Hạn chế rủi ro khi đăng ký xét tuyển
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ ngày 4 đến 17 giờ ngày 13-5, thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Từ kinh nghiệm xử lý các sai sót trong mùa tuyển sinh đại học năm 2022, các chuyên gia giáo dục khuyến cáo thí sinh cần có "chiến thuật" khi đăng ký xét tuyển nhằm hạn chế rủi ro.
Nắm vững quy chế
Năm nay, bên cạnh một số trường hợp đặc biệt được phép đăng ký trực tiếp, tất cả các khâu trong quá trình tuyển sinh sẽ được thực hiện trực tuyến tới khâu cuối cùng là xác nhận nhập học. Bởi vậy, thí sinh cần phải nghiên cứu kỹ Quy chế tuyển sinh, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, cũng như của các trường để thực hiện đúng, đủ, hạn chế sai sót khi đăng ký dự thi (ĐKDT).
Từ thực tiễn triển khai năm 2022, thầy Lê Văn Thọ, giáo viên phụ trách công nghệ thông tin, Trường THPT Lục Nam (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) rút ra một số kinh nghiệm nhằm giúp học sinh thực hiện tốt hơn việc ĐKDT. Học sinh được tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin qua bộ môn Tin học, sao cho 100% đều thực hiện được việc ĐKDT trực tuyến. Thí sinh thường chỉ tập trung vào nội dung chọn nguyện vọng nên có thể lơ là các thông tin đặc biệt quan trọng khác liên quan đến tài khoản trực tuyến của các em trên hệ thống thi tốt nghiệp như số điện thoại và địa chỉ email. Số điện thoại và địa chỉ email đó còn dùng để đăng ký và nộp kinh phí nguyện vọng trực tuyến sau khi học sinh có kết quả thi.
Học sinh Trường THPT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An được nâng cao năng lực sử dụng tin học. |
Nhấn mạnh việc thí sinh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu ĐKDT, cô giáo Phạm Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Công nghiệp (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) cho biết: “Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn thí sinh rất cụ thể, đến từng mục khi điền phiếu ĐKDT. Thí sinh cần đọc kỹ hướng dẫn này, điểm nào chưa rõ phải hỏi cán bộ tiếp nhận ĐKDT để được hướng dẫn đầy đủ. Thí sinh là học sinh đang học lớp 12 thực hiện khai thông tin ĐKDT trực tuyến theo tài khoản được cấp trên hệ thống phần mềm quản lý thi. Thí sinh tự do khai thông tin cần thiết trên phong bì đựng phiếu ĐKDT, phiếu số 1 và phiếu số 2. Những thông tin này phải giống nhau ở tất cả các mục tương ứng trên bì, phiếu số 1 và phiếu số 2”.
Cô giáo Phạm Ngọc Hà cũng lưu ý thí sinh sẽ được nơi tiếp nhận ĐKDT trả lại phiếu số 2 sau khi đã ký và đóng dấu xác nhận. Thí sinh phải giữ phiếu số 2 này để nhận giấy báo thi, giấy chứng nhận kết quả thi. Trong trường hợp có những sai sót thông tin ĐKDT hoặc bị thất lạc giấy báo thi, thí sinh đem phiếu ĐKDT này trực tiếp tới điểm thi đã đăng ký vào buổi tập trung phổ biến quy chế để đề nghị sửa chữa sai sót và làm thủ tục dự thi.
Trước khi ĐKDT, thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) khuyên học sinh cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ như căn cước công dân/chứng minh nhân dân, số điện thoại, email, ảnh thẻ, điểm trung bình các môn của các khối lớp và học kỳ I khối 12. Đặc biệt, các em cần nắm thông tin về mã tỉnh, mã huyện, mã đơn vị ĐKDT (trường đang học), đối tượng ưu tiên... Học sinh in phiếu và điền thông tin trên tờ phiếu, sau đó kiểm dò trước khi đăng ký chính thức.
Phân chia nhóm nguyện vọng
Việc cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển mở ra rất nhiều cơ hội trúng tuyển vào đại học, cao đẳng cho thí sinh. Tuy nhiên, nếu không có “chiến thuật” hợp lý thì tấm vé vào học rất dễ gặp rủi ro.
“Mách nước” cho thí sinh, PGS, TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển cho rằng, các em cần phân chia nguyện vọng một cách hợp lý. Thí sinh có thể chia số nguyện vọng thành 3 nhóm. Thứ nhất là nhóm những nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Đây là nhóm nguyện vọng mà thí sinh yêu thích. Các em sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, từ trên xuống dưới. Nếu có trượt những nguyện vọng này thì vẫn còn cơ hội đậu các nguyện vọng phía sau. Nhóm thứ hai là những nguyện vọng vừa sức với mình. Thí sinh cân nhắc các trường cùng đào tạo ngành đó để lựa chọn trường theo ý thích. Thứ ba là nhóm “phòng thủ”, thí sinh chọn những nguyện vọng dưới năng lực cá nhân một chút.
Nếu thí sinh đưa ra quyết định chỉ dựa trên điểm chuẩn những năm trước sẽ có sai lệch, bởi vậy khi ĐKDT các em không nên chọn nguyện vọng duy nhất, nhưng cũng đừng đăng ký cùng lúc quá nhiều nguyện vọng. Về điều này, các chuyên gia khuyên thí sinh nên có khoảng 10 nguyện vọng.
Lưu ý những trường hợp điểm ưu tiên, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng, thí sinh nộp kèm các minh chứng về đối tượng ưu tiên ngay khi ĐKDT tốt nghiệp THPT để cán bộ phụ trách tiếp nhận có thời gian rà soát thông tin, giảm thiểu sai sót.
Năm nay, Bộ GD-ĐT điều chỉnh phần mềm theo hướng tăng cường các chỉ dẫn để thí sinh khi truy cập sẽ có những hướng dẫn cụ thể, tránh các lỗi sai đã gặp phải trong năm 2022. Hệ thống cũng cập nhật chức năng để các đơn vị tổ chức thi riêng có thể nhập dữ liệu kết quả thi lên hệ thống. Theo đó, các trường khác có thể sử dụng kết quả thi này để xét tuyển trực tiếp trên hệ thống như với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Một lỗi khác thí sinh hay mắc phải là không đăng ký các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. Hiện đã có nhiều trường đại học công bố xét tuyển sớm, tuy nhiên, theo PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, việc trúng tuyển sớm ở các trường không bảo đảm các em sẽ đỗ vào các trường. Các trường chỉ công bố trúng tuyển tạm thời, trúng tuyển có điều kiện và tiêu chí xét tuyển chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là thí sinh phải tốt nghiệp THPT và phải đăng ký nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.
Đối với những thí sinh có ý định vào các trường khối ngành Công an, Quân đội của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, các em cần đặc biệt lưu ý những điều kiện về sơ tuyển, sức khỏe, lý lịch chính trị để giảm rủi ro khi ĐKDT.
Bài và ảnh: HÀ HIẾU
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.