Trước đó ngày 04/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 7 kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa đối với địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh Đ.X.T trên địa bàn thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Kết quả kiểm tra phát hiện tại địa điểm kinh doanh nói trên đang trưng bày để bán 1.243 đơn vị sản phẩm các loại sản xuất tại nước ngoài gồm: 11 cái lam cưa xích gắn nhãn hiệu STILHS, 1.130 cái lam cưa xích gắn nhãn hiệu SITNL, 100 cái dũa mài xích máy cưa xích gắn nhãn hiệu STIHL và 02 cái máy cưa xích gắn nhãn hiệu STIHL.
Đội Quản lý thị trường số 7 đã phối hợp với đại diện được ủy quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu STIHL tại Việt Nam, qua đó xác định được các sản phẩm gắn nhãn hiệu STILHS, STIHL là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu STIHL của Andreas Stihl AG & Co.KG, các sản phẩm gắn nhãn hiệu SITNL là hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu STIHL của Andreas Stihl AG & Co.KG.
Bên cạnh việc kinh doanh tại cửa hàng theo phương thức truyền thống, Hộ kinh doanh Đ.X.T còn sử dụng mạng xã hội facebook để đăng tải thông tin về các loại hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu STIHL nhằm mục đích kinh doanh. Hộ kinh doanh Đ.X.T đã có hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, là hành vi bị cấm trong thương mại điện tử.
Đội Quản lý thị trường số 7 đã lập Biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ đến cấp có thẩm quyền xem xét. Ngày 17/7/2024, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Đ.X.T với tổng số tiền phạt vi phạm hành vi là 97.000.000 đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp số tiền 27.280.000 đồng. Số tang vật vi phạm gồm 1.243 đơn vị sản phẩm các loại là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu STIHL và hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu STIHL bị buộc tiêu hủy để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Toàn bộ tang vật vi phạm có giá trị: 107.825.000, trong đó giá trị tang vật vi phạm buộc tiêu hủy: 80.545.000 đồng.
Chiều ngày 16/8/2024, dưới sự giám sát của đại diện các phòng chuyên môn Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình và Đội Quản lý thị trường số 7, Hộ kinh doanh Đ.X.T đã thực hiện tiêu hủy tang vật vi phạm bằng cách dùng máy cắt để cắt lam cưa xích, dũa mài xích máy cưa xích, máy cưa xích thành nhiều mảnh nhỏ rời rạc, không thể khôi phục lại hình dáng ban đầu, không thể tái sử dụng. Sau khi thực hiện xong việc tiêu hủy, số phế liệu từ việc tiêu hủy được thu gom rác, bảo đảm vệ sinh môi trường.