“Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” trong ký ức người ở lại
Trong 12 ngày đêm (từ 18 đến 30-12-1972), quân và dân miền Bắc, trong đó có Hà Nội đã kiên cường chiến đấu, đánh trả cuộc tập kích chiến lược của quân đội Mỹ.
Chiến dịch Linebacker II là cuộc tập kích chiến lược của lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam. Các vị trí quân sự, đầu mối giao thông, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, thậm chí những công trình phúc lợi như bệnh viện, trường học, nhà ga, những khu phố đông dân cư đều trở thành mục tiêu của bom Mỹ. Sau những trận bom rải thảm là hàng trăm người dân vô tội bị sát hại, hàng nghìn ngôi nhà và nhiều công trình xã hội bị hỏng hoặc bị phá hủy hoàn toàn.
Dưới mưa bom bão đạn, các lực lượng vũ trang mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không-Không quân đã chủ động, sáng tạo cùng nhân dân Thủ đô phát huy sức mạnh đánh địch. Bám trụ trận địa, những người con quả cảm vẫn bền gan, vững chí, quyết tâm tiêu diệt máy bay địch, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất của quân đội Mỹ.
Nhân dịp kỷ niệm 51 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972/12-2023); kỷ niệm 50 năm trao trả phi công Mỹ (1973 - 2023), Báo Quân đội nhân dân Điện tử ghi lại cảm xúc của những nhân chứng lịch sử đã trực tiếp chiến đấu trong 12 ngày đêm khói lửa và chia sẻ của ông Thomas Eugene Wilber- con trai của một phi công Mỹ từng bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò:
Đại tá Nghiêm Đình Tích, Anh hùng LLVTND, nguyên Đài trưởng P-35, Đại đội 45, Trung đoàn 291, Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không-Không quân
“Tôi vô cùng tự hào trước thắng lợi của Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”
Năm nay tôi gần 80 tuổi, từng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội năm xưa, tôi vô cùng tự hào trước thắng lợi của trận chiến đấu “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vĩ đại của quân và dân Thủ đô cũng như cả dân tộc, trong đó lực lượng Phòng không-Không quân là nòng cốt. Cả thế giới đều rất khâm phục về chiến lược, chiến thuật tài giỏi của quân và dân Việt Nam.
Trong bom đạn, không phải chỉ có người Hà Nội mà cả dân tộc Việt Nam lúc đó đã đoàn kết thành một khối thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để dồn sức đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Đại tá Nghiêm Đình Tích và bức ảnh năm xưa. |
Đất nước ngày nay đã hết chiến tranh và người dân được hưởng hạnh phúc trong hòa bình thì phải tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc, đời đời ghi nhớ công lao to lớn của các nhà cách mạng tiền bối trong sự nghiệp giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
—————-
Ông Nguyễn Văn Hùng, Pháo thủ số 1, Trung đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Lương Yên:
“Trân quý tình đồng chí, nghĩa đồng bào trong những ngày Hà Nội bị đánh phá”
Những ngày cuối tháng 12-1972, người dân Hà Nội khi đó không ngủ, thậm chí việc ăn uống cũng chỉ tranh thủ lúc chưa bị bom Mỹ đánh phá. Ngay tại trận địa được lập trên phố, chúng tôi ăn vội vàng bát cơm mà đồng bào tiếp tế, rồi lại ai vào việc nấy.
Lúc đó tình đồng chí, nghĩa đồng bào của người dân Thủ đô rất đáng trân quý; nhà ai có mỳ, có gạo đều mang ra cho bộ đội, cùng ăn và cùng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Pháo thủ số 1, Trung đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Lương Yên nhìn lại bức hình khi chiến đấu bảo vệ Hà Nội năm xưa. |
Triển lãm trưng bày “Thang âm cuộc chiến” do Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức vào những ngày đầu tháng 12-2023 vô cùng ý nghĩa, giúp thế hệ ngày nay nhìn lại quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc. Đây là lần thứ ba tôi đến thăm di tích này và rất vinh dự khi được trở thành một trong những nhân chứng lịch sử để kể những câu chuyện năm xưa cho các bạn trẻ ngày nay. Mặc dù đã hơn 50 năm trôi qua nhưng khi đến đây, được xem lại hình ảnh của mình thì ký ức về những ngày tháng đó lại ùa về.
Giờ đây khi được sống trong hòa bình và nghĩ lại những năm tháng chiến đấu gian khổ mới cảm nhận được giá trị của độc lập, tự do.
Lúc Hà Nội chiến thắng thì không phải riêng cá nhân tôi mà toàn dân tộc Việt Nam đều vui mừng bởi cuộc chiến tranh quá dài, quá gian khổ mà giờ hòa bình thì đó là điều rất vui sướng.
——————
Ông Thomas Eugene Wilber- con trai của một cựu phi công Mỹ từng bị giam tại Trại giam Hỏa Lò (Di tích Nhà tù Hỏa Lò hiện nay):
“Hà Nội là thành phố vì hòa bình”
Tôi là con trai của Trung tá Hải quân Mỹ Walter Eugene Wilber. Ngày 16-6-1968, cha tôi cùng một phi công nữa lái máy bay ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam. Chiếc máy bay này bị bắn rơi tại Nghệ An, ông nhảy dù và may mắn sống sót, rồi ông bị bắt và được đưa về giam tại Trại giam Hỏa Lò tháng 12-1972.
Giờ đây, chiến tranh không còn nữa và tôi rất thích được đến Hà Nội, Việt Nam. Tôi đã đến thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò 43 lần và lần nào đến Việt Nam tôi cũng đến đây. Những ngày tháng 12 này, tôi trở lại Hà Nội và cảm nhận rằng, bước chân của tôi ở Nhà tù Hỏa Lò cũng chính là bước chân của cha tôi đã từng đi cách đây hơn 50 năm. Do vậy, tôi cảm thấy Hà Nội rất thân thuộc như ngôi nhà thứ hai của mình. Cha tôi bị giam ở đây vào năm 1968 và được ra tù năm 1973, đó cũng chính là lý do mà di tích Nhà tù Hỏa Lò gắn liền với cuộc sống của gia đình tôi.
Ông Thomas Eugene Wilber- con trai của cựu phi công Mỹ trò chuyện với thuyết minh viên khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, bên phải là bức hình của cha ông. |
Năm 2014 lần đầu tiên tôi đến đây và lúc đó tôi đã cảm nhận được sự ấm áp của mảnh đất này, tình cảm của người dân Việt Nam luôn bao dung và thân thiện.
“Hà Nội-thành phố vì hòa bình” người dân Hà Nội cũng như Việt Nam luôn đấu tranh vì hòa bình và chúng tôi được những người Việt Nam đối xử từ thời của cha tôi đến thế hệ tôi đều trong chữ hòa bình, điều đó càng thể hiện được Hà Nội chính là thành phố vì hòa bình.
KHÁNH HUYỀN (ghi)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.