• Click để copy

Gỡ khó trong việc đổi môn học lựa chọn

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cho khối lớp 10. Bên cạnh các môn bắt buộc, học sinh có môn lựa chọn.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, nhiều học sinh thấy mình không phù hợp với lựa chọn đó và có nguyện vọng đổi môn học. Việc chuyển đổi vào thời gian nào, học bù kiến thức ra sao là vấn đề đang được nhiều trường tìm cách tháo gỡ.

Đáp ứng nhu cầu chính đáng

Sau một học kỳ học theo chương trình mới với tổ hợp các môn lựa chọn, em Trương Đức Minh, học sinh Trường THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội) mong muốn thay đổi tổ hợp do cảm thấy không còn phù hợp. Chia sẻ về quyết định này, Trương Đức Minh cho biết: “Những môn khoa học tự nhiên ở cấp dưới không phải thế mạnh, nhưng em vẫn chọn vì mọi người nói khối này có nhiều trường đại học để chọn, cơ hội việc làm cũng tốt hơn. Nhưng học rồi em mới thấy khó khăn trong việc theo đuổi kiến thức”. Còn với Đoàn Trúc Quỳnh, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội), việc chọn môn là do chương trình mới, rất nhiều tổ hợp nên không biết chọn sao cho hợp lý và bản thân cũng chưa định hình được mình yêu thích, có thế mạnh ở môn học nào...

Gỡ khó trong việc đổi môn học lựa chọn

Một tiết học của thầy và trò Trường THCS, THPT Phenikaa (Hà Nội). 

Trường hợp của các em nói trên cũng là câu chuyện của nhiều học sinh lớp 10 đang loay hoay khi năng lực không đáp ứng được các môn học tự chọn. Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên học sinh lớp 10 phải học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc. Cùng với đó, mỗi học sinh phải chọn 3 trong số 9 môn tự chọn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc. Trong khi năm lớp 9 học sinh thường học 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để thi tuyển sinh vào lớp 10, nhiều em vẫn chưa có ý thức định hướng nghề nghiệp nên gặp nhiều bối rối trong lựa chọn tổ hợp môn theo khối thi đại học. Tương tự, học sinh có nhu cầu chuyển trường cũng gặp khó khăn khi trường mới không có tổ hợp trùng với tổ hợp môn đã lựa chọn.

Thầy Trịnh Hùng Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội) cho hay: “Kết thúc học kỳ 1 có khoảng 10-15% học sinh của trường muốn thay đổi tổ hợp môn. Dù nhà trường đã lường trước nhưng con số này vẫn khá lớn do năm nay chia tổ hợp có nhiều sự khác biệt. Hơn nữa, phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 vẫn chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố nên học sinh có nhiều băn khoăn, muốn chuyển tổ hợp môn là điều dễ hiểu. Việc chuyển đổi giữa các tổ hợp lựa chọn sẽ khiến học sinh rất vất vả bởi có những tổ hợp đòi hỏi phải có chiều sâu, nền tảng kiến thức từ trước”.

Tuy không có nhiều trường hợp học sinh chuyển đổi môn tự chọn nhưng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Hồ Chí Minh) vẫn có phương án sẵn sàng. Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Với trường hợp học sinh muốn chuyển đổi môn, nhà trường sẽ tìm hiểu, lắng nghe nguyện vọng của các em và phụ huynh. Nếu học sinh vẫn quyết định đổi thì nhà trường cho phép nhưng yêu cầu các em cam kết chỉ đổi một lần, tránh việc đổi đi đổi lại. Do đó, nếu học sinh muốn chuyển tổ hợp môn, ban thì nên chuyển càng sớm càng tốt để không bị thiệt thòi về kiến thức”.

Việc lựa chọn môn học nhằm đáp ứng năng lực, sở trường của học sinh. Tuy nhiên, một bộ phận học sinh vì nhiều lý do mong muốn đổi là nguyện vọng chính đáng. Song việc đổi tổ hợp môn lựa chọn là điều các thầy, cô không khuyến khích, bởi một khi đã thay đổi, các em sẽ phải học lại từ đầu, đi chậm hơn những bạn đã theo học trước nên cần nhiều thời gian để học bù kiến thức thiếu hụt. Điều đó có thể ảnh hưởng cả lộ trình học và ôn thi vào đại học. Học sinh cần chủ động và chắc chắn trong các phương án lựa chọn, tránh những lựa chọn cảm tính và nhất thời.

