• Click để copy

Gìn giữ và lan tỏa di sản văn chương dân tộc

Dù ra đời chưa lâu nhưng Bảo tàng Văn học Việt Nam đang dần khẳng định là điểm đến hấp dẫn với du khách. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam đã chia sẻ về những nỗ lực để Bảo tàng thực hiện tốt sứ mệnh của mình, đáp ứng nhu cầu của công chúng, góp phần lan tỏa các giá trị di sản văn học quý báu của dân tộc.

Phóng viên (PV): Thưa chị, mặc dù ra đời chưa lâu và nằm ở vị trí không đắc địa như nhiều bảo tàng khác, nhưng Bảo tàng Văn học Việt Nam đã khẳng định vị trí là điểm đến hấp dẫn với du khách. Điều gì đã tạo nên sự hấp dẫn đó?

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Bảo tàng Văn học Việt Nam nằm ở ngõ 275 Âu Cơ, (Quảng An-Tây Hồ-Hà Nội), được thành lập ngày 8-11-2011 theo Quyết định số 1987/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tháng 6-2015, bảo tàng chính thức mở cửa đón khách tham quan từ 8 giờ đến 12 giờ và 13 giờ 30 phút đến 17 giờ tất cả các ngày trong tuần. Những năm 60-70 của thế kỷ trước, nơi đây là Trường Viết văn Quảng Bá (Hội Nhà văn Việt Nam).

Sự hấp dẫn của Bảo tàng đầu tiên phải nói đến chính là nội dung trưng bày. Đây là nơi lưu giữ, bảo quản và giới thiệu những di sản văn học gắn với các tác giả, tác phẩm-những tinh hoa văn hóa của đất nước, góp phần tạo nên dấu ấn quốc gia, niềm tự hào dân tộc. Phần nữa, không gian trưng bày của Bảo tàng Văn học Việt Nam gồm cả ngoài trời và trong nhà, được đánh giá là đặc sắc, sang trọng, với nhiều ý tưởng hấp dẫn, kết hợp giữa cảm xúc trực tiếp và công nghệ hiện đại... Tất cả đã tạo được ấn tượng tốt với du khách và thật may mắn du khách đã nhận ra sự hấp dẫn của Bảo tàng Văn học Việt Nam.

      Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.

Trước đây, du khách chưa biết nhiều đến bảo tàng vì công tác truyền thông, quảng bá chưa được quan tâm thích đáng, thời gian mở cửa đón khách của bảo tàng chưa dài, lại ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Từ năm 2021, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá để nhiều người biết đến Bảo tàng. Rất nhiều du khách đã bày tỏ thực sự ngỡ ngàng trước những di sản văn chương đồ sộ của dân tộc hiện hữu tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.

PV: Bảo tàng là nơi nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, giáo dục về nền văn học của đất nước. Câu chuyện làm thế nào để hiện vật không “nằm im” luôn là vấn đề được các bảo tàng quan tâm. Lan tỏa rộng rãi các giá trị văn học dân tộc trong đời sống qua các hiện vật được Bảo tàng Văn học Việt Nam thực hiện, đẩy mạnh bằng cách nào, thưa chị?

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Mỗi tài liệu, hiện vật là một câu chuyện hấp dẫn. Du khách đến với bảo tàng đôi khi không xem, tìm hiểu và nghiên cứu hết được nên để hiện vật không “nằm im” và phát huy được những giá trị to lớn vốn có, chúng tôi đã đưa tài liệu, hiện vật đến gần với công chúng thông qua website và mạng xã hội facebook.

Thời gian qua, Bảo tàng đã kết hợp với một số đơn vị như: Dự án “Se sẽ chứ...”-một dự án nghệ thuật nhằm giữ gìn, tưởng nhớ và lan tỏa giá trị thơ-trọn vẹn ba buổi một ngày xoáy sâu vào chuyên đề về nhà thơ Xuân Quỳnh và tình yêu, với nhiều cách thể hiện khác nhau; hợp tác với các bảo tàng bạn tổ chức những hoạt động giao lưu; kết hợp với Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 với nhiều dự án rất đặc biệt; cùng các trường trung học tổ chức cho học sinh tham quan và xem phim chân dung các nhà văn... và nhiều hoạt động khác nữa, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để công chúng đến với Bảo tàng và tiếp cận tài liệu, hiện vật một cách dễ dàng.

Chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch tổ chức một số triển lãm chuyên đề, tọa đàm, hội thảo về tác giả, tác phẩm. Sắp tới, Bảo tàng cũng sẽ tham gia trưng bày hiện vật nhân Lễ hội thơ Việt Nam tại Hoàng thành Thăng Long vào rằm tháng Giêng năm 2023.

Đúng là Bảo tàng không nằm ở vị trí thuận lợi như nhiều bảo tàng khác, đường vào nhỏ, mặt tiền chỉ là hai hành lang đơn giản. Khi làm Giám đốc, tôi luôn trăn trở và ước có một quán cà phê sách thay lời chào của Bảo tàng đến với du khách, vừa để dừng chân đợi nhau trước hoặc sau khi tham quan, hay nhâm nhi tách cà phê bên những cuốn sách được tuyển chọn từ những tác giả nổi tiếng trong nước và quốc tế. Mới đây, chúng tôi đã kết hợp với luật sư Hà Thị Thanh-một người đam mê đọc, mê sách để cải tạo hai dãy hành lang thành quán cà phê sách Livre Coffee. Thật vui là nhiều nhà văn, khách tham quan rất thích Livre Coffee, nhất là những ai đã từng đến Bảo tàng trước đây, bởi không gì hợp với không gian một bảo tàng văn học bằng cà phê ngon và sách hay. “Café để tỉnh-Sách để thức” là thông điệp của Livre Coffee đến với mọi người.

PV: Hiện nay, đổi mới hoạt động bảo tàng nói chung là vấn đề được nhiều đơn vị quan tâm, đặc biệt là xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, trưng bày... Với Bảo tàng Văn học Việt Nam thì sao, thưa chị?

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Bảo tàng Văn học Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Với mong muốn ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và trưng bày của Bảo tàng, chúng tôi đã đi tìm hiểu, nghiên cứu và xây dựng dự án, nhưng do việc ứng dụng công nghệ rất phức tạp, đòi hỏi chi phí cao, cần thời gian và nhiều nguồn lực hỗ trợ về kinh phí thực hiện. Một mặt, chúng tôi đang đào tạo đội ngũ cán bộ cho phù hợp với yêu cầu mới, đồng thời chuẩn bị nội dung để có thể bắt kịp sự phát triển của xu thế. Một trong những hạng mục của dự án do Hội Nhà văn Việt Nam trình Chính phủ là bảo tàng số và phim chân dung về các nhà văn qua nhiều thời kỳ.

Trong quá trình chuẩn bị cho sự thay đổi về công nghệ, thay vì đợi chờ, chúng tôi đã chủ động làm mới mình bằng cách kết hợp cùng công ty du lịch xây dựng tour du lịch đêm văn học để công chúng có thể được thưởng thức, trải nghiệm và có những cảm nhận mới về giá trị của văn học trong Bảo tàng. Chủ đề đầu tiên chúng tôi muốn giới thiệu là “chữ Tâm-chữ Tài” trong văn chương ở Bảo tàng Văn học Việt Nam. Để ra mắt được tour du lịch đêm, chúng tôi đã chuẩn bị công phu trong nhiều tháng từ nội dung đến hình thức thể hiện. Chúng tôi hy vọng, sự ra mắt của tour du lịch văn học sẽ đáp ứng được nhu cầu của công chúng và được đón nhận rộng rãi.

