Hàng lậu qua tuyến hàng không có chiều hướng gia tăng
Cùng với sự tăng trở lại của hành khách hàng không, hàng nhập lậu qua hàng không cũng có xu hướng tăng trở lại, tiềm ẩn rủi ro phức tạp. Đặc biệt, nhiều mặt hàng điện tử với giá trị cao bị đối tượng thẩm lậu.
Nhập lậu iPhone 14
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường hàng không và bưu chính quốc tế có chiều hướng tăng cao trở lại. Các đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu, như: Sản phẩm từ động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, ma túy, xì gà, điện thoại di động, trang thiết bị, vật tư y tế thông qua hình thức chuyển phát, khai báo hàng hóa là quà tặng, quà biếu...
Bà Nguyễn Phương Mai, Đội phó Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc, Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL) - Tổng cục Hải quan cho biết, các đối tượng thường cất giấu trong các kiện hành lý (ngụy trang trong valy hai lớp đối với hành lý ký gửi hoặc trong hành lý xách tay nhỏ gọn, thậm chí quấn quanh người…). Có đối tượng xé lẻ hàng hóa thành các kiện nhỏ, qua đường hàng không hoặc đường bưu chính quốc tế, chuyển phát nhanh, cố ý khai báo sai tên hàng hóa, số lượng, chủng loại để nhập lậu…, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, bắt giữ.
Để đối phó với lực lượng chức năng, đối tượng còn dùng họ tên, chứng minh nhân dân giả, địa chỉ không rõ ràng, không có thật, ghi thông tin số điện thoại SIM rác, nhập khẩu theo loại hình quà tặng, quà biếu nhằm gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác điều tra, xác minh...; hoặc thuê các công ty dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh qua nhiều công đoạn để dễ dàng xóa dấu vết nếu bị cơ quan chức năng phát hiện.
Đặc biệt, theo bà Mai, thời gian vừa qua, khi hãng Apple chính thức công bố, ra mắt các sản phẩm mới của hãng, trong đó có mặt hàng điện thoại iPhone 14, nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng trong nước về nhu cầu sở hữu chiếc điện thoại iPhone seria mới một cách nhanh nhất, các đối tượng buôn lậu đã cài cắm người tại nước ngoài để đặt hàng và nhận hàng ngay khi hãng Apple tung ra sản phẩm tại các đại lý chính hãng ở các nước có khoảng cách địa lý gần Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Hong Kong để vận chuyển mặt hàng này qua tuyến hàng không về Việt Nam. Từ đó, đối tượng bán ra thị trường với giá chênh lệch cao để kiếm lời.
Trước nguy cơ thẩm lậu cao mặt hàng điện thoại di động iPhone 14, lực lượng Hải quan đã tổ chức triển khai các tổ công tác trực tiếp bám sát địa bàn (Nhà ga T2 - Nội Bài), áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát Hải quan nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý đối với mặt hàng này.
Theo đó, ngày 16/9/2022, Đội 1, Cục ĐTCBL đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và Công an huyện Sóc Sơn - Hà Nội kiểm tra hành lý của đối tượng nghi vấn là hành khách nhập cảnh từ Haneda (Nhật Bản) về sân bay Quốc tế Nội Bài phát hiện, ngoài hành lý cá nhân mang theo chuyến đi, đối tượng trên còn mang theo 10 chiếc điện thoại di động ghi nhãn hiệu iPhone 14 Promax 128Gb mới 100% có xuất xứ nước ngoài không khai báo hải quan. Trị giá lô hàng này ước tính hơn 280 triệu đồng.
Cùng với đó, đầu tháng 10/2022, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ trên 700 chiếc điện thoại di động iPhone đã qua sử dụng do một người đàn ông vận chuyển trái phép từ Singapore về Việt Nam qua đường hàng không. Vụ việc này đã được cơ quan Công an TP. Hồ Chí Minh mở rộng điều tra, khởi tố vụ án hình sự.
Ngăn chặn hình thành đường dây, ổ nhóm buôn lậu
Tổng cục Hải quan cho biết, từ năm 2021 đến nay có hơn 1.320 vụ buôn lậu qua đường hàng không bị phát hiện và thu giữ tổng giá trị lên đến 179 tỷ đồng. Số liệu trên cho thấy phần lớn hàng hoá buôn lậu qua đường hàng không là các sản phẩm thiết bị điện tử, trong đó phổ biến nhất là điện thoại iPhone, Samsung, chíp máy tính, iPad hoặc mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Để kiểm soát tốt tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, ông Nguyễn Thanh Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã tăng cường soi chiếu, kiểm tra đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, phối hợp giám sát chặt các thiết bị điện tử viễn thông, điện thoại vận chuyển trên các tuyến hàng không từ Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Austraila đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Ông Đinh Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài cũng cho biết, từ nay cho đến cuối năm 2022, lực lượng Hải quan xác định tập trung nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát hàng hoá nhập khẩu qua đường hàng không; lập và triển khai kế hoạch kiểm soát hải quan giám sát các chuyến bay trọng điểm; tăng cường công tác thu thập xử lý thông tin về hành khách, đối tượng trọng điểm, mặt hàng trọng điểm, chuyến bay trọng điểm, phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra, điều tra những lô hàng có dấu hiệu vi phạm.
Ông Nguyễn Quang Toàn, Phó Cục trưởng Cục ĐTCBL, Tổng cục Hải quan cho biết, để phòng ngừa, kiểm soát tốt tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, Cục ĐTCBL đã chỉ đạo tất cả các đơn vị nghiệp vụ ra soát, đánh giá phối hợp với các đơn vị hải quan địa phương, nhất là với chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất để kịp thời rà soát phát hiện những phương thức, thủ đoạn, những đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng trái phép về đường sân bay, phòng tránh việc hình thành những đường dây, ổ nhóm buôn lậu.
Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai nhiệm vụ, xây dựng chương trình, kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tạo sức mạnh đồng bộ, tập trung quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Hải Minh
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.