• Click để copy

Gỡ bỏ rào cản

Rào cản chính đối với kế hoạch mua các máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon của Thổ Nhĩ Kỳ đã được gỡ bỏ sau khi Đức chấp thuận thương vụ này.

Türkiye Today mới đây dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler phát biểu với truyền thông trong nước tuyên bố: "Chúng ta sẽ có 40 máy bay Eurofighter Typhoon. Mặc dù Đức đã do dự trong một thời gian dài, song với những đóng góp mang tính xây dựng của các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Italy, Anh và Tây Ban Nha, họ cuối cùng đã có phản hồi tích cực".

Türkiye Today cho biết, máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon thuộc dự án chung do Anh, Đức, Italy và Tây Ban Nha cùng hợp tác phát triển, với tỷ lệ cổ phần đóng góp lần lượt là 33%, 33%, 21% và 13%. Eurofighter Typhoon được cho là dự án hợp tác quốc phòng "thành công nhất của châu Âu", thu hút sự tham gia của các tập đoàn hàng đầu như: BAE Systems, Airbus Defence & Space, Leonardo. Đây là máy bay chiến đấu đa nhiệm có khả năng "cung cấp đồng thời các năng lực không đối không và không đối đất", có thể mang bom dẫn đường bằng laser Paveway IV cùng nhiều loại tên lửa như: Meteor, AMRAAM, ASRAAM, IRIS-T, Storm Shadow, Brimstone...

Theo Tạp chí The National Interest, Eurofighter Typhoon là một trong những máy bay chiến đấu không tàng hình tốt nhất được biên chế hiện nay. Việc xuất khẩu máy bay Eurofighter Typhoon bắt buộc phải có sự chấp thuận của Anh, Đức, Italy và Tây Ban Nha. Eurofighter Typhoon hiện nằm trong biên chế của quân đội 9 quốc gia, gồm: Đức, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Áo, Kuwait, Oman, Qatar và Saudi Arabia. Đến nay, đã có hơn 680 chiếc Eurofighter Typhoon được đặt hàng.

Gỡ bỏ rào cản
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại cuộc họp báo chung ở Istanbul, tháng 10-2024. Ảnh: Getty Images 

Từ năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố kế hoạch mua 40 máy bay Eurofighter Typhoon trong một thương vụ có tổng trị giá khoảng 5,6 tỷ USD và dự kiến được thực hiện theo hai giai đoạn. Trang mạng Bulgarian Military cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua các máy bay Eurofighter Typhoon vừa nhằm hiện đại hóa lực lượng không quân, vừa nhằm "đáp trả chiến lược" trước việc bị Mỹ loại khỏi chương trình máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35. Thương vụ Eurofighter Typhoon cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ "công cụ" để đa dạng hóa các quan hệ đối tác quốc phòng và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Trang mạng Turkish Minute dẫn lời chuyên gia quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Yurtsever đánh giá việc mua Eurofighter Typhoon là "giải pháp tạm thời tối ưu" đối với Ankara cho đến khi các máy bay tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất và các máy bay tiêm kích nội địa thế hệ thứ 5 KAAN chính thức được bàn giao.

Điều đáng nói là ngay từ đầu, Đức đã không đồng ý bán các máy bay Eurofighter Typhoon cho Thổ Nhĩ Kỳ. Lý do, theo giới phân tích, xuất phát từ việc Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất từng vấp phải sự phản đối của nhiều đồng minh trong liên minh quân sự, trong đó có Đức. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức còn bất đồng quan điểm về chiến dịch quân sự của Ankara tại Syria cũng như cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại dải Gaza. Tờ DW lưu ý rằng Đức đã siết chặt xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2016, sau vụ đảo chính bất thành mà Ankara cáo buộc giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen là chủ mưu cũng như sau chiến dịch quân sự trên bộ mà Ankara phát động tại miền Bắc Syria.

Chính vì vậy, thông tin thương vụ Eurofighter Typhoon được Đức chấp thuận, theo trang mạng Bulgarian Military, đánh dấu một bước chuyển quan trọng. Nguyên nhân một phần là nhờ các nỗ lực ngoại giao của các đồng minh NATO là Italy, Anh và Tây Ban Nha. Cũng không thể bỏ qua một thực tế là Anh, Đức, Italy và Tây Ban Nha muốn củng cố vị thế của dòng máy bay Eurofighter Typhoon trên thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu trước sự cạnh tranh khốc liệt từ dòng máy bay F-35 của Mỹ. Sức hút của máy bay F-35 được cho là đã khiến các đơn đặt hàng máy bay Eurofighter Typhoon giảm mạnh, tạo sức ép về tài chính đối với 4 quốc gia tham gia dự án do chi phí sản xuất, bảo dưỡng tăng lên trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp khó khăn.

Tờ DW lưu ý rằng trước khi đồng ý bán máy bay Eurofighter Typhoon cho Thổ Nhĩ Kỳ, xuất khẩu vũ khí của Đức sang quốc gia này đã gia tăng trở lại. Từ một con số cách đây vài năm, trong năm 2024, Chính phủ Đức đã phê duyệt các đơn hàng xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ với tổng trị giá 112 triệu USD - mức cao nhất kể từ năm 2011. Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Istanbul hồi tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã đánh tiếng rằng thương vụ Eurofighter Typhoon "sẽ tiếp tục có bước tiến". "Thương vụ Eurofighter Typhoon có thể giúp giảm bớt một số căng thẳng trong NATO", trang mạng Bulgarian Military bình luận.

HOÀNG VŨ

Bài liên quan

Tin mới

Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin

Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.

Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện

Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.

Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?

Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.

TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng

Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.

Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao

Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.

Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B

Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.