Góc nhìn giáo dục: 2.000 câu hỏi và lời hứa qua 4 đời bộ trưởng
Cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) với các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục kết thúc mà 2.000 câu hỏi về vấn đề lương, phụ cấp của nhà giáo còn “lửng lơ” ở đó. Vậy là qua 4 đời bộ trưởng, bài toán tăng lương cho giáo viên vẫn là những lời hứa và... sự chờ đợi.
Lần đầu tiên, "tư lệnh" ngành giáo dục tổ chức cuộc gặp dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến để nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của “người trong nhà” trước thềm năm học mới. Trong số hơn 6.500 câu hỏi được gửi về, gần 1/3 số đó bày tỏ về mức lương không đủ sống, không đủ để trụ được với nghề.
Gần hai thập kỷ trôi qua, kể từ khi còn là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, năm 2006, ông Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố: “Năm 2010, giáo viên có thể sống được bằng lương”, một lời hứa khiến gần 800.000 giáo viên cả nước lúc đó tràn đầy hy vọng. Năm 2010, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng nói: “Đã đề xuất cải cách lương giáo viên”. 5 năm sau, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ lại chia sẻ: “Lương giáo viên là món nợ mà tôi day dứt”. Tới tháng 4-2021, bức tâm thư gửi tới toàn ngành giáo dục của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tiếp tục bày tỏ: “Tôi mong đời sống người giáo viên được cải thiện hơn”. Đến giờ, cả nước có khoảng 1,6 triệu giáo viên và ước vọng “sống được bằng lương” của họ vẫn ở đâu đó trong tương lai.
Toàn cảnh cuộc đối thoại, gặp gỡ trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ GDĐT với các nhà giáo, cán bộ toàn ngành. Ảnh: VTV |
Năm 1996, Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 đã khẳng định: Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc. Năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tiếp tục khẳng định lại quan điểm này.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, mức lương trung bình của người lao động Việt Nam năm 2022 là 6,7 triệu đồng/tháng. Trong khi mức lương trung bình của giáo viên chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Đây là nguyên nhân khiến “làn sóng” giáo viên nghỉ việc dâng cao thời gian vừa qua.
Phải nhìn nhận một thực tế, lương giáo viên trong thang bảng lương chung hiện nay so với viên chức cùng loại là tương đương. Nhưng với vai trò quan trọng trong việc giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, là nền tảng của sự phát triển kinh tế-xã hội, mức lương đó chưa tương xứng với công việc và trách nhiệm mà họ phải gánh vác.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại cho thấu đáo. Hiện số lượng người trong ngành giáo dục hưởng lương chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Bởi vậy, một thay đổi nhỏ cũng dẫn tới ảnh hưởng lớn. Mong muốn thì nhiều, nhưng có lẽ con số phụ cấp ưu đãi tăng lên 10% cho giáo viên mầm non và 5% cho giáo viên tiểu học dù mới là dự kiến nhưng đó cũng là lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ có thể hứa lúc này. Đây là những nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị nhằm thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên.
Giải quyết vấn đề này, việc tăng lương giáo viên không nên mặc nhiên coi là nhiệm vụ của Trung ương, của ngành giáo dục, mà cũng là một nhiệm vụ của các địa phương. Nếu cứ luẩn quẩn mãi trong việc tìm giải pháp tăng lương giáo viên bằng ngân sách, chúng ta sẽ dễ rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”. Câu chuyện thu nhập của giáo viên là bài toán mà cả giáo dục công và tư có thể cùng giải quyết. Khi giáo dục tư nhân được khuyến khích phát triển, áp lực trả lương trong khu vực công vì thế được giảm bớt. Đặc biệt, cần hướng tới xây dựng bảng lương giáo viên theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Giáo viên sẽ có động lực làm việc tốt hơn khi được trả lương xứng đáng với vị trí, vai trò của mình.
Hy vọng những trăn trở cải cách tiền lương của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ không chỉ là lời hứa trong nhiệm kỳ của mình.
THÁI AN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.