Hà Nội điều chỉnh giá nước sạch như thế nào?
Dự kiến từ ngày 1-7, Hà Nội thực hiện phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn. Việc điều chỉnh xuất phát từ thực tiễn do sự thay đổi về cơ chế, chính sách, biến động các chi phí cấu thành giá nước sạch, trong khi giá nước sạch hiện tại được áp dụng từ năm 2013.
Bảo đảm cấp đủ nước sạch cho người dân
Sở Tài chính Hà Nội cho biết, giá nước sạch sinh hoạt tại Hà Nội đã và đang được áp dụng theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19-9-2013 của UBND TP Hà Nội. Đến nay, phương án giá này đã thực hiện được 10 năm, trong khi các yêu cầu về nâng cao chất lượng cấp nước, mở rộng vùng phục vụ cấp nước; quy định về khung giá, nguyên tắc, xác định chi phí giá nước đã có sự thay đổi, các chi phí cấu thành giá nước đều tăng.
Cụ thể, tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong đó định hướng phát triển “… quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu,….”; xác định chỉ tiêu về môi trường đến năm 2025: “Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100%, của dân cư nông thôn là 93-95%”... Nghị quyết Đại hội Đại biểu đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII cũng đưa ra chỉ tiêu đến năm 2025: “Tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 100%”.
Như vậy có thể thấy, trong giai đoạn này, Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội đều hướng tới phục vụ người dân, mở rộng phạm vi phục vụ cấp nước, để mọi người dân đô thị và nông thôn đều được tiếp cận, sử dụng nước sạch. Đi đôi với đó là quản lý, khai thác nguồn tài nguyên nước hiệu quả, bền vững, hợp lý, tiết kiệm,...
Công nhân kiểm tra hệ thống lọc nước tại Nhà máy Nước Yên Phụ. |
Tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục, ngày 28-8-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg; trong đó, quan điểm, chỉ đạo, các giải pháp cụ thể đó là ưu tiên đầu tư công trình cấp nước nhằm cung ứng đầy đủ, liên tục và bảo đảm chất lượng nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2016 trở về trước, khi thành phố chưa đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hệ thống cấp nước, công tác cấp nước sạch trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, thành phố đã phải thực hiện cấp nước luân phiên theo giờ, theo ngày cho từng khu vực dân cư để cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch thiết yếu của nhân dân. Tuy nhiên, trong những tháng cao điểm hè, khi nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao, nước sạch không bảo đảm cung cấp, nhiều khu dân cư rơi vào tình trạng thiếu nước, mất nước kéo dài...
“Việc đầu tư các công trình cấp nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Không chỉ nâng tổng nguồn cung nước sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của nhân dân, mà còn góp phần bảo đảm cấp nước liên tục, không còn tình trạng cấp luân phiên theo giờ, theo ngày, theo khu vực”- ông Lê Văn Du, Phó trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) chia sẻ.
Các đơn vị cấp nước có đủ nguồn lực
Đặc biệt, theo Sở Tài chính Hà Nội, quy định về xác định giá nước sạch sinh hoạt cũng đã có sự thay đổi. Cụ thể, tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18-6-2021 của Bộ Tài chính về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt, có quy định “Hằng năm, đơn vị cấp nước chủ động rà soát việc thực hiện phương án giá nước sạch và giá nước sạch dự kiến cho năm tiếp theo. Trường hợp các yếu tố chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch biến động làm giá nước sạch năm tiếp theo tăng hoặc giảm, đơn vị cấp nước lập hồ sơ phương án giá nước sạch gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND cấp tỉnh xem xét quyết định, điều chỉnh”.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh phương án giá nước sạch còn do chính sách của Nhà nước trong việc hạn chế khai thác nước ngầm. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trước năm 2016, tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung của TP là khoảng 900.000m3/ngày-đêm. Trong đó, nguồn nước ngầm công suất khoảng 700.000m3/ngày-đêm, nguồn nước mặt khoảng 200.000m3/ngày-đêm.
Hiện nguồn nước ngầm TP đang khai thác là 780.000m3/ngày-đêm. Nếu khai thác quá mức nước ngầm sẽ dẫn đến việc hạ thấp mực nước, gây ra tình trạng sụt lún mặt đất, chất lượng nước ngầm suy giảm, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước... gây hệ quả đến các công trình xây dựng, môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư.
Theo Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 6-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến khai thác nguồn nước ngầm giai đoạn đến năm 2025 xuống còn khoảng 615.000m3/ngày-đêm; đến năm 2030 còn khoảng 504.000m3/ngày-đêm và đến năm 2050 còn khoảng 413.000m3/ngày-đêm.
Tại thời điểm năm 2022, Hà Nội có 3 nhà máy sản xuất từ nguồn nước mặt, công suất đạt 750.000m3/ngày-đêm, chiếm 49% sản lượng nước sạch cung cấp cho thành phố. So với thời điểm trước đây, cơ cấu nguồn nước mặt của thành phố đã tăng lên, bổ sung nguồn cấp cho các đơn vị và dần dần thay thế các nguồn giếng ngầm không bảo đảm chất lượng.
Theo Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp, sản xuất nước sạch sinh hoạt từ nước mặt đòi hỏi công tác xử lý nước nhiều hơn so với nước ngầm, do đó, giá thành sản xuất và lưu thông nước sạch sẽ tăng hơn.
Ngoài ra, theo Sở Xây dựng Hà Nội, ngày 14-12-2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BYT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1:2018/BYT), thay thế quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT, QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Trong đó, yêu cầu chất lượng nước sạch cao hơn để bảo đảm sức khỏe cho người dân. Để xử lý nước đạt QCVN 01-1:2018/BYT, các đơn vị lưu thông cần đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống cấp nước cũ, tăng cường công tác kiểm định, thay thế nguồn nước cấp để bảo đảm nước sạch cấp đến người dân. Do vậy, giá nước cần được điều chỉnh để các đơn vị cấp nước có đủ nguồn lực tiếp tục đầu tư cải tạo và kiểm soát, nâng cao chất lượng nước sạch bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Đặc biệt, việc Hà Nội phải thực hiện điều chỉnh giá nước sạch lần này còn bởi biến động của các chi phí cấu thành giá nước sạch. Sở Tài chính Hà Nội cho biết, Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19-9-2013 ban hành giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn TP và Quyết định số 39/2013/QĐ-UBND ngày 19-9-2013 phê duyệt phương án giá tiêu thụ nước sạch không dùng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn TP đến nay đã thực hiện được 10 năm. Hiện tổng thể các chi phí cấu thành giá đều tăng: Tiền lương tối thiểu vùng tăng 99,14%, mức lương cơ sở tăng 29,56%; chi phí điện năng tăng 29,7%; các loại thuế, phí cũng đều đã điều chỉnh tăng như: Thuế Tài nguyên khai thác nước ngầm tăng từ 3% đến 5%, chi phí thuế tài nguyên tăng 122,2%; chi phí dịch vụ môi trường rừng tăng 30%; từ năm 2017, Chính phủ còn bổ sung thuế khai thác tài nguyên nước.
Theo Sở Tài chính Hà Nội, mức tăng theo phương án điều chỉnh mới cơ bản không tác động nhiều tới thu nhập của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt khi số tiền phải chi thêm theo nhu cầu tiêu dùng thực tế đối với hộ gia đình tại Hà Nội ở khu vực nội thành khoảng 15.000-26.000 đồng/tháng, khu vực nông thôn khoảng 10.000-13.000 đồng/tháng.
Bài, ảnh: LINH CHI
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.