Công tác định hướng cần sớm hơn

Trước những khó khăn phát sinh, Bộ GD-ĐT vừa ban hành Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập. Tinh thần chung là khi đã lựa chọn môn học tự chọn phải giữ cố định đến hết lớp 12. Trường hợp học sinh có nguyện vọng chuyển đổi thì chỉ thực hiện vào cuối năm học và cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới.

Nhận định thời điểm chuyển vào cuối năm học vừa thuận lợi, vừa khó khăn, cô Đoàn Thu Hà, Phó hiệu trưởng Trường THCS, THPT Phenikaa (Hà Nội) cho hay: “Học sinh sẽ có cả đợt nghỉ hè để đẩy mạnh việc học và hoàn thành kiến thức môn lựa chọn. Tuy nhiên, các em sẽ đối diện với không ít khó khăn do lượng kiến thức bị dồn tụ cả năm. Tuy chưa có học sinh nào có nguyện vọng đổi môn học, chuyên đề học tập, nhưng nhà trường đã chuẩn bị mọi tình huống. Trường sẵn sàng tiếp nhận học sinh chuyển đến trên cơ sở học lực của các em, sự đồng hành của gia đình. Trường cũng sẽ cử giáo viên hỗ trợ về tài liệu, định hướng học tập, học trực tuyến một số buổi trong giai đoạn nghỉ hè".

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập được thực hiện vào cuối năm học là cần thiết để học sinh có kết quả điểm cả năm học, từ đó hoàn thành học bạ trong năm học đó. Tuy nhiên, điều quan trọng là công tác truyền thông, hướng dẫn, định hướng phải được làm sớm, giúp học sinh chọn đúng môn học phù hợp ngay từ đầu, hạn chế thấp nhất việc chuyển môn giữa chừng. Muốn vậy, các trường THPT phải công khai sớm những phương án nhóm môn lựa chọn để các phòng GD-ĐT, trường THCS nắm được, từ đó phối hợp truyền thông, định hướng cho học sinh ngay từ lớp 9.

Lưu ý với những thí sinh muốn chuyển đổi, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho hay, việc thực hiện chuyển đổi môn học, chuyên đề học tập vào cuối năm học không có nghĩa lúc đó học sinh mới bắt đầu bù đắp kiến thức môn học mới mà cần chủ động lên kế hoạch thực hiện ngay khi có ý định chuyển đổi, cùng với trách nhiệm hoàn thành môn đang học. Nhà trường có thể linh động trong việc hỗ trợ học sinh bù đắp kiến thức, kỹ năng; tạo điều kiện cho các em học một số tiết môn mới ở lớp em đó muốn chuyển sang.

Gỡ khó trong việc đổi môn học lựa chọn

Học sinh Trường THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội) tham gia hoạt động học tập nhóm

Ông Nguyễn Xuân Thành cũng nhấn mạnh: “Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH là hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT, không phải hướng dẫn chuyển trường. Việc chuyển trường vẫn được thực hiện theo đúng quy định nhưng cần bảo đảm việc chuyển môn học vào cuối năm học”. Về việc học sinh có nhu cầu chuyển trường nhưng trường mới không có lớp học trùng hoàn toàn 4 môn học đã lựa chọn ở trường cũ, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng hiện các trường đều dạy đủ 7 trong 9 môn lựa chọn (trừ Âm nhạc, Mỹ thuật chưa có đủ giáo viên nên chưa tổ chức), nên dù học sinh chọn tổ hợp nào trong 7 môn đó, trường mới cũng có thể tổ chức cho học sinh học tiếp các môn học đã lựa chọn. Trường tiếp nhận có thể bố trí học sinh vào lớp có nhiều môn học chung nhất, môn còn lại cho học sinh học ở lớp khác một cách phù hợp.

Việc học sinh cảm thấy không phù hợp và muốn thay đổi môn lựa chọn dù chỉ là con số ít nhưng cần được lắng nghe và giải quyết. Bởi đó không chỉ là chuyện lựa chọn môn học hôm nay mà còn là tương lai của các em sau này. Đổi mới bao giờ cũng nảy sinh vấn đề, nếu giải quyết kịp thời thì đổi mới giáo dục sẽ mang lại hiệu quả.

Bài và ảnh: THU HÀ

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.