Hoàn thiện công tác quản lý nguồn lực tài chính quốc gia
Sáng 3-7, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước tổ chức Hội thảo với chủ đề “Kiểm toán nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển”. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm hướng tới 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước (11-7-1994 / 11-7-2024). Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đến dự và phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương… cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan và đại diện lãnh đạo các địa phương.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN LỘC |
Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ sự vui mừng và gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các đại biểu, khách quý tham dự hội thảo và các đồng chí lãnh đạo Kiểm toán nhà nước qua các thời kỳ, các thế hệ công chức, viên chức, người lao động của Kiểm toán nhà nước. Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sự ra đời của Kiểm toán nhà nước là một tất yếu khách quan, yêu cầu không thể thiếu trong việc hoàn thiện công tác quản lý nguồn lực tài chính quốc gia, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thất thoát ngân sách nhà nước.
Trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, Kiểm toán nhà nước luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Tập thể lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, tạo nên những bước tiến vững chắc, toàn diện với nhiều thành tựu đáng tự hào.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: NGUYỄN LỘC |
Cũng theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, từ một cơ quan “giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế nhà nước và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp”, địa vị pháp lý là cơ quan thuộc Chính phủ, khuôn khổ pháp lý hoạt động là Nghị định của Chính phủ, Kiểm toán nhà nước đã vươn lên trở thành cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Địa vị pháp lý được hiến định tại Hiến pháp 2013; hoạt động theo Luật Kiểm toán nhà nước. Chúng ta đã có một bước tiến rất lớn trong việc xác định địa vị pháp lý cũng như chức năng, vai trò của Kiểm toán nhà nước.
Xuyên suốt 30 năm qua, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ phát triển, Kiểm toán nhà nước luôn chủ động bám sát chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để thực hiện hiệu quả công việc được giao. Hoạt động kiểm toán từng bước đổi mới về nội dung, phương pháp; chất lượng không ngừng nâng lên. Kiểm toán nhà nước ngày càng khẳng định là công cụ quan trọng, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công…
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu. Ảnh: NGUYỄN LỘC |
Trân trọng cảm ơn sự có mặt của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và các đại biểu đã đến dự hội thảo, Tổng kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, đây là dịp để ngành Kiểm toán nhà nước qua mỗi thế hệ cùng quý vị đại biểu, các vị khách quý sẻ chia, tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử, những thành tựu trên con đường phát triển của Kiểm toán nhà nước trong 30 năm qua. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào của mỗi thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về truyền thống vẻ vang của Kiểm toán nhà nước, để thế hệ hôm nay tiếp tục vững bước phấn đấu, đưa ngành Kiểm toán nhà nước ngày một phát triển trên chặng đường tới.
Theo Tổng kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, trên thế giới, Kiểm toán nhà nước đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Nhưng ở nước ta, vào những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ XX, trước đòi hỏi của công cuộc đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều thành phần kinh tế, hoạt động kiểm toán với tư cách là một hoạt động do các tổ chức độc lập chuyên nghiệp thực hiện kiểm tra, xác nhận và tư vấn công tác quản lý tài chính, kế toán bắt đầu xuất hiện. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Kiểm toán nhà nước vào ngày 11-7-1994 là tất yếu khách quan, yêu cầu không thể thiếu trong việc hoàn thiện công tác quản lý nguồn lực tài chính quốc gia, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thất thoát ngân sách nhà nước.
Từ những ngày đầu đầy khó khăn, thiếu thốn từ con người đến cơ sở vật chất làm việc; nhưng với lòng quyết tâm của các thế hệ cán bộ qua các thời kỳ và sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo ủng hộ nhiệt thành của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, đến nay bộ máy hoạt động của Kiểm toán nhà nước đã được kiện toàn với 32 đơn vị (9 đơn vị tham mưu, 8 kiểm toán nhà nước chuyên ngành, 13 kiểm toán nhà nước khu vực và 2 đơn vị sự nghiệp), với tổng số hơn 2.000 công chức, viên chức, người lao động. Không chỉ tăng trưởng về số lượng, chất lượng cũng là dấu ấn khi 100% kiểm toán viên nhà nước có trình độ đại học trở lên; có trên 50% cán bộ, công chức có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế.
Trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, Kiểm toán nhà nước luôn chủ động bám sát chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao. Kiểm toán nhà nước đã chú trọng kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước giúp Quốc hội có nguồn thông tin, dữ liệu đáng tin cậy để phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; tham gia ý kiến một cách có trách nhiệm và thiết thực giúp Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương hằng năm.
Kết quả kiểm toán hằng năm của Kiểm toán nhà nước còn giúp cho hoạt động giám sát của Quốc hội hiệu quả hơn. Ngoài ra, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện những bất cập của cơ chế chính sách, từ đó đưa ra ý kiến giúp Quốc hội, Chính phủ trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính công, tài sản công; quyết định các chính sách kinh tế, tài chính quan trọng của quốc gia.
ANH VIỆT
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.