Hà Nội ngàn năm vang vọng: Tặng phẩm quốc gia “Đầu rồng Thăng Long”
Đầu rồng thời Trần ở Hoàng thành Thăng Long có mã định danh hiện vật là Đầu rồng C7-5201, được công nhận là Bảo vật quốc gia lần thứ 11, là minh chứng cho sự kế thừa và tiếp nối Thăng Long của nhà Trần.
Tượng đầu rồng Hoàng thành Thăng Long được tìm thấy tại hố khai quật C7 thuộc lớp nền sân cải tạo, sửa chữa sân phía Tây của kiến trúc bát giác thời Lý, Trần, Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội). Theo PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, hiện vật xuất lộ trong địa tầng ổn định giúp các nhà nghiên cứu nhận diện bộ mái kiến trúc thời Lý-Trần.
Theo hồ sơ bảo vật, Đầu rồng C7-5201 là khối tượng tròn, cao 60cm. Đầu rồng thể hiện rồng ở tư thế chuyển động, bờm và mào chuyển động mạnh với nhiều khúc uốn lượn, hướng về phía trước. Đầu rồng có má phình rộng; miệng mở to, ngậm ngọc báu, răng thể hiện rõ ràng; mũi và môi trên biến thành mào lửa hình lôi văn chữ S. Răng nanh dài và uốn cong lên theo mào lửa. Lưỡi nhỏ dài bao ngoài ngọc báu và cũng uốn lên môi trên theo mào lửa. Mắt to tròn và nổi rõ, lông mày dài thành dải bay ngược lên trên. Tai to, rộng, được tạo thế uốn lượn theo chuyển động của mào và bờm. Thân phủ kín vảy.
Bảo vật quốc gia Đầu rồng Thăng Long đang được bảo quản, trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội |
Sau khi phát hiện, hiện vật được đưa lên khỏi hố, làm sạch, đặt ký hiệu, lập hồ sơ và được gắn chắp, phục nguyên phần vỡ bằng bột đá và keo hai thành phần. Phần phục chế được làm lại màu với sắc độ có chút khác biệt so với phần nguyên. Năm 2014, Viện Khảo cổ học bàn giao Đầu rồng C7-5201 cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội thống nhất quản lý, trưng bày, giới thiệu. Năm 2023, Đầu rồng Thăng Long là một trong 27 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
PGS, TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, đến nay, Thăng Long là nơi phát hiện nhiều tiêu bản rồng nhất. Tượng rồng thường được đặt trang trí trên bộ mái, ở đầu kìm, tức là ở đỉnh đầu hồi của công trình, tượng trang trí ở vị trí này thường được gọi là con Kìm; vị trí thứ hai đặt tượng rồng là ở điểm kết thúc của bờ chảy. Ở vị trí này, tượng thường được gọi chung là con Sô. Đầu rồng Thăng Long C7-5201 thuộc nhóm thứ nhất, tức con Kìm. Căn cứ hình dáng, kỹ thuật chế tác, địa tầng xuất lộ tượng đầu rồng Hoàng thành Thăng Long được làm dưới thời Trần, có niên đại vào khoảng thế kỷ 13.
So sánh với các tiêu bản khác đã được biết đến, Đầu rồng Thăng Long C7-5201 thuộc nhóm có kích thước lớn. Phiên bản đầu rồng lớn nhất hiện biết là đầu rồng thời Lý phát hiện tại hố A11, tiêu bản này chỉ còn phần mào, đã được phục nguyên chiều cao tượng 110cm.
“Toàn bộ hình thái kiến trúc cung điện thời Lý, trong đó có phiên bản đầu rồng, được Viện Nghiên cứu Kinh thành phục dựng bằng công nghệ 3D và chiếu sáng nghệ thuật giúp người xem có thể dễ dàng hình dung về quy mô và vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa, tại tầng hầm 1 tòa Nhà Quốc hội. Viện đang tiếp tục nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phục dựng các hiện vật thời Trần, đặc biệt trong đó là Bảo vật quốc gia Đầu rồng Thăng Long”, PGS, TS Bùi Minh Trí cho hay.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, hình tượng rồng thường xuất hiện trong các công trình văn hóa xưa, ít được hình tượng hóa trong ngày nay. Theo ông, cần phục hưng hình tượng rồng, nhất là những hình tượng được khai quật trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Ông đề xuất, nên chăng những hình tượng rồng-bảo vật quốc gia này được các nghệ nhân làng nghề gốm, đồng... lấy làm mẫu để chế tác nên những sản phẩm làm quà tặng quốc gia, trở thành đồ lưu niệm ý nghĩa mang cả giá trị văn hóa và kinh tế, góp phần quảng bá, lan tỏa di sản của cha ông ngàn đời để lại.
VIỆT LAM
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.