông tin, triển khai hoạt động tuần tra thực thi pháp luật về biên giới, tháng 2-2023. Ảnh: qdnd.vn |
Địa điểm tổ chức được lựa chọn trên cơ sở điều kiện thực tế của Việt Nam và Trung Quốc, nhưng thường là những nơi khó khăn, người dân hai bên ít có điều kiện giao lưu. Thành phần giao lưu không chỉ có lực lượng quân sự với Bộ đội Biên phòng là nòng cốt, mà còn có hàng nghìn người dân đủ các lứa tuổi ở hai bên biên giới tham gia. Nhiều người vốn hằng ngày “Bên sông tắm cùng một dòng, tôi nhìn sang đấy, anh nhìn sang đây/Sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng", gặp lại nhau trong một sự kiện đặc biệt, hồ hởi tham gia các hoạt động như chính công việc của mình.
Theo Đại tá Phan Đào, nguyên Tùy viên Quốc phòng Trung Quốc tại Việt Nam, Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới là một sáng tạo trong hợp tác quốc phòng Trung Quốc-Việt Nam, trên thế giới đây cũng là điều rất hiếm thấy ở các nước láng giềng có chung biên giới trên bộ. Giao lưu là sự nâng cấp và thăng hoa về hợp tác quản lý, bảo vệ biên giới giữa hai bên. Được thúc đẩy bởi các hoạt động giao lưu, sự hợp tác giữa lực lượng kiểm soát biên giới của hai nước ngày càng thiết thực và sâu sắc, đồng thời trở thành bảo đảm vững chắc cho hòa bình và ổn định lâu dài ở khu vực biên giới đất liền Trung Quốc-Việt Nam.
Góp phần thúc đẩy hợp tác quốc phòng thực chất hơn
Thực tế sau mỗi lần giao lưu, cơ chế hợp tác biên phòng Việt Nam-Trung Quốc ngày càng được hoàn thiện, đổi mới và phát triển. Công tác phối hợp quản lý và bảo vệ biên giới, kiểm soát xuất, nhập cảnh, đấu tranh phòng, chống tội phạm được tiến hành hiệu quả trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Cộng hưởng từ sự ổn định do giao lưu mang lại, hợp tác kinh tế-thương mại biên giới, cửa khẩu hai nước không ngừng tăng trưởng; nhiều khu đô thị, khu biên mậu sầm uất, tấp nập được hình thành; nhiều cửa khẩu được nâng cấp; dòng chảy hàng hóa, người dân đi lại an toàn, thuận tiện…
Từ giao lưu, quan hệ gắn bó, đoàn kết, hiểu biết giữa lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền địa phương và nhân dân hai bên biên giới ngày càng đạt những bước tiến quan trọng. Gần 10 năm sau cuộc giao lưu lần thứ nhất, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa được 59 cặp thôn, bản, cụm dân cư và một đơn vị biên phòng hai bên biên giới. Đồng thời, triển khai hiệu quả phong trào “Quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới” và các chương trình: “Quân đội chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Điểm sáng văn hóa nơi biên cương”, “Nâng bước em đến trường”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”… Qua đó góp phần hỗ trợ đồng bào ở khu vực biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới, tích cực tham gia giữ gìn an ninh, trật tự,...
Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo đã được áp dụng, đem lại hiệu quả thực chất, như: “Xây dựng đường biên giới kiểu mẫu”, “Sứ giả hữu nghị”, “Tuần tra đoàn kết”, “Vườn cây hữu nghị biên phòng Việt-Trung”, “Cửa khẩu kiểu mẫu”, "Đồn-Trạm hữu nghị, biên giới bình yên"…. . Hai bên cũng thường xuyên duy trì các chế độ hội ngộ, hội đàm định kỳ, thăm hỏi, tuần tra liên hợp, trao đổi qua đường dây nóng... Từ những hoạt động này, hai bên kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc xảy ra trên biên giới; phối hợp đấu tranh có hiệu quả đối với các hoạt động tội phạm; chia sẻ cho nhau kinh nghiệm quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu…., góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế-xã hội trên vùng biên giới.
Thành công của 7 lần giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới đã chứng tỏ hiệu quả thiết thực của hình thức hợp tác này đối với đại cục quan hệ hai nước, hai quân đội, cũng như địa phương và nhân dân trên toàn tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc; khẳng định biên giới trên bộ Việt Nam-Trung Quốc không chỉ là ranh giới pháp lý về mặt lãnh thổ mà đã thực sự trở thành không gian hợp tác và phát triển, của tình đoàn kết láng giềng hữu nghị; là cơ sở để hai nước xem xét mở rộng hợp tác ở những lĩnh vực lớn hơn.
Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới cũng là một nội dung quan trọng trong cam kết thúc đẩy hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn được đề cập trong “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” đạt được nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12-2023. Điều đó cho thấy lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá cao và dành sự quan tâm lớn đối với Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung; minh chứng cho ý nghĩa, tầm quan trọng, sức lan tỏa và hiệu quả mà chương trình này đem lại.
VĂN DUYÊN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.