Gỡ điểm nghẽn cho nhà ở ven kênh, rạch
TP Hồ Chí Minh trong gần 20 năm qua đã có chủ trương và triển khai chương trình chỉnh trang đô thị, di dời hàng chục nghìn căn nhà ven kênh rạch, bố trí tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân sau khi di dời.
Tuy nhiên, do hệ thống kênh rạch chằng chịt, số nhà ở ven kênh rạch lớn, trải rộng ở nhiều địa bàn nên công tác di dời, chỉnh trang gặp nhiều vướng mắc, điểm nghẽn, khó khăn về nguồn lực.
Rời khỏi trung tâm thành phố, qua cầu Chánh Hưng, chúng tôi đi men theo đường Phạm Thế Hiển (quận 8) sát với dòng kênh Đôi. Tại đây, không khó để bất cứ ai đi ngang qua cũng đều nhận ngay ra những ngôi nhà lụp xụp, nửa nằm trên đất, nửa chìa ra mặt dòng kênh. Những ngôi nhà kiểu này không chỉ gây ảnh hưởng cảnh quan môi trường đô thị và mỹ quan của Thành phố mang tên Bác, mà đặc biệt còn tiềm ẩn nguy cơ sụt lún, cháy nổ.
![]() |
Khu nhà ở dọc hai bên kênh Đôi đang được TP Hồ Chí Minh huy động nguồn lực chỉnh trang, di dời. |
Anh Huỳnh Đặng Bình Quân (sinh năm 1978), ngụ tại một căn nhà dựng tạm bên dòng kênh Đôi tâm tư: “Hầu hết người dân sống dọc tuyến kênh này như gia đình tôi đều sử dụng giấy tờ nhà đất viết tay, đang đợi được cấp sổ. Những năm qua, gia đình tôi muốn sửa chữa, cải tạo nhà cũng khó, vì thiếu giấy tờ chủ quyền chính thức. Điều kiện sống hiện tại cũng đối diện với nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh, bất tiện trong sinh hoạt. Đa số người dân có nhà ven kênh mong dự án di dời các hộ dân sớm gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc để được hỗ trợ, tái định cư chỗ ở mới như người dân tại nhiều tuyến kênh khác trên địa bàn thành phố được di dời trong nhiều năm qua".
Từ năm 1993, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện việc di dời các hộ dân sống trên và ven kênh, rạch. Theo đó, giai đoạn 1993-2020, thành phố đã di dời được 38.185 căn nhà trên 65.000 căn nhà cần di dời, trung bình mỗi năm di dời được hơn 1.400 căn nhà. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X, việc di dời nhà ở ven, trên các dòng kênh, rạch thuộc địa bàn thành phố nằm trong các nội dung quan trọng của chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, cũng là một trong 7 chương trình đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020.
Đến Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, thành phố tiếp tục xác định nhiệm vụ di dời nhà ở ven, trên các dòng kênh, rạch là một trong những chương trình hành động và nhiệm vụ quan trọng nhất. Đáng chú ý, thành phố đã ban hành kế hoạch về triển khai chỉnh trang và phát triển đô thị đến năm 2030. Trong đó, có chương trình di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch với mục tiêu từ năm 2021 đến 2025 sẽ di dời 6.500 căn.
Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh nhận định, các chương trình cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố trước đây thuận lợi hơn khi có nguồn tài chính lớn từ các quỹ đất công. Khi ấy, quỹ đất dồi dào, tạo điều kiện áp dụng đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng, điều mà hiện nay rất khó thực hiện, vì hầu như đất trống không còn, pháp lý cũng thay đổi.
Trước thực trạng khó khăn trên, nhiều ý kiến cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần có giải pháp tập trung vào huy động nguồn lực tài chính và quỹ đất, bao gồm quỹ nhà ở tái định cư và các khu đất đối với những dự án cải tạo, chỉnh trang kênh, rạch; đồng thời, cũng có thể nghĩ tới giải pháp kêu gọi vốn xã hội hóa.
Từ thực trạng kinh phí hạn chế, thành phố nên chia nhỏ các dự án ra để di dời, chỉnh trang làm đẹp từng phần, hay một đoạn kênh, rạch, tạo mỹ quan thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư chỉnh trang, hỗ trợ địa phương di dời nhà ven kênh, rạch. Từ đây, công tác tháo gỡ những điểm nghẽn cho nhà ở ven kênh, rạch thuộc các phân đoạn còn lại sẽ được khởi sắc, thực hiện thuận lợi, dễ dàng hơn.
Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG
Tin mới
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.