Khách tham quan trải nghiệm tour đêm tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. Ảnh: DƯƠNG THU

PV: Ở Việt Nam, ngoài Bảo tàng Văn học Việt Nam, có một số cá nhân cũng tự tạo không gian trưng bày, lưu niệm văn học, có thể kể đến như: Dịch giả Hoàng Thúy Toàn có nhà lưu niệm văn học Nga-Việt Nam, Bảo tàng Sách và Văn hóa đọc của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng. Theo chị, việc phát huy những không gian như vậy có ý nghĩa như thế nào với nền văn chương, văn hóa dân tộc? Và cần có sự quan tâm như thế nào để phát triển các bảo tàng, không gian cho văn học?

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Việc các nhà văn, nhà thơ hay một cá nhân tạo dựng được không gian trưng bày, một bảo tàng mi ni cho riêng mình là việc làm có ý nghĩa lớn đối với nền văn chương và văn hóa dân tộc. Các nhà văn, nhà thơ chính là chủ thể-người sáng tạo ra các tác phẩm văn chương, giờ họ lại có ý thức trong việc bảo tồn, gìn giữ di sản văn chương của mình và đất nước thì không gì bằng. Hay một cá nhân nào đó khi tạo dựng không gian riêng cho văn học, tôi tin đó là người yêu quý, trân trọng văn chương. Việc họ gìn giữ những di sản văn chương cho mình thực ra cũng chính là gìn giữ cho đất nước.

Tiếp đến, khi các khu lưu niệm mở cửa, những nhà văn, nhà thơ, chủ nhân của nó (hoặc con, cháu họ) lại là người tương tác trực tiếp với khách qua việc giới thiệu và kể câu chuyện về hiện vật. Như thế, họ vừa là chủ thể của văn hóa, vừa là hiện vật sống của khu lưu niệm thì sự hấp dẫn, lan tỏa sẽ tăng lên rất nhiều.

Hơn nữa, nhà văn, nhà thơ chính là niềm tự hào của gia đình, dòng tộc, địa phương và đất nước. Khi xây dựng được khu lưu niệm tại nơi mình sinh sống cũng sẽ góp phần rất lớn tạo nên sự giàu có của môi trường văn hóa, không gian văn hóa cho địa phương; thúc đẩy niềm tự hào, phấn đấu cho các thế hệ sau.

Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà văn, nhà thơ khi làm không gian lưu niệm thường gặp những hạn chế, như là về không gian dành cho lưu niệm; xây dựng nội dung trưng bày; lưu trữ và bảo quản tài liệu, hiện vật... Nếu không làm đúng, khoa học ngay từ đầu thì sẽ có nhiều việc đáng tiếc có thể xảy ra, điển hình như nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng đã bị “xóa” hoàn toàn, để lại nhiều tiếc nuối trong lòng người yêu văn chương và công chúng. Theo tôi, để các không gian lưu niệm như vậy phát huy được những giá trị tích cực rất cần sự quan tâm, hướng dẫn bởi các đơn vị văn hóa, nhất là ở địa phương. 

PV: Trân trọng cảm ơn chị!

Trên thế giới không nhiều quốc gia có bảo tàng văn học. Nhật Bản được biết đến là quốc gia có nhiều bảo tàng văn học, tưởng niệm các nhà văn, như: Bảo tàng Văn học Kamakura, Bảo tàng văn học thành phố Kobe; Bảo tàng Văn học Syusaku Endo; Bảo tàng tưởng niệm Ichiyo; Bảo tàng tưởng niệm Natsume Soseki; Bảo tàng tưởng niệm Miyazawa Kenji; Bảo tàng tưởng niệm Osamu Dazai.

Bảo tàng Ernest Hemingway được cho là địa điểm cần phải đến khi tới Cu Ba. Đây là nơi nhà văn Hemingway từng sống và cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng. Sau khi ông qua đời, ngôi nhà được chính phủ giữ gìn, tu sửa và tới năm 2007 chính thức mở cửa trở lại. Bảo tàng trưng bày những kỷ vật, dấu tích của nhà văn và hàng nghìn cuốn sách.

 DƯƠNG THU (thực hiện)

